Trăm ngả đường hàng lậu qua biên giới mùa nước nổi

Bài cuối: Phòng chống buôn lậu cần bắt đầu từ gốc

Thứ Bảy, 01/09/2018, 23:47
Để công tác phòng chống buôn lậu tuyến biên giới Tây Nam có hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các ngành chức năng không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tuần tra kiểm soát, bắt giữ và xử lý… mà còn phải lấy dân làm gốc.

Nắm chặt các địa bàn trọng điểm, nơi “đầu sóng, ngọn gió”, tăng cường kiểm tra trên toàn tuyến… Để từ đó có các biện pháp đấu tranh hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong công tác phòng chống buôn lậu.

Phát huy sức mạnh của người dân vùng biên giới

Tại khu vực vành đai biên giới vẫn còn nhiều hộ dân sinh sống, làm phát sinh nhiều đường mòn lối mở ở khu vực cánh gà cửa khẩu dẫn đến khó kiểm soát. Các hộ dân nơi đây nhận thức về pháp luật chưa cao. Mặt khác thiếu việc làm để ổn định cuộc sống dẫn đến dễ bị các “đầu nậu” lợi dụng…

Thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang, kiến nghị: “Cần phải xây dựng chính sách phát triển thương mại mậu dịch vùng biên giới, kết hợp phòng chống buôn lậu, gắn với giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập để người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu. Các cấp ủy, chính quyền cần phân công tổ chức đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, vận động giúp đỡ tạo điều kiện cho các đối tượng chuyển đổi ngành nghề có thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Cần phải tuyên truyền có chiều sâu để người dân vùng biên hiểu về trách nhiệm của công dân trong đấu tranh chống buôn lậu, không bao che tiếp tay cho buôn lậu, tích cực phối hợp, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để phòng chống buôn lậu”.

 Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an An Giang, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã nhận được trên 1.000 tin báo, trong đó có gần 700 tin giá trị phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu.

Ông Lý Việt Thái, Trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm Cục Hải quan An Giang, cho biết: “Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, tại các trụ sở đơn vị và nơi làm thủ tục Hải quan, thiết kế bảng niêm yết về các quy định pháp luật, về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, thủ tục khai báo hàng hóa, hành lý của người xuất nhập cảnh trên một khổ giấy với 3 thứ tiếng: Việt – Anh – Campuchia, bước đầu thu được những hiệu quả tích cực”.

Ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh An Giang cho rằng: Thời gian tới các ngành, các cấp tỉnh An Giang cần tập trung mọi nguồn lực để công tác phòng chống buôn lậu có hiệu quả cao. Phối hợp với báo, đài, kịp thời phát hiện khen thưởng những tập thể, cá nhân đấu tranh có hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu. Đồng thời, phản ánh, xử lý những trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác huấn luyện nghiệp vụ cho các lực lượng chống buôn lậu, đặc biệt chú trọng kĩ năng trong mùa nước nổi sắp tới…

Nếu cần thiết, tổ chức đối thoại, gặp gỡ những đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, các “đầu nậu”… để vận động, tuyên truyền thật sự có chiều sâu, hiệu quả. Đưa cộng đồng tham gia phòng chống buôn lậu, cần có cơ chế khen thưởng đặc biệt cho công tác phòng, chống buôn lậu.

Cụ thể, có thể khen thưởng 50% trên giá trị hàng hóa buôn lậu. Cần nâng cao chất lượng của thuốc lá, đường trong nước và xem xét giá thành phù hợp để “cạnh tranh” với hàng lậu. Cán bộ phải “giữ mình” và hoàn thành nhiệm vụ bằng tâm huyết, trách nhiệm.

Công an An Giang bắt quả tang một vụ vận chuyển hàng lậu.

Có chính sách hợp lý trong nội địa

Ngoài việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu trên tuyến biên giới, trong nội địa cơ quan Công an các huyện thị, thành phố đã phát hiện, ngăn chặn hàng loạt vụ vận chuyển hàng lậu. Đại tá HuỳnhVăn Sách - Trưởng Công an thị xã Hồng Ngự cho biết, so với những năm trước, tình trạng vận chuyển, tàng trữ thuốc lá, hàng lậu trên địa bàn giảm đến 80%.

“Hoạt động buôn lậu trên địa bàn Đồng Tháp ít so với nhiều địa phương khác. Một số bị truy cứu trách nhiệm hình sự, một số do bị bắt hàng hóa nhiều dẫn đến cụt vốn, bỏ nghề” - Trưởng Công an thị xã Hồng Ngự nói.

Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận, hiện nay khu vực biên giới Đồng Tháp, hoạt động buôn lậu vẫn còn tiếp diễn, nhưng chủ yếu nhỏ lẻ. Nhiều đối tượng lợi dụng sự sơ hở của lực lượng chức năng tham gia tàng trữ, vận chuyển hàng lậu từ khu vực biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ là khó tránh khỏi.

Hiện, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng hoá hập lậu vẫn còn bộc lộc nhiều sơ hở, do các quy định còn chồng chéo, khó thực hiện. Đối tượng bị xử phạt không chấp hành quyết định mà tiếp tục tái phạm. Sự chênh lệch về giá, nhu cầu tiêu thụ trong nội địa ngày càng cao, lợi nhuận lớn nên tình hình vận chuyển hàng nhập lậu, nhất là thuốc lá điếu ngoại và đường cát diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, các đầu nậu lớn, chủ yếu tập trung tại nội địa vì tại khu vực biên giới chỉ vận chuyển hàng hoá nhỏ lẻ, không có nơi tập trung với số lượng lớn. Lực lượng QLTT cần phối hợp với các ngành giải quyết thực tại ở nội địa, như: từ nơi bán, nơi tiêu thụ và nơi sử dụng thì chắc chắn hoạt động buôn lậu trên khu vực biên giới sẽ giảm.

Mặt khác, tiêu thụ chậm, tồn kho cao, giá đường thấp là hậu quả từ tình trạng buôn lậu đường cát gây ra. Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500.000 tấn đường nhập lậu, bằng 30% lượng sản xuất trong nước. Tỉnh An Giang là địa bàn trọng điểm của việc buôn lậu đường cát. Hiện đối diện với biên giới nước ta có 26 kho hàng chứa đường, thuốc lá, rượu, bia chờ vận chuyển trái phép vào nội địa tiêu thụ.

Trong 6 tháng qua, ngành chức năng đã phát hiện, tạm giữ 124 tấn đường. Phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, táo bạo. Do đó, ngoài các biện pháp ngăn chặn, việc cơ cấu lại ngành mía đường phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập, phát triển mạnh kinh tế biên mậu cũng cần được tính đến.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.