Trăm ngả đường hàng lậu qua biên giới mùa nước nổi

Thứ Sáu, 31/08/2018, 08:00
Cứ mỗi khi nước lũ tràn đồng, trên tuyến biên giới qua địa bàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… tình hình buôn lậu lại “nóng” lên. Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng tìm mọi cách đưa hàng lậu vào nội địa nước ta. Đặc thù biên giới Tây Nam bộ bằng phẳng, trải dài, nước lũ dâng cao tại các cánh đồng giáp ranh mở ra nhiều con đường trên đồng, thuận lợi cho đối tượng buôn lậu có thể chuyển hàng hoá…

Bài 1: Buôn lậu lên theo con nước

Nước lũ dâng cao cũng là thời điểm mà các đối tượng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam bộ hoạt động rầm rộ. Các nhóm buôn lậu dùng xuồng máy được “độ lại”, chạy băng đồng với tốc độ “xé gió”, né chốt kiểm tra trên bờ, đưa hàng đến điểm tập kết. Công tác phòng chống buôn lậu mùa nước nổi phải đối mặt nhiều hiểm nguy, gian nan.

“Nằm muỗi” cùng trinh sát

Theo lực lượng chống buôn lậu, nhưng năm gần đây, hoạt lậu buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam bộ giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, vào mùa nước nổi, các đối tượng lợi dụng địa hình tuyến biên giới tiếp tục gia tăng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, băng sông, băng đồng đưa vào nội địa. Đêm 26-8, PV Báo CAND được bố trí cùng Tổ công tác thuộc Đội 4 - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang, mật phục và tiến hành vây bắt các đối tượng vận chuyển hàng lậu trên tuyến kênh Vĩnh Tế (TP Châu Đốc).

Để tránh sự theo dõi của các đối tượng canh đường, PV có mặt tại TP Long Xuyên (cách điểm mật phục 60km) từ chiều. Đến 21h giờ cùng ngày, 2 xe tải cỡ lớn chở 30 CBCS Cảnh sát Cơ động và PV di chuyển về hướng TP Châu Đốc. Tổ công tác phải chạy vòng quanh trung tâm TP Châu Đốc hóa trang là xe tải chợ nông sản.

23h, Tổ công tác chia làm 2 nhóm “ém quân” 2 đầu của tuyến kênh Vĩnh Tế. Trong thùng chiếc xe tải, các chiến sĩ sẵn sàng đợi lệnh hành động. Tuy nhiên, đến gần 3h ngày 27-8, các đối tượng vận chuyển hàng lậu vẫn chưa xuất hàng. Một nguồn tin trinh sát cho biết, các đối tượng cảnh giác nên đã chia nhỏ và “đi hàng” thăm dò tại các tuyến đường tắt, số lượng hàng không đáng kể, đề nghị hủy kế hoạch. Ban chỉ huy thống nhất phương án rút quân, tránh “bứt dây động rừng”…

Với quyết tâm cao, tối 27-8, vẫn kế hoạch cũ, thêm vào đó là một Tổ trinh sát được phân công bám sát tại các điểm tập kết hàng của các đầu nậu tại cánh đồng lớn thị trấn Tịnh Biên. Chiếc vỏ lãi chở Tổ trinh sát vào đồng khi trời chập tối, để tránh bị phát hiện, trên phương tiện được trang bị ngư cụ đánh bắt thủy sản. Trời tối mịt, đồng chí dẫn đường dày dạn kinh nghiệm, thuộc từng chỗ sâu cạn trên cánh đồng bốn bề là nước, đã đưa Tổ trinh sát “ẩn mình” vào rặng gáo, khá gần với 3 ghe lớn chứa hàng lậu bên kia biên giới.

Trinh sát đi cùng cho biết, hôm nay rất khác lạ vì như mọi hôm, giờ này đã có các đối tượng canh đường đi thăm dò, còn hôm nay cánh đồng yên tĩnh lạ lùng, không một phương tiện di chuyển. Tổ trinh sát bất động, không một ánh đèn bám chặt vị trí.

Tâm sự với PV, cán bộ trinh sát đi cùng, hài hước: “Khổ như trinh sát chống buôn lậu biên giới Tây Nam. Ngoài đồng thì chống “giặc muỗi”, khi mật phục gần điểm tập kết hàng thì còn “chống giặc sủa”. Nhiều khi “ém” dưới nước từ sáng đến chiều, chợt con chó phát hiện sủa lên, lúc này đành phải rút quân, vỡ kế hoạch”… Công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu tại tuyến biên giới được ví như cuộc đấu trí, “cuộc chiến” trên đồng…

Đến 23h, sau trận đấu bóng đá giữa đội tuyển Olympic Việt Nam và Syria kết thúc, tiếng máy của những vỏ lãi chở hàng lậu bắt đầu hoạt động. Qua ống nhòm, dễ dàng nhận thấy, các đối tượng vận chuyển nhận hàng từ những chiếc ghe lớn đậu giữa đồng của phía bên kia biên giới. Sau khi chất đầy thuốc lá, đường, bia… những chiếc vỏ lãi được trang bị máy “độ” phóng bạt mạng, nước trên đồng trắng xóa phía sau. Phía trước các phương tiện chở hàng lậu là những phương tiện rà đường, thăm dò và sẵn sàng lao vào phương tiện của lực lượng chức năng để đồng bọn thoát nạn.

Tình hình được báo nhanh về Ban chỉ huy, lệnh hành động được triển khai đến 2 nhóm công tác tại 2 đầu kênh Vĩnh Tế. Lập tức, 2 xe tải chở CBCS bất ngờ ập vào điểm lên hàng trên bờ Vĩnh Tế. Các đối tượng đóng cửa lối lên hàng, chiếc vỏ lãi chở hàng lậu nổ máy chạy ngược về hướng Campuchia. Trên bờ các xe máy rồ ga, chạy tán loạn khắp mọi hướng với tốc độ cao, bất chấp nguy hiểm.

CBCS từ thùng xe tải lập tức áp sát, bắt khống chế các đối tượng. Một đối tượng bị khống chế với 148 cây thuốc lá lậu trên xe (tương đương 1.480 gói, không xử lý hình sự được – PV)… 3 xe khác bị thu giữ cùng tang vật. “Trận chiến” kết thúc vào lúc 4h sáng ngày 28-8...

Bộ đội Biên phòng An Giang và Công an huyện Tịnh Biên, phối hợp tuần tra chống buôn lậu trên cánh đồng ngập lũ biên giới.

Đường đi của hàng lậu

Tại Đồng Tháp, các nhóm buôn lậu dùng xuồng máy chạy băng đồng, né chốt kiểm tra trên bờ, đưa hàng đến điểm tập kết trên bờ thuộc xã Thường Thới Hậu B, rồi đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Thường Thới Hậu B từng được xem là điểm “nóng” vận chuyển hàng lậu tại khu vực biên giới Đồng Tháp. Bên kia dòng sông Sở Thượng, phía Campuchia có nhiều kho hàng lậu, chủ yếu thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm các loại…

Công an xã cho biết, nhiều năm nay đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng duy trì chốt kiểm tra trên tuyến đường liên xã, giảm tối đa số vụ vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào nội địa. Từ đầu năm 2018, Công an xã Thường Thới Hậu B đã bắt giữ 41 vụ, 24.960 gói thuốc lá nhập lậu các loại và 2.850kg đường cát.

“Hiện nay, đối tượng tham gia vào việc vận chuyển hàng lậu giảm về số lượng, vì nhiều trường hợp bỏ nghề hoặc lên các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ mưu sinh. Một số vẫn còn hoạt động, tham gia vận chuyển thuê cho các chủ hàng. Vào thời điểm mùa lũ, trong nội địa hút hàng thì các đối tượng gia tăng hoạt động, tăng chuyến vận chuyển hàng lậu” – Ban chỉ huy Công an xã Thường Thới Hậu B cho biết.

Tuy tình hình buôn lậu được kiềm chế, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Mùa nước nổi các đầu nậu bên kia biên giới không tập kết hàng vào kho mà cho chở hàng trên ghe lớn đậu dọc trên đồng nước. Tại An Giang, các đối tượng vận chuyển chia nhỏ hàng hóa, sử dụng xuồng, vỏ lãi công suất lớn chở hàng phóng bạt mạng trên cánh đồng với chiều dài gần 2km về các điểm tập kết hàng ở khóm Vĩnh Phú, Vĩnh Chánh, phường Châu Phú A (TP Châu Đốc); hoặc đi theo tuyến mương Miếu Ngói, mương Năm Lùn về ấp Bà Bài, ấp Cây Châm, xã Vĩnh Tế (TP Châu Đốc); xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên); cặp bến kênh Vĩnh Tế (thị trấn Tịnh Biên); khu vực biên giới giáp ấp 2, xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) theo kênh Tà Suông – Campuchia ra rạch Chắc Ri hoặc ngọn Cả Hàng…

Tại đây, với thuốc lá sau khi vào nội địa, từ Châu Đốc các đối tượng dùng xe máy giao hàng cho các đối tượng ở khu vực huyện Châu Phú. Sau đó, được vận chuyển về Châu Thành, TP Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long… và lên tận TP Hồ Chí Minh tiêu thụ…

Quá trình vận chuyển, nếu phát hiện có lực lượng chức năng, các đối tượng cho xe chạy vào các tuyến đường dọc theo các kênh, rạch nhỏ, luồn lách để không bị bắt. Nếu có động, bọn chúng “ém hàng” tại các điểm trung chuyển, chờ thời điểm thích hợp tiếp tục vận chuyển hàng lậu vào sâu trong nội địa. Còn tại huyện Tịnh Biên, hàng sau khi được tập kết sẽ được các đối tượng ở Hà Tiên (Kiên Giang) dùng xe tải, ôtô lên nhận…

Riêng đối với đường cát Thái Lan, sau khi vào nội địa được các đầu nậu tại Châu Đốc, Tịnh Biên dùng ghe lớn, xe tải vận chuyển giao lên Cần Thơ, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh...

Đại tá Nguyễn Văn Chinh, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp, cho biết: “Năm nay, nước lũ về sớm và cao hơn cùng kỳ nên các cánh đồng biên giới ngập sâu trong nước. Việc này thuận lợi cho ghe xuồng di chuyển nhưng kéo theo hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng”.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.