“Tín dụng đen” mối nguy đang tồn tại?

“Ngân hàng”… cột điện! (bài 1)

Thứ Sáu, 20/07/2018, 09:25
Trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày có những lúc túng quẩn nhiều người không biết vay ở đâu. Vay ngân hàng thì không đủ điều kiện về chứng minh thu nhập cũng như thời gian kéo dài.

Trong khi đó cột điện trước nhà lại có thông tin đầy ắp về cho vay trả góp không cần thế chấp. Dẫu biết là vay nặng lãi nhưng đành phải liều một phen, mai mốt làm ngày, làm đêm trả nợ. Khi mất khả năng chi trả, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền vay ít ỏi ban đầu giờ đã phình to, muốn trả phải bán xe, bán nhà… cũng không đủ.

Mở mắt thấy… “ngân hàng”!

Có lẽ nắm bắt được thực tế đó nên nhiều kẻ cho vay nặng lãi nhắm đến đối tượng nghèo đã quảng cáo rầm rộ chuyện cho vay đến mọi ngỏ ngách ở TP Hồ Chí Minh. 

Trên các con đường, ngõ hẻm gần như bất kỳ cột điện, hộp điện, trụ cầu, tường rào… nào cũng dán đầy tờ rơi với nội dung “cho vay trả góp không cần thế chấp”. 

Để tăng thêm sự chú ý, kẻ cho vay dán cùng lúc hàng chục tờ rơi có nội dung giống nhau, khiến ai đi ngang cũng phải ngó nhìn. Qua số điện thoại trên các tờ rơi có thể thấy, việc cho vay cũng chia theo địa bàn hẳn hoi. Như trên tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc địa bàn quận Thủ Đức có số điện thoại giống nhau nhưng khi sang địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp thì số điện thoại mỗi nơi mỗi khác. 

“Địa bàn cho vay cũng giống như địa bàn bảo kê vậy, ai xâm phạm là đổ máu ngay”, một tay giang hồ ở quận Thủ Đức cho biết. Cũng theo người này, vì trong giới giang hồ “rừng nào cọp nấy” nên kẻ cho vay cũng theo đó mà phân chia. 

Bởi cho vay nặng lãi dùng bạo lực để đòi nợ là điều tất yếu nên việc thuê giang hồ để đòi nợ cũng phải theo địa bàn. Như trước đây, giang hồ Trần Xuân Đức, cầm đầu nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi tàn bạo khét tiếng ở quận 12 nhưng y và đồng bọn cũng chỉ quanh quẩn ở địa bàn, không dám vươn vòi sang nơi khác. Hoặc như Lộc “cá” ở quận 10, Lượm “lùn” ở quận 5, H “bò cạp” ở quận 9… cũng tuân thủ theo nguyên tắc ấy.

Chọn một số điện thoại cho vay trả góp 097950… dán trên cột điện nằm trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, tôi gọi điện để hỏi vay. Đầu đây bên kia một người nói giọng miền Bắc vào đề ngay: “Chú mày nói đi vay bao nhiêu? Có hộ khẩu, chứng minh nhân dân bản chính không? Có vợ con gì chưa? Có nhà riêng chưa? Làm nghề gì?”. 

Tôi đáp: “Dạ em làm ở công ty xây dựng, có vợ và 2 con, có nhà ở TP Hồ Chí Minh. Em định vay 20 triệu nhưng lãi suất bao nhiêu vậy anh?”. 

Người này lớn tiếng: “Lãi suất không tư vấn qua điện thoại, hồ sơ chú mày thế cũng được rồi đấy, cứ mang hộ khẩu, CMND đến số 85…, Xa Lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9 sẽ được tư vấn và cho vay nhé”. 

Nói xong anh ta tắt máy ngang như thể không cần “thượng đế”. Gọi một số điện thoại khác có trên tờ rơi dán trong một con hẻm nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh), tôi cũng được người đàn ông cho vay hỏi y như lần đầu. Lần này trong vai người làm phụ hồ, có vợ làm công nhân, có căn nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh do cha mẹ để lại, số tiền vay cũng là 20 triệu đồng. 

Tôi vừa dứt lời, gã quát: “Ông đùa ấy à? Vay 20 triệu trả mỗi ngày 800 ngàn đồng (tính ra lãi suất 20%/tháng), ông làm phụ hồ đào đâu ra để trả?”. Tôi nài nỉ: “Em trả thành nhiều tháng được không anh?”. 

Gã dứt khoát: “Không, chỉ trả trong vòng một tháng. Cỡ như ông vay 5 triệu là cùng, mỗi ngày trả 200 ngàn. Được thì nhắn cho địa chỉ nhà, tôi cho lính xuống xem liền, không thì thôi nhé” rồi tắt máy. 

Khách hàng của kẻ cho vay nặng lãi thường đã quá bí bách, cần có tiền ngay để giải quyết công việc. Hoặc những người nghiện bài bạc, cá độ, con nghiện… lúc lên cơn mà rỗng túi thì kiểu gì cũng làm liều. 

Thường họ tự tìm đến kẻ cho vay, bất chấp lãi suất, bất chấp hậu quả. Cho nên kẻ cho vay cũng không cần phải mềm mỏng như nhân viên ngân hàng hay các công ty tài chính. 

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, điều kiện về hộ khẩu, CMND mà người cho vay đặt ra cũng không quan trọng bằng việc con nợ có nhà cửa do mình đứng tên và đặt biệt là có vợ (hoặc chồng), có con cái. 

Bởi tâm lý chung của người vay nợ là sợ ảnh hưởng đến gia đình, con cái bị gây hại nên sau đó phải tìm mọi cách giải quyết. Chỉ cần vài lần bị tạt nước sơn, quăng mắm tôm vào nhà là con nợ đã hoảng hốt bán nhà, bán xe trả nợ. Hiện nay, số tiền mà các đối tượng cho vay không thế chấp phổ biến từ 5-20 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng. 

Chúng cộng lãi vào vốn rồi chia đều ra trả hàng ngày trong vòng 1 tháng. Ngoài cho vay trả góp, trên khắp các cột điện còn nhan nhản thông tin cầm cà-vẹt xe (giấy đăng ký) lên đến 90% giá trị xe. Khi chúng tôi liên hệ thì mới hay đó cũng là một hình thức cho vay trả góp có thế chấp bằng chính chiếc xe gắn máy. 

Người vay phải làm giấy bán xe cho người cho vay rồi thuê xe lại sử dụng trả góp mỗi ngày, khi nào hoàn thành thì hủy hợp đồng mua bán xe.

Ngân hàng cột điện có mặt khắp nơi ở TP Hồ Chí Minh.

Chân dung các ông chủ “ngân hàng”! 

Hầu hết các đối tượng cho vay nặng lãi không thế chấp hiện nay ở TP Hồ Chí Minh đến từ các tỉnh, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Trần Đình Cường (28 tuổi) kẻ có 2 tiền án về tội “cướp tài sản” và “gây rối trật tự công cộng”. 

Giữa năm 2017, khi mãn hạn tù lần 2, Cường từ Bắc Ninh vào TP Hồ Chí Minh với ý định làm giàu từ “nghề” cho vay nặng lãi. Với số vốn ban đầu 800 triệu đồng, Cường tập hợp gần chục giang hồ khác ở quê nhà rồi chia thành hai nhóm cho vay nặng lãi. 

Bên cạnh phát, dán tờ rơi ở cột điện, hai nhóm này còn lập nhiều trang web như  “alovaytien”, “vaytiennongsaigon”, “vaytragop24h”… quảng cáo lãi suất thấp, không cần thế chấp. Tuy nhiên, khi “cá đã cắn câu” thì chúng hét mức lãi suất có khi lên đến 90%/tháng. 

Tất nhiên, ai không trả nợ đúng hạn sẽ bị xử theo luật giang hồ. Khi bị Công an quận Tân Phú bắt giữ, Cường và đồng bọn đã thu lợi bất chính hơn 200 triệu đồng sau 5 tháng “kinh doanh”. 

Tương tự, Lê Anh Tuấn (40 tuổi) vốn là một tay giang hồ ở Hà Nội. Khi vào TP Hồ Chí Minh, để “hành nghề”, y mượn của người quen 100 triệu đồng rồi ký hợp đồng thuê nhà số 104 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp để bày bán điện thoại di động làm bình phong. 

Sau đó Tuấn cho in tờ rơi quảng cáo với nội dung “Quỹ tín dụng 104 cho vay tín chấp thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp ĐT: 0938399104” rồi thuê người đem dán trong các khu dân cư lân cận. 

Khi người dân có nhu cầu tìm đến thì Tuấn mới hét lãi suất từ 20%/tháng trở lên nhưng do quá kẹt tiền nên nhiều người đành vay liều. Chỉ sau 4 tháng kể từ khi cho vay đến lúc bị bắt, Tuấn đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Không trực tiếp cho vay, một số người ở các tỉnh còn “đầu tư” cho những kẻ giang hồ hành nghề và chỉ đạo qua điện thoại. Như vụ Đội 2, Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra hành chính hơn 10 căn hộ nằm trong hai chung cư Giai Việt và Samland ở P.15, Q.8 và phát hiện 22 người nghi vấn cho vay nặng lãi. 

Tại 1 căn hộ ở lầu 14, chung cư Giai Việt cơ quan Công an thu giữ 1 khẩu súng ru-lô cùng hàng trăm hợp đồng cho vay, sổ theo dõi đòi nợ… 

Bốn đối tượng ở trong căn hộ này là Đào Hữu Trường (34 tuổi), Đặng Minh Đoàn (36 tuổi; cùng quê quán Ba Đình, Hà Nội), Vũ Xuân Bảo (29 tuổi; Quỳnh Lưu, Nghệ An; 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản) và Ngô Văn Đoàn (33 tuổi; quê quán Thái Bình; 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy) khai được một người tên Nga (ngụ Hà Nội) thuê vào TP Hồ Chí Minh tổ chức cho vay. 

Căn nhà này bà Nga bỏ tiền ra thuê và trả công cho mỗi đối tượng từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ của chúng là phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư nghèo, khu chợ búa… ở Q.5, Q.6, Q.8 với nội dung “cho vay không thế chấp, nhận tiền ngay” kèm theo số điện thoại. 

Khi khách hàng vay, chúng yêu cầu thế chấp bản chính sổ hộ khẩu, CMND và được vay với số tiền từ 1-10 triệu đồng/trường hợp, lãi suất từ 10-15%. Khi giao tiền chúng trừ lại phần lãi 1 tháng rồi chia đều trả góp mỗi ngày cho đến khi dứt nợ. 

Ai không trả đúng hẹn chúng sẽ đe dọa, đánh đập. Một nhóm khác ở chung cư Samland cũng khai được một người tên Lai quê Nam Định thuê nhà cho ở để làm nhiệm vụ cho vay và thu hồi nợ với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Nhóm PV
.
.
.