Hiểm họa môi trường từ các nhà máy xả thẳng

Ai kiểm soát xả thải ở các khu công nghiệp?

Chủ Nhật, 21/08/2016, 08:59
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc gia tăng nhanh chóng số lượng các khu công nghiệp (KCN) trong thời gian qua cũng đặt ra thách thức lớn về môi trường. Một thực tế là, không ít trung tâm xử lí nước thải của các KCN lại chính là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường.


Bài 3: Ai kiểm soát xả thải ở các khu công nghiệp?

Nhà máy xử lí nước thải lại là thủ phạm gây ô nhiễm

Trạm xử lí nước thải tập trung của KCN Nam Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An) đã bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Nghệ An) bắt quả tang hành vi xả thải chưa qua xử lí ra môi trường. KCN Nam Cấm được đưa vào hoạt động từ năm 2005 với tổng mức đầu tư gần 900 tỉ đồng, thu hút 39 dự án đầu tư.

Các cống ngầm xả thải trộm được xây dựng rất tinh vi, khó phát hiện.

Tuy vậy, mãi đến năm 2015, Trạm xử lí nước thải tập trung của KCN này mới được đưa vào vận hành với vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng, công suất 2.500m³/ngày đêm. Dù mới vận hành thời gian ngắn nhưng Trạm xử lí nước thải này đã gây bức xúc trong nhân dân khu vực bởi hành vi xả thải chưa qua xử lí, gây ô nhiễm. Tại đây, nước thải có màu đen đặc, bốc mùi hôi thối. Trong đêm 4-10-2015, PC49 đã bắt quả tang Trạm xử lý nước thải dùng ống nhựa với đường kính khoảng 10cm để bơm nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.

Ngày 31-5-2016 vừa qua, người dân phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã bao vây, đập phá nhà máy xử lý nước thải của Công ty TNHH Khoa học công nghệ - môi trường Quốc Việt (gọi tắt là Công ty Quốc Việt) vì gây ô nhiễm cho khu dân cư. Nhà máy này đang thực hiện xử lí nước thải cho KCN Liên Chiểu, tuy nhiên lại thường xuyên xả trộm ra môi trường, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, sức khoẻ của người dân trong khu vực. Trước sức ép của nhân dân, Ban Quản lý KCN Liên Chiểu đã buộc phải chấm dứt hợp đồng với Công ty Quốc Việt.

Hiện nay, vẫn còn khoảng 30% KCN chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện. Đối với các KCN đã có hệ thống xử lí nước thải thì hệ thống này cũng vận hành không hết công suất mà chỉ xử lí được khoảng 60% lượng nước thải, phần còn lại hầu hết được xả thẳng ra môi trường. Đây là hậu quả của một thời gian dài, các địa phương chỉ quan tâm đến thu hút đầu tư mà chưa thực sự chú trọng đến các biện pháp giám sát, xử lý chất thải bảo vệ môi trường.

Mỗi ngày, môi trường sống hứng 1 triệu m³ nước thải

Cả nước hiện có 348 KCN đã được thành lập, trong đó 232 KCN đã hoạt động, 116 KCN đang xây dựng. Ngoài ra, cả nước còn có 16 khu kinh tế ven biển. Các KCN thường tập trung ở những tỉnh, thành phố có biển hoặc có hệ thống sông đi qua. Nước thải cũng chủ yếu đổ ra sông, biển.

Riêng trên hệ thống sông Đồng Nai có 52 KCN. Lượng nước thải của các KCN ước tính khoảng 1 triệu m³/ngày đêm, chiếm 35% tổng lượng nước thải toàn quốc. Tại một số KCN đã đầu tư từ nhiều năm trước còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do công nghệ sản xuất lạc hậu như KCN Thanh Thuỷ (Hà Giang), Cầu Nghìn (Thái Bình) và một số KCN ở Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Lào Cai. Ở những KCN này, chủ yếu là ô nhiễm bụi, một số nơi xuất hiện ô nhiễm CO2, SO2, NO2...

Trong 6 tháng đầu năm, Cục CSĐT tội phạm về môi trường (C49) đã phát hiện và xử lí 22 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 4,932 tỉ đồng; chuyển cơ quan chức năng xử lí 2 vụ với tổng số tiền 850 triệu đồng.

Một số vụ việc điển hình như Công ty TNHH Toyoda Giken Việt Nam (KCN Nội Bài) bị xử phạt 260 triệu vì hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép; Công ty CP Dệt may Sơn Nam (Nam Định) bị phạt 354 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn; Công ty TNHH Pou Hung Việt Nam thuộc KCN Chà Là (Tây Ninh) bị phạt 596,7 triệu đồng vì hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường vượt quy chuẩn kĩ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên tại 2 điểm xả với tổng lưu lượng xả là 163m3/ngày đêm; Công ty TNHH công nghiệp Dona Quế Bằng (Ấp 5, xã Thạch Phú, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) bị phạt 662,1 triệu đồng vì hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn từ 2-5 lần và từ 10 lần trở lên tại 3 điểm xả với tổng lưu lượng xả trên 100m³/ngày đêm; Nhà máy luyện phôi thép – chi nhánh Công ty CP Thép Pomina (KCN Phú Mỹ 1, Bà Rịa – Vũng Tàu) bị phạt 400 triệu đồng vì hành vi đổ, thải 561 tấn chất thải rắn công nghiệp thông thường không đúng nơi quy định...

Lực lượng chức năng kêu... khó

Đại tá Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục C49 cho biết, để đấu tranh với tội phạm môi trường trước hết cần bắt quả tang và có đầy đủ chứng cứ. "Trong sản xuất công nghiệp cần phải có nước, chỉ cần căn cứ vào lượng nước đầu vào và lượng nước xả ra là biết có xả thẳng hay không. Ngoài ra cũng có thể đấu tranh qua việc tiêu thụ điện năng. Vận hành hệ thống này cần tiêu thụ lượng điện năng thế này. Nếu thấy ít hơn thì rõ ràng là xả thẳng. Vụ Formosa Hà Tĩnh vừa rồi là đấu tranh từ việc sụt giảm lượng điện năng tiêu thụ", Đại tá Hải cho biết.

Nói về khó khăn trong công tác đấu tranh với hành vi vi phạm môi trường, Đại tá Hải nói thêm: "Vi phạm thì nhiều nhưng quan trọng là có bắt quả tang được hay không. Số cơ sở sản xuất công nghiệp quá nhiều trong khi lực lượng của chúng tôi rất mỏng, về tới Công an huyện chỉ có 1 đồng chí phụ trách môi trường. Không có con người thì không thể giám sát hết được".

Hiện nay việc kiểm soát khí thải rất khó. Theo Thông tư 40 của Bộ Tài nguyên – Môi trường, việc đo khí thải không dễ thực hiện do tiêu chuẩn quá cao. Đại tá Hải phân tích: "Thông tư này quy định ống khói phải có 3 điểm đo nhưng chúng tôi đấu tranh trinh sát, làm sao có thể trèo lên các ống khói cao vút để đo. Chưa kể, các loại ống khói cũ trước đây, nhất là các lò cao đều xây dựng không có vách hở để đặt thiết bị đo. Đo mùi hay đo lượng khí độc hại đều rất khó thực hiện. Có lần chúng tôi đo khí thải của một doanh nghiệp mà bị họ kiện. Họ cho rằng chúng tôi thu mẫu khí thải như vậy là chưa đảm bảo khách quan mặc dù thu trực tiếp. Thông tư 40 còn chưa hợp lí, xa rời thực tế, làm khó cho lực lượng Cảnh sát môi trường. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với Bộ Tài nguyên – Môi trường để sửa đổi".

Ở khía cạnh quản lí Nhà nước về môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng cho rằng, hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành môi trường còn một số khó khăn, vướng mắc do nhiều đối tượng vi phạm trốn tránh hoặc không hợp tác; các vi phạm về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đặc biệt là các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành còn bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục hành chính như phải có quyết định thanh tra, phải thông báo trước, chỉ làm việc trong giờ hành chính… Điều này làm hạn chế việc phát hiện và xử lý các vi phạm của doanh nghiệp.

Xử phạt trên 277 tỉ đồng đối với các KCN, CCN

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra, kiểm tra 3.440 cơ sở và khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Qua đó đã xử phạt 2.170 tổ chức với số tiền trên 277 tỉ đồng và buộc các đơn vị phải khắc phục hậu quả theo quy định. Các cơ sở bị thanh tra chủ yếu là có lượng xả thải lớn, có loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao… 

Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo phản ánh của báo chí và qua xử lý đơn thư của công dân. Từ năm 2014 đến nay đã có 34 cơ sở sản xuất bị kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử phạt 4,4 tỉ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và bắt quả tang nhiều vụ việc xả chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Khánh Vy
.
.
.