Hiểm họa môi trường từ các nhà máy xả thẳng

Chiêu trò của các nhà máy xả thẳng nước thải đầu độc môi trường

Thứ Bảy, 20/08/2016, 06:24
Nhằm giảm chi phí xử lí chất thải, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách qua mặt cơ quan chức năng để xả thẳng ra môi trường. Qua những vụ việc được phát hiện, thủ đoạn của tội phạm môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện.


Bài 2: Thủ thuật qua mặt cơ quan chức năng

Không vận hành hệ thống xử lí nước thải

Đại tá Vũ Duyên Hải – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết, vi phạm trong lĩnh vực xả thải công nghiệp tương đối phổ biến. Khu công nghiệp (KCN) nào cũng có hệ thống xử lí nước thải tập trung tuy nhiên khi kiểm tra, một số nơi không vận hành để giảm chi phí.

"Vận hành hệ thống xử lí nước thải rất tốn kém nên doanh nghiệp thường lợi dụng lúc đêm tối, trời mưa để làm cống ngầm xả trộm. Một số cơ sở sản xuất ven sông thì thường xây dựng bể sinh học rồi lợi dụng trời mưa hoặc thuỷ triều lên để xả ra môi trường.

Tại nhiều KCN, cụm công nghiệp (CCN), giữa doanh nghiệp và ban quản lí hạ tầng cũng chưa thống nhất được mức phí xử lí chất thải nên tỉ lệ đấu nối chưa cao. Điển hình như cụm công nghiệp Từ Liêm, các doanh nghiệp không chịu đấu nối vì phí xử lí chất thải quá cao" - Đại tá Hải chia sẻ.

Lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện cống ngầm xả thải trộm.

Chịu trách nhiệm xử lí nước thải cho 11 doanh nghiệp trong KCN Phố Nối B (Hưng Yên) song Trung tâm xử lí chất thải tại đây đã từng bị đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) và Phòng CSĐT tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Hưng Yên) bắt quả tang xả thải thẳng ra môi trường qua đường ống trái phép có đường kính 300mm.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 2/4 bể xử lý nước thải ngừng hoạt động, nước thải được đấu tắt bằng đường ống thép vào hệ thống lọc than hoạt tính. Hầu hết nước thải tại KCN này có màu đen đặc trưng của nước thải dệt nhuộm. Theo quy định, nước thải ra môi trường phải đạt quy chuẩn A. Tuy nhiên, theo kết luận của đoàn thanh tra, nước thải ở đây đã không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Theo khai nhận của doanh nghiệp, việc xả trộm thường được tiến hành từ 23-24h đêm, với lượng nước thải khoảng 3.500 m3/ngày đêm. Trung tâm này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12-2005 với công suất thiết kế của hệ thống xử lí nước thải là 10.000 m3/ngày đêm. Điểm tiếp nhận chất thải là kênh Trần Thành Ngọ.

Mặc dù hoạt động đã hơn 10 năm với quy mô 52 doanh nghiệp nhưng CCN Hoàng Gia (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) vẫn chưa có nhà máy xử lí nước thải tập trung. Bởi vậy, phần lớn chất thải của các doanh nghiệp trong CCN đều xả thẳng ra môi trường, gây ra tình trạng ô nhiễm  nghiêm trọng.

Đại diện Ban quản lí CCN thừa nhận tình trạng ô nhiễm, bởi trong số 52 doanh nghiệp đang hoạt động mới chỉ có 4 doanh nghiệp có hồ xử lí nước thải từ loại C sang loại B, phần còn lại đều xả thẳng ra môi trường.

Đủ chiêu đối phó

Theo Cục C49, qua các vụ việc được phát hiện, hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở công nghiệp là không vận hành hoặc vận hành không đầy đủ hệ thống xử lí nước thải; tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của các công trình xử lí chất thải nhằm xả trộm chất thải chưa qua xử lí ra môi trường; xả chất thải vượt quy chuẩn quốc gia cho phép ra môi trường; kê khai thiếu hoặc trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và các loại phí môi trường khác; chôn lấp, chuyển giao chất thải trái phép; thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Đại tá Lê Quang Đồng – Trưởng phòng 2, Cục C49 cho biết, các chiêu thức mà doanh nghiệp qua mặt lực lượng chức năng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Điển hình như trường hợp nhà máy xử lí nước thải tập trung của KCN Long Thành (Đồng Nai) thuộc Công ty CP dịch vụ Sonadezi.

Nhà máy đã xây dựng hồ sinh thái để tích nước thải rồi lợi dụng nước thuỷ triều lên để pha loãng, khi thuỷ triều xuống thì mở cửa đáy để xả. Một số doanh nghiệp lợi dụng trời tối, dùng máy bơm để bơm trực tiếp nước thải chưa qua xử lí theo đường ống ngầm ra môi trường như trường hợp Công ty CP Thuộc da Hào Dương (KCN Hiệp Phước, Nhà Bè – TP Hồ Chí Minh). Cụ thể, công ty đã lắp đặt 3 đường ống ngầm, 1 đường ống hở, 4 máy bơm để bơm nước thải, mỡ thải chưa qua xử lí ra môi trường.

Ngoài ra, công ty còn lắp đặt 1 máy bơm, 1 đường ống hở để bơm nước sạch từ hồ xử lí nước sông sang bể vi sinh của hồ xử lí nước thải không nằm trong thiết kế của quy trình xử lí nước thải.

Nhiều doanh nghiệp trong KCN tuy đã đấu nối vào hệ thống xử lí nước thải tập trung của KCN nhưng vẫn lắp đặt các đường ống ngầm để xả trộm nước thải không qua xử lí ra đường thoát nước mặt của KCN nhằm trốn tránh chi phí xử lí như trường hợp Công ty TNHH Armstrong Components Parts Việt Nam đặt tại KCN Nội Bài (Hà Nội) và Công ty TNHH Italisa Việt Nam tại KCN Song Khê (Bắc Giang), Công ty Longtech Precisions tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh).

Một số doanh nghiệp phát sinh lượng lớn chất thải nguy hại tuy nhiên lại không phân loại, để lẫn chất thải nguy hại với các chất thải khác, vi phạm các quy định về quản lí chất thải nguy hại, như trường hợp của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại KCN Yên Phong 1 (Bắc Ninh), Công ty Dệt kim Hanosimex thuộc KCN dệt may Phố Nối B (Hưng Yên).

Theo Đại tá Đồng, tinh vi nhất là việc làm cống ngầm để xả trộm. Điển hình như, ngày 28-7-2016, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đã bất ngờ kiểm tra Công ty Chin Well Fasteners Việt Nam đóng tại KCN Formosa (Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai) và phát hiện tại đây có 2 đường ống xả thải, trong đó có một ống xả thẳng ra cống thoát nước mà không qua xử lý.

Không chỉ xả trộm nước thải, công ty này còn chôn lấp khoảng 200 tấn bùn thải nguy hại. Đây là công ty chuyên sản xuất ốc vít, bulông, có vốn 100% của nước ngoài. Trước đây, việc Công ty Tung Kuang lắp đặt cống ngầm để xả thải trộm đã gây xôn xao dư luận và trở thành vụ việc điển hình cho hành vi vi phạm môi trường một cách có chủ đích, có tính toán kĩ lưỡng của doanh nghiệp.

Việc phát hiện ra vị trí đặt cống ngầm không hề đơn giản, các trinh sát phải tiếp cận nhiều ngày đêm dựa trên nguồn tin phối hợp của nhân dân để có thể nắm được quy luật, giờ giấc xả thải.

"Đấu tranh của Công an là  bắt quả tang. Khi các trinh sát đã tìm ra vị trí xả thải, chúng tôi sẽ lấy mẫu về phân tích, khi mẫu vượt ngưỡng cho phép, thì sẽ tiến hành tổ chức bắt quả tang. Khác với thanh tra theo định kì, có báo trước của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chúng tôi chỉ xem xét ở các khía cạnh như là có lắp đặt cống ngầm không, có xả trộm không, hệ thống xử lí nước thải có vận hành không, xử lí có đạt không... Còn các vấn đề như là việc chấp hành báo cáo đánh giá tác động môi trường là do Bộ Tài nguyên - Môi trường đảm nhiệm" - Đại tá Đồng nói.

Chính quyền "xin" cho doanh nghiệp

Đại tá Vũ Duyên Hải cho biết, khi các doanh nghiệp bị xử phạt, chính quyền địa phương thường đứng ra "xin" cho doanh nghiệp. Trong trường hợp buộc xử phạt, các doanh nghiệp phía Bắc thường chây ì, xin nộp chậm hoặc nộp thành nhiều lần. 

Doanh nghiệp không "ngại" nộp phạt

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên -Môi trường), các doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì vận hành hệ thống xử lí nước thải rất tốn kém hơn nhiều lần so với nộp phạt.

Khánh Vy
.
.
.