Thật hư “cơn sốt” đất ở Vân Đồn
- “Sốt đất” tại TP HCM: Đừng chạy theo tin đồn!
- Huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) lên cơn "sốt" đất
- Ba Vì sau "cơn sốt" đất
- Giới đầu cơ sẽ thổi bùng cơn "sốt đất" cuối năm
Loạn “cò” đất…
Đến huyện đảo Vân Đồn vào những ngày này, cảm nhận đầu tiên là sự náo nhiệt bởi rất nhiều công trường đang xây dựng. Từ siêu dự án cho đến những công trình dân dụng đua nhau mọc lên khắp nơi. Ngay từ đầu huyện, biển hiệu giăng lên khắp nơi, từ gốc cây cho đến bờ tường, vách núi, chỗ nào cũng thấy mua bán nhà đất…
Theo những người dân ở Vân Đồn thì khoảng vài tháng trở lại đây, giá đất tăng đột biến, không kể khu vực nào hay vị trí nào, chỉ cần thuộc phần đất liền của huyện giá đất đều tăng. Người, xe từ khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, đổ về đông như trẩy hội. Con đường dọc thị trấn Cái Rồng của huyện Vân Đồn, các quán cà phê, trung tâm môi giới nhà đất ăn theo mọc lên nhan nhản…
Chị D. đang là chủ một khách sạn ở Vân Đồn, thời gian gần đây kiêm luôn cả nghề môi giới bất động sản. Chị D. thẳng thắn cho biết mình và một số bạn bè cũng đang “ôm” vài mảnh nên có khách vừa giới thiệu cho mình lại vừa giới thiệu cho người khác kiếm chênh lệch. Đưa đến xã Hạ Long, chị D. chỉ cho xem 3 mảnh đất đều có diện tích hàng nghìn m² nằm dưới chân núi, mặt hướng ra biển, trong đó đất ở là vài trăm m², còn lại là đất vườn tạp.
Theo chị D. toàn bộ diện tích đất này đều đã được các đại gia từ nơi khác đến gom lại của người dân thành những mảnh vuông vắn. Mỗi m² đất ở thời điểm hiện tại (giá đổ đồng cả đất ở và vườn tạp) dao động từ 12 – 15 triệu đồng, tương đương hàng chục tỷ đồng cho một mảnh có diện tích vài nghìn m².
Cũng theo lời giới thiệu của chị D., đây là vị trí đắc địa nằm ngay cạnh các dự án vui chơi giải trí, sau này giá trị sẽ cao hơn gấp nhiều lần. “Còn nếu muốn lấy đất rẻ hơn thì có một mảnh nằm ngay mép biển có diện tích khoảng 4 nghìn m² trị giá khoảng 12 tỷ đồng” – chị D. gợi ý tiếp.
Chị T. là công chức một cơ quan hành chính của huyện Vân Đồn, do nắm được nhiều thông tin về bất động sản trên địa bàn nên cũng kiêm thêm nghề môi giới. Chị T. khẳng định có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu của khách, từ đất rừng cho đến đất thổ cư vườn tạp liền kề, đất dự án đô thị, kể cả những dự án còn chưa mở bán…
Theo người dân ở Vân Đồn, đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở vùng đất này. Trước kia, đất đai cho không ai thèm lấy, ở những vị trí trung tâm có bán đắt lắm thì mỗi m2 cũng chỉ có giá vài trăm ngàn đồng đến vài triệu. Thế nhưng, thời điểm này, hàng trăm người kéo đến mua đi bán lại khiến giá đất lên cao ngất ngưởng. Theo đó hàng loạt trung tâm môi giới nhà đất mọc lên, thậm chí có những cơ sở còn treo biển “hoành tráng” là sàn giao dịch bất động sản.
Kết quả kiểm tra của một đơn vị quản lý nhà nước về thị trường cho thấy, trước đây trên địa bàn chỉ có duy nhất một trung tâm môi giới nhà đất thì đến nay tăng lên thành con số 15. Chưa kể còn có không biết bao nhiêu người chỉ cần có chút am hiểu về địa bàn cũng đứng ra môi giới, kiếm chênh lệch. Nhiều người dân địa phương hám lời bỏ nghề truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thủy sản để chuyển sang đi “săn” đất.
Các trung tâm tư vấn, môi giới nhà đất mọc lên nhan nhản. |
Đi tìm câu trả lời!
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, trong khoảng thời gian 10 tháng năm 2017, trên địa bàn có gần 1.100 trường hợp làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, trong tháng 7 có hơn 200 trường hợp, sang tháng 10 có đến 350 trường hợp. Số lượng hồ sơ giao dịch nhiều nhất tập trung tại thị trấn Cái Rồng và các xã Hạ Long, Đông Xá. Vì đây được xác định sẽ là trung tâm hành chính kinh tế Vân Đồn nên các đối tượng đầu tư, có nhu cầu mua đất để sử dụng với số lượng lớn.
Báo cáo cũng cho thấy giá đất trên địa bàn huyện Vân Đồn tăng hơn rất nhiều so với quy định của UBND tỉnh. Cụ thể giá đất các trường hợp đã giao dịch thành công trong tháng 10 vừa qua tăng ít nhất 2 lần, có trường hợp còn hơn nhiều lần so với cùng vị trí đã giao dịch thành công hồi tháng 5 – 2017. Đơn cử như giá đất ở mặt đường tỉnh lộ 334 thuộc xã Hạ Long, từ 5 đến 6 triệu đồng tăng lên 12 đến 15 triệu đồng/m2. Còn giá đất tại Khu đô thị Thủy sản Thống Nhất, từ 9 triệu tăng lên 16 triệu đồng/m2. Kể cả đất rừng tại vị trí thuận lợi lúc trước chỉ có 150 triệu đồng/ha, nhưng gần đây tăng lên thành 250 triệu đồng. Giá đất nông nghiệp đang giao dịch trung bình từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/m2, cũng tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, theo ghi nhận mới nhất của đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Vân Đồn về thị trường bất động sản, giá đất được giao dịch trên thị trường có ngày còn lên cao hơn. Điển hình như đất trong khu đô thị Thủy sản Thống Nhất có lúc lên đến 25 – 27 triệu đồng/m2. Hay như khu dân cư trung tâm, đầu đường vào sân bay Vân Đồn, có những thời điểm được rao bán giá trên 30 triệu đồng/m2. Thế nhưng thực chất cơn sốt này là do một “tập đoàn buôn bán bất động sản” ở các tỉnh khác về, cấu kết với cò mồi cùng nhau đẩy giá lên cao để bán kiếm tiền chênh lệch. Có những mảnh đất do chính các đối tượng này mua đi và bán lại cho nhau.
“Bóng” đang xì hơi
Thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Vân Đồn diễn biến bất thường, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Chỉ thị về việc thực hiện một số biện pháp cấp bách để quản lý, ngăn chặn việc giao đất, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất đai trái pháp luật.
Theo đó, UBND huyện Vân Đồn phải tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp, đặc biệt là các loại đất rừng, đất nông nghiệp đang canh tác và đất nuôi trồng thủy sản, sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cho đến khi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đến thời điểm này, cơn sốt đất ở Vân Đồn đã chững lại, các hoạt động trao đổi, mua bán không còn diễn ra tấp nập nữa. Tuy nhiên, theo như giới kinh doanh bất động sản thì các đối tượng đầu cơ đã thực hiện xong “chiến dịch” và ôm một đống tiền bỏ đi. Còn lại là những nhà đầu tư ăn theo trông chờ vào sự may rủi. Trong tình huống nếu giới buôn bán bất động sản ở đây vẫn hám lợi để tiếp tục neo giá thì thị trường bất động sản Vân Đồn sẽ “sập” bất cứ lúc nào.
Đến lúc đấy không chỉ đối tượng đầu cơ, mà chính người dân Vân Đồn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ đến tác động của nó. Có thể dẫn ra con số báo cáo của UBND huyện Vân Đồn về số trường hợp thực hiện giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là hơn 1.600 trường hợp từ đầu năm 2017 đến nay. Nguyên nhân số giao dịch bảo đảm tăng được xác định là do một phần người dân vay tiền ngân hàng để phát triển kinh tế, còn lại chủ yếu đầu tư vào mua đất để bán kiếm chênh lệch.