Ba Vì sau "cơn sốt" đất

Thứ Sáu, 18/06/2010, 15:18
Một người bạn của tác giả hiện đang làm giám đốc một sàn giao dịch bất động sản cho biết, khá nhiều người đến nhờ công ty của anh bán đất Ba Vì, hầu hết là đất vườn mua bán trao tay của các nông, lâm trường. Có bán mà không có mua, hầu hết các chủ đất đều thất vọng ra về.
>> "Vỡ mộng" vì… gom đất Ba Vì

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 15/6 đã khẳng định, Ba Đình vẫn sẽ là trung tâm chính trị của đất nước và sẽ không có chuyện chuyển Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì. Với kết luận này, giấc mộng đầu cơ đất Ba Vì, với mong muốn nơi đây sẽ trở thành khu đất vàng đã tan vỡ. Hơn 2 tuần nay, mọi giao dịch bất động sản ở nơi đây đã chìm lắng. Giờ đây, chỉ còn lại nỗi lo của những người "đến muộn", không kịp "tháo chạy".

Ồ ạt “tháo chạy”

Truyền thông lên tiếng về những chiêu thổi giá của "cò", chính quyền địa phương vào cuộc rà soát lại việc sử dụng đất đai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân chính thức lên tiếng điều chỉnh lại cách hiểu khái niệm "Trung tâm hành chính quốc gia" trong dự thảo quy hoạch Thủ đô do Bộ đề xuất, và phán quyết cuối cùng của Chính phủ "không có chuyện" chuyển trung tâm hành chính quốc gia đi đâu hết, là liên tiếp những gáo nước lạnh "tạt" vào "cơn sốt" đất Ba Vì, khiến nó nguội lạnh nhanh hơn bao giờ hết.

Trao đổi với chúng tôi ngày 15/6, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Hơn nửa tháng nay, hầu như không còn giao dịch bất động sản nào trên toàn huyện. Các xã chỉ vài tuần trước còn là nơi lùng sục, săn đón của các nhà đầu tư, giờ lặng lẽ như tờ. Suốt dọc con đường qua các xã Yên Bài, Vân Hòa, chúng tôi không còn nhìn thấy bất kỳ tấm biển rao mua bán đất, hay một văn phòng nhà đất nào còn mở cửa. Con đường vắng vẻ, yên bình như trước khi xảy ra cơn "chấn động" giá đất. Trong khi, chỉ cách đó vài tuần, xe ôtô chủ yếu mang biển số 29, 30 quần thảo cả ngày ở khu vực này. Thậm chí, khách mua đất còn thuê cả nhà trọ, lùng sục các mảnh đất vườn đồi, để mua với bất cứ giá nào gia chủ phát ra.

Giá đất khu vực này cũng được đẩy tăng đến mức người dân ở đây không tin nổi. Từ 50 - 70 triệu đồng/sào cũng chẳng ai mua, giá đất bất ngờ vọt lên 250 triệu đồng/sào. Giờ đây, giá đất cũng bất ngờ tụt dốc nhanh như khi "lên đồng". Khắp các trang web bất động sản, chỉ thấy nhan nhản các tin bán đất Ba Vì nhưng phản hồi và tin cần mua đất, tịnh không hề có một dòng nào.

Nghỉ chân ở một quán nước ven đường, câu chuyện chúng tôi nghe được từ những người dân vẫn xoay quanh chuyện đất đai, nhưng khác với tâm trạng phấn khởi, tâm điểm của những câu chuyện này là ví dụ về ông Phụ, bà Tuyên (nào đó) đang phải khóc dở, mếu dở vì trót mua đất đồi, không kịp bán. Bán lỗ cũng chẳng ai mua, đây chính là bi kịch của nhiều người ít tiền, ít thông tin, nhưng lại muốn đổi đời từ buôn đất.

Một người bạn của chúng tôi hiện đang làm giám đốc một sàn giao dịch bất động sản cho biết, khá nhiều người đến nhờ công ty của anh bán đất Ba Vì, hầu hết là đất vườn mua bán trao tay của các nông, lâm trường. Có bán mà không có mua, hầu hết các chủ đất đều thất vọng ra về.

Ba Vì đã trở lại sự bình yên trước cơn sốt đất.

Bài học sau “cơn sốt”

Tại buổi làm việc với UBND huyện Ba Vì, cả Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hải và Phó trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường Phùng Quang Hiệp đều khẳng định với chúng tôi: Trong suốt thời điểm "sốt", lượng giao dịch đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không hề cao hơn các thời điểm trước đó. Bởi vậy, chính quyền địa phương cũng không hề biết đất huyện mình "sốt", cho đến khi các phương tiện truyền thông đăng tin ầm ĩ. "Đến lúc mình thấy nổi lên thì mọi việc cũng gần như đã… xong.

Những "cò", rồi những "văn phòng nhà đất" đều ở Hà Nội, chứ thực ra địa phương không hề có" - ông Hiệp cho biết. Lượng giao dịch rất lớn, nhưng giao dịch hợp pháp lại không nhiều, đã chứng tỏ giao dịch trao tay là phổ biến. Đáng nói hơn, phần lớn những giao dịch trao tay đó lại là đất nông, lâm trường mà người dân được giao khoán, vốn không được phép mua đi bán lại.

Ông Hiệp cho biết: Ngay từ trước khi làng văn hóa các dân tộc Việt Nam được phê duyệt quy hoạch, đã có nhiều người lên mua đầu tư, mở đầu cho hiện tượng người ở nơi khác đến mua đi bán lại nhiều đất nông, lâm trường. Do không có cơ chế nào quản lý việc mua đi bán lại loại đất này khiến tình trạng "đất họ được giao không mất tiền, khi được trả giá cao thì họ bán là lẽ đương nhiên" xảy ra phổ biến. 

Theo ông Hiệp cho biết, "cơn sốt" lần này cũng giúp địa phương rút ra nhiều bài học: Thứ nhất là chấn chỉnh cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ địa chính, cần tuyên truyền, giải thích cho người dân rõ ràng hơn, tránh tình trạng người dân biến thành "cò" bất đắc dĩ. Không hiếm hiện tượng, "cò" đích thực cho người dân ít tiền, "nhờ" họ cung cấp thông tin giả, dàn xếp những cơn sốt ảo.

"Cơn sốt" đã tan, nhưng có nhất thiết phải tạo ra một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi Ba Vì? Chính một số cán bộ địa phương cũng thừa nhận: Bỏ qua tâm lý đầu cơ, lướt sóng, giá ảo, đất Ba Vì vẫn là nơi thích hợp để đầu tư với mức giá khá rẻ (hiện đang về mức khoảng 50 đến 80 triệu đồng/sào), địa thế đẹp, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện và sức hấp dẫn của các dự án đã và đang triển khai: Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đường Láng - Hòa Lạc kéo dài, có những quy hoạch dự kiến về tuyến đường nối Hà Nội - Ba Vì.

Vũ Hân - Ngọc Yến
.
.
.