Quá tải trường lớp và sức ép từ “quả bom” dân số

Các khu đô thị mới phải xây dựng trường học

Chủ Nhật, 22/01/2017, 08:24
Thực tế cho thấy, cùng với giao thông, ngành Giáo dục cũng đang là “nạn nhân” chịu sức ép rất lớn từ tình trạng tăng đột biến dân số cơ học thời gian qua. Nguyên nhân chính là việc thành phố cho xây dựng ồ ạt, “thả phanh” nhà cao tầng, dồn nén mật độ dân cư, trong khi hạ tầng xã hội đi kèm như giao thông, trường học... gần như bị chủ đầu tư quên lãng.

Để giải quyết bài toán quá tải trường lớp, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, chỉ riêng ngành Giáo dục không thể nào“chống đỡ” được trước áp lực quá lớn của “quả bom” dân số.

Thiếu phòng học nhưng đất xây trường lại bị bỏ hoang

Dạo quanh một vòng qua các khu vực phát triển nóng của Hà Nội, điều khiến chúng tôi cảm thấy băn khoăn là trong khi nhiều điểm trường vẫn chưa đủ phòng học, học sinh bị “nhồi nhét” trong những lớp học quá tải thì những khu đất “vàng” dành để xây dựng trường học lại bị bỏ hoang trong nhiều năm qua.

Cần có chế tài mạnh đối với các chủ đầu tư “bỏ quên” trường học khi xây dựng các KĐT. Ảnh mang tính minh họa.

Điển hình tại KĐT Linh Đàm, một số khu đất nằm trong quy hoạch xây trường học vẫn nằm trơ gan mặc cho cỏ mọc dày. Hay tại KĐT Nam Trung Yên, hàng chục tòa nhà cao tầng đã mọc lên nhưng hai khu đất quy hoạch xây trường có ký hiệu B9 và C4, hiện đang được khoanh tôn để làm bãi trông giữ xe.

Còn trên địa bàn quận Cầu Giấy, ước tính hiện vẫn còn tới 23 khu đất quy hoạch xây dựng trường học từ mầm non đến THPT nhưng vẫn chưa được triển khai xây dựng.

Một số khu đất được đầu tư trường theo mô hình xã hội hóa cũng bị chậm tiến độ. Tình trạng bỏ hoang đất xây trường học còn diễn ra nhức nhối tại các quận đô thị hóa tăng nhanh như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên…

Theo ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, dân số Cầu Giấy mỗi năm tăng khoảng 10%. Năm 1999, khi mới tách quận, dân số là 8 vạn dân nhưng đến nay đã lên đến 26 vạn dân.

Dự kiến, sau 5-10 năm nữa, với tốc độ xây dựng nhà cao tầng như đang diễn ra, dân số của quận ước tính sẽ lên tới khoảng 40 vạn dân. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ít được đầu tư, số lượng trường học xây thêm chậm hơn nhiều so với nhu cầu thực tế.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng:  Để xảy ra tình trạng tăng đột biến dân số trong các quận nội đô Hà Nội, nhất là khu vực có tốc độ phát triển nhanh là do TP. Hà Nội chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch, điều tiết, phân bố dân cư.

Tại hầu hết các dự án phát triển nhà ở, khu chung cư, KĐT, tiến độ xây dựng trường học đều có tốc độ “rùa bò” do chính quyền đã phần nào thả nổi chủ đầu tư trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhất là tiến độ xây dựng hạ tầng xã hội. Với cơ chế hiện nay, ngành Giáo dục không can thiệp được vào tiến độ của các dự án mà trách nhiệm thuộc UBND thành phố.

Không thể để “trắng” trường công lập trong các khu đô thị

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, mặc dù trong những năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã rất nỗ lực tìm giải pháp để giảm tình trạng quá tải song vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là do tình trạng đô thị hóa diễn ra quá nhanh, mật độ chung cư cao tầng mọc lên quá dày trong khi đó, việc xây dựng trường lớp không theo kịp.

Theo phân tích của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, chỉ cần dân số tăng lên 1.000 người là đã dẫn đến biến động về nhu cầu trường học vì cứ 1.000 dân thì có thêm ít nhất 50 trẻ nhỏ, tương ứng với 2 nhóm trẻ.

Với hàng trăm dự án đô thị tương ứng cả triệu dân thì nhu cầu rất lớn, hệ thống trường học cũ của các quận nội đô vốn xây dựng từ hàng chục năm trước không thể đáp ứng được. Trong khi đó, do chế tài chưa đủ mạnh, nên tại hầu hết các KĐT mới, vẫn “trắng” trường học.

Cũng theo chia sẻ của ông Phạm Xuân Tiến, trong nhiều giải pháp được đặt ra, ngành Giáo dục luôn mong muốn tại các KĐT mới cần phải có hệ thống trường công để đáp ứng nhu cầu của người dân có mức thu nhập trung bình.

Đơn cử như tại KĐT Linh Đàm, do mức sống của người dân ở đây chủ yếu ở mức trung bình nên hầu hết cư dân đều mong muốn gửi con học công lập, mà trường công thì lại quá ít, dẫn đến việc quá tải.

“Thực tế cho thấy, khi quy hoạch KĐT tổng thể đều có căn hộ, trường học, khu vui chơi. Trong trường hợp chủ đầu tư có thực hiện việc xây trường theo đúng quy hoạch thì đó cũng thường là hệ thống các trường dân lập. Mà với mức học phí dân lập hiện nay, không phải cư dân nào cũng đủ điều kiện để cho con theo học. Do vậy, vấn đề cần đặt ra là cần phải có trường công lập tại các KĐT để đáp ứng nhu cầu của 1 bộ phận người dân thu nhập không cao.

Ví dụ, tại KĐT Times city, mặc dù chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống trường tư thục Vinschool từ mầm non đến THCS nhưng không phải cư dân nào cũng có thể cho con theo học. Rất nhiều gia đình có thu nhập không cao đã phải gửi con học ở ngoài. Thế nên, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy, từ chỗ rất ít học sinh, nay đang rơi vào tình trạng quá tải học sinh”- ông Tiến cho hay.

Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến, để giải quyết bài toán quá tải, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất UBND TP rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để xây dựng và điều chỉnh lại quy hoạch đã được phê duyệt năm 2012.

Trong đó, việc quy hoạch cần căn cứ vào số lượng dân cư hiện sinh sống và dự báo dân cư di dân đến, đặc biệt là các khu có chung cư cao tầng để dành quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phòng học, trường học, giáo viên đủ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có cơ chế khuyến khích, mở rộng, phát triển hệ thống các trường tiểu học ngoài công lập.

Điều này một mặt vừa đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có thu nhập cao, vừa giảm bớt sỹ số lớp học ở trường công lập cũng như giảm bớt chi phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho các trường công lập.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đồng đều giữa các trường, điều chuyển giáo viên hợp lý để rút ngắn khoảng cách, hạn chế tình trạng chạy lớp, chạy trường trong một bộ phận phụ huynh.

Đối với những quận trong nội thành Hà Nội không còn quỹ đất để xây dựng trường học thì Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã và đang tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện cho phép trường tiểu học được nâng tầng...

Huyền Thanh
.
.
.