An ninh trường học và những "hàng rào" gắn kết bảo vệ trẻ

Thứ Bảy, 25/03/2017, 10:51
Vấn đề an toàn cho trẻ tại trường học đang được đặc biệt quan tâm sau khi nổi lên một số vụ việc gần đây liên quan tới nạn trẻ bị xâm hại tình dục. Nhiều bậc cha mẹ còn thừa nhận, hiện, khi đưa con tới trường, phải nhìn thấy con "yên vị" hoàn toàn trong lớp mới yên tâm ra về.


Thấy con ngồi trong lớp mới ra về

Chị Nguyễn Thị Hằng, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh có hai con gái đang học tại một trường tiểu học trong quận chia sẻ, gần đây khi đọc quá nhiều thông tin về mất an toàn trong trường học như học sinh bị xâm hại tình dục, bảo mẫu đánh học sinh mầm non, chị hoang mang và rất lo lắng mỗi lần đưa con đến trường.

Chị Hằng kể, theo quy định của trường, phụ huynh đưa, rước con phải đứng bên ngoài cổng để học sinh tự đi vào lớp. Thế nhưng chị cứ cảm thấy đứng ngồi không yên nếu quay lưng đi về ngay. 

Chị nói: "Vào thời điểm này, trong tư tưởng của tôi là khi đưa con tới lớp thì nhất định là phải trao cháu tận tay cho cô giáo mới yên tâm. Nhưng trường đã quy định đưa tới cổng trường thôi, cho bảo vệ dắt vào, đó là qui định thì phải chấp hành. Dù vậy, mỗi lần đưa con tới cổng trường, tôi đứng quan sát một lúc, chờ con đi vào lớp mới thực sự yên tâm đi làm”. 

Việc tụ tập đông người, hàng quán trước cổng trường học cần được dẹp bỏ để góp phần đảm bảo cho công tác an ninh trường học.

Chị Phạm Thùy Liên có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận Tân Bình thì tỏ vẻ lo ngại: "Lo lắng nhất là nhiều hôm tôi chở cháu vào muộn học nhất là ngày đầu tuần, cả trường đang chào cờ, bảo vệ đã khóa cổng nên phải cho con đứng chờ ngoài cổng khi nhà trường làm lễ chào cờ xong mới được vào trường. Đi cùng con không sao, tôi thường đứng chờ cùng nhưng nếu do bận mà để cháu đi tới trường một mình thì lo lắm!". 

Chị Liên cho rằng, nhà trường làm như vậy không sai nhưng nên cho các cháu đi muộn vào trong trường ngồi thì tốt hơn. 

Gắn kết chặt các "hàng rào bảo vệ"

Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh cho rằng, những vụ trẻ còn nhỏ tuổi bị xâm hại gần đây đều khiến cộng đồng day dứt. 

Nhiều biện pháp an toàn cho trẻ đang được thực hiện nhưng tuy nhiên theo bà Khánh, cơ sở pháp luật thật chặt chẽ hơn để lực lượng điều tra của Công an có thể nhảy vào cuộc nhanh chóng. Vì càng để lâu những vụ án xâm hại đều khiến gia đình và bản thân đứa trẻ càng bị tổn thương.

Cũng theo bà Khánh, có 2 "hàng rào bảo vệ" mà cần phải làm tốt tại trường. Hàng bảo vệ ngoài chính là người bảo vệ. Khâu tuyển chọn bảo vệ mỗi nhà trường là vô cùng quan trọng. Bảo vệ mà làm nghiêm thì ít có khi nào kẻ lạ bên ngoài có cơ hội đột nhập. 

Bên cạnh đó người làm nhiệm vụ cần nắm được những kĩ năng chuyên nghiệp của công tác để đảm bảo cha mẹ đón các cháu thực sự an tâm. Hiện nay TP Hồ Chí Minh đang tích cực đẩy mạnh việc dọn dẹp lòng lề đường, hàng quán bán rong... đây chính là đang hỗ trợ rất tốt cho công tác an ninh trước cổng trường, trước hết là giúp loại bỏ những "thành phần" có vấn đề, kẻ lang thang, nạn trộm cắp vặt... trước cổng trường mà không kiểm soát được. 

Hàng rào bảo vệ bên trong chính là những người trực tiếp gần trẻ hàng ngày, gồm thầy cô, lao công, tạp vụ. Từ xưa tới giờ đã có những qui định, quy chế riêng trong nhiệm vụ, nhưng dịp này, các trường học nên rà soát lại những qui định của trường có sơ hở chỗ nào không, có cần củng cố thêm không. 

TS Bùi Hồng Quân, cố vấn khoa học "Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt" TP Hồ Chí Minh cũng có ý kiến, nhìn rộng ra các nước cho thấy, những người được phép tiếp cận gần với trẻ thì đều phải qua những lớp học chuyên nghiệp và được rà soát chặt chẽ về tư cách, đạo đức, lý lịch. Việt Nam ta hiện chưa làm được điều này. 

Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ nói chung, phòng chống nạn xâm hại nói riêng, giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng đều phải chung tay, xây dựng lên những hàng rào bảo vệ an toàn cho trẻ, tuy nhiên cần có sự gắn kết, liên hệ thường xuyên. Các trường học nên rà soát lại những qui định của mỗi trường về việc đưa, đón trẻ, việc người lạ tới liên hệ công việc. 

Theo TS Hồng Quân, người bảo vệ trường học phải bao quát được tất cả các hoạt động vào - ra của người lạ, thậm chí cần được ghi chép cẩn thận để nắm rõ lai lịch của những người đi vào trường. Ngoài ra, toàn bộ đội ngũ từ giáo viên tới Hiệu trưởng phải làm hết trách nhiệm của mình. 

Đối với giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu, khi học sinh ra khỏi lớp là phải biết các em đi đâu, làm gì. Cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc nắm thời gian biểu học của con. Nhân dịp này, các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng cần rà soát, xem xét có cần tăng cường thêm chính sách, qui định gì để hoàn thiện hơn trong việc bảo vệ trẻ khỏi nạn xâm hại.

Khi hệ thống pháp luật hoàn thiện cùng sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, cha mẹ và trẻ được giáo dục giới tính tốt, biết những kĩ năng tự phòng vệ bản thân là những biện pháp cơ bản, hữu hiệu giảm thiểu nhất những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.

Huyền Nga
.
.
.