Đường ống nước Sông Đà sẽ tiếp tục vỡ, nếu…

Thứ Bảy, 22/08/2015, 16:12
Đường ống dẫn nước từ Sông Đà về Hà Nội sử dụng ống cốt sợi thủy tinh. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế đường ống cho nhà sản xuất, nhà thầu không thực hiện việc tính toán kiểm tra độ bền và biến dạng của ống trong trường hợp ống nằm trong đất. Hơn nữa, đường ống còn bị bớt từ 4-7mm độ dày.

Như các cơ quan thông tấn báo chí đã liên tục phản ánh, khoảng 3h sáng ngày 13/8, đường ống dẫn nước từ Sông Đà về Hà Nội đã bị vỡ tại km 28 + 650 trên đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội), gây thiếu nước nghiêm trọng, làm xáo trộn cuộc sống của khoảng 70 nghìn hộ dân.

Điều đáng nói là toàn tuyến đường ống dẫn nước này dài  gần 46 km, nhưng các điểm vỡ từ trước tới nay chỉ tập trung  trên  tuyến đường Láng - Hòa Lạc. Đến thời điểm này, mặc dù, đã 13 lần tuyến đường ống nước bị vỡ, đơn vị chủ quản đã huy động một lượng lớn máy móc và công nhân để khắc phục, nhưng việc khắc phục chỉ mang tính tình thế, và con số 13 chưa chắc đã phải là con số cuối cùng.

Công nhân đang khắc phục điểm vỡ đường ống nước Sông Đà.

Tuyến đường ống nước Sông Đà về Hà Nội là một trong những hạng mục chính của dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông. Dự án do Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư.

Sau khi đường ống dẫn nước từ Sông Đà về Hà Nội liên tục bị vỡ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 9 bị can công tác tại Ban quản lý dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội và Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex (đơn vị sản xuất đường ống dẫn nước). Đồng thời đã trưng cầu giám định từ cơ quan chuyên môn.

Đến nay, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phối hợp với Viện vật liệu xây dựng đã có kết luận giám định tư pháp hoạt động đầu tư xây dựng dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Theo đó, nguyên nhân vỡ tuyến đường ống truyền tải nước Sông Đà - Hà Nội là sự kết hợp bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống. Trong đó, nguyên nhân chính là "chất lượng ống được sản xuất không đồng đều". Việc xảy ra vỡ tập trung tại tuyến đường Láng - Hòa Lạc (đại lộ Thăng Long) là do "gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông" tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống…

Tuy nhiên, nếu đi tìm căn nguyên một cách có hệ thống, thì ngay từ giai đoạn thiết kế, đơn vị chủ quản đã mắc những sai sót, dẫn tới, việc sửa chữa vỡ đường ống hiện nay chỉ mang tính tình thế, nếu không nhìn thẳng vào sai sót đó để có hướng khắc phục dài hạn, thì việc vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà - Hà Nội sẽ không chỉ dừng lại ở con số 13 lần như hiện nay.

Đường ống dẫn nước từ Sông Đà  về Hà Nội là vật liệu mới, sử dụng ống cốt sợi thủy tinh đường kính lớn, giá thành rẻ. Đây là chất liệu mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong sử dụng.

Trong quá trình thiết kế đường ống cho nhà sản xuất, nhà thầu không thực hiện việc tính toán kiểm tra độ bền và biến dạng của ống trong trường hợp ống nằm trong đất.

Trong phần tính toán của thuyết minh thiết kế kĩ thuật, độ dày thành ống các loại là 33,85mm. Trong phần thiết kế bản vẽ, độ dày đường ống các loại từ 28,5mm đến 32mm. Nhưng kết quả giám định tại khu vực vỡ đường ống (lần thứ 10), ống các loại chỉ có độ dày từ 24,1 đến 25,8mm, chênh lệch độ dày thấp hơn từ 4 mm đến 7mm…

Đào Minh Khoa
.
.
.