Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt trầm trọng

Chủ Nhật, 21/02/2016, 08:03
Đợt hạn mặn lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến người dân Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang… phải chịu cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Để có nguồn nước ít nhiễm mặn, người dân mua với giá khá đắt, có nơi lên tới 100 ngàn đồng/m3.

Từ tháng 1-2016 đến nay, Bến Tre phải cấp nước nhiễm mặn 1 g/lít cho người dân. Hiện độ mặn tại các cống lớn nội đồng đo được từ 2,5 đến 5 g/lít, còn những điểm lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt có độ mặn từ 1,1 đến 1,6 g/lít. 

Tỉnh chỉ đạo dùng xe bồn chở nước từ thượng nguồn sông Tiền về cung cấp nước hàng  ngày. Nước mặn xâm nhập sâu, cả ở đô thị lẫn nông thôn nên người dân phải sử dụng nước nhiễm mặn.

Xe công nông chở nước ngọt cung cấp cho người dân ở huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre).

Tại TP Bến Tre, hàng chục ngàn hộ dân, các bệnh viện, khách sạn, doanh nghiệp cần nước ngọt đều phải sử dụng nước có độ mặn trên 1%. Đến nay, tỉnh Bến Tre có 155/164 xã phường, thị trấn đã bị nước mặn 1 g/lít bao trùm.

Nguồn nước trên các mặt sông chính bị nhiễm mặn, Công ty CP Cấp Thoát Nước Bến Tre phải khai thác nguồn nước mặt trên rạch Cái Cỏ, xã Quới Thành (huyện Châu Thành) chuyển về nhà máy nước Sơn Đông và Hữu Định hòa với nguồn nước mặn để giảm mặn cho người dân sử dụng. Tại các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, người dân phải mua nước ít nhiễm mặn với giá 100 ngàn đồng/m3 về sử dụng.

Để chủ động nguồn nước cung cấp cho người dân, tỉnh Bến Tre đã đắp hàng loạt đập tạm và nạo vét kênh mương ngăn mặn, giữ ngọt nội đồng, tốn 70 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm nước ở Châu Thành với công suất 30.000m3/ngày đêm. Dự kiến, tháng 3-2016, có thể lấy nước thô hòa vào các nguồn nước khác để giữ độ mặn trên dưới 1 g/lít. 

Qua theo dõi của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các hồ chứa ở Trung Quốc có xả nước nên từ ngày 14-2 nước ngọt đã về ĐBSCL đến ngày 22-2 hoặc trễ nhất đến ngày 25-2, vì vậy sẽ đẩy nước mặn ra. Sau thời điểm trên, mặn sẽ trở lại rất nhanh nên cần phải tận dụng cơ hội trữ nước ngọt.

Tại Trà Vinh, tỉnh đang thăm dò mạch nước ngầm ở độ sâu từ 300-600m và nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước trên tuyến sông Láng Thé, sông Cái Hóp, xây nhà máy nước có công suất lớn lấy nước từ sông Mây Tức. Hiện trên địa bàn, có 165 trạm cấp nước công suất 5 - 100 m3/ngày cung cấp cho các hộ vùng nông thôn. Nhưng vẫn có hơn 17.000 hộ dân vùng nông thôn bị thiếu nước sạch từ 2-4 tháng, tập trung ở huyện Càng Long, Châu Thành và TP Trà Vinh.

Tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), nước mặn theo các sông vào sâu trong nội đồng, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt cũng bị nhiễm mặn. Từ trước Tết Nguyên đán, người dân phải thường xuyên chịu cảnh thiếu nước ngọt. Nhiều nơi, để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt người dân phải mua với giá 30.000 đồng/m3. Riêng các huyện ven biển: An Minh, An Biên, Kiên Lương, Hòn Đất và thị xã Hà Tiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn. Dọc trên các tuyến đê thuộc xã Đông Hưng A (huyện An Minh), người dân phải chờ người chở nước ngọt đến, với giá khoảng 50.000 đồng/m3.

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) kiến nghị các địa phương, cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, tranh thủ những đợt xả nước của các hồ lớn lấy nước và tích trữ vào các ao, hồ, trục sông, trục kênh; thực hiện tưới tiết kiệm nước, không để rò rỉ, thất thoát nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng. Huy động các nguồn lực để tập trung tu sửa, nâng cấp công trình, nạo vét cửa khẩu, kênh dẫn, sử dụng các máy bơm dã chiến để bơm nước; vận hành hợp lý các cống, đập điều tiết để lấy nước và trữ nước.

Văn Vĩnh
.
.
.