Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ thiếu lao động do di cư
- Nhiều DN thiếu lao động trong khi lao động đăng ký thất nghiệp tăng
- Thiếu lao động tay nghề cao tại các DN nhỏ và vừa
- Thiếu lao động vẫn cắt giảm người
Bà Đỗ Thị Bé Hai (ngụ thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) than rằng, bà có 4 người con nhưng 2 người đã lên Đồng Nai và Bình Dương làm công nhân. Bà Hai bày tỏ: “Ở quê bây giờ không có cơ sở nào làm. Vật giá ngày càng leo thang, nếu làm bốc vác, thợ hồ thì không đủ tiền chi tiêu. 4 đứa con đều không có bằng cấp nên không thể vào làm cơ quan nhà nước.
Chỉ còn cách lên Bình Dương và Đồng Nai xin vào công ty nước ngoài làm công nhân, lương mỗi tháng cũng từ 4-5 triệu đồng”. Những năm gần đây, thanh niên vùng nông thôn ở ĐBSCL bỏ quê lên vùng Đông Nam bộ tìm việc tại các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… rất nhiều.
Dân số ĐBSCL vào khoảng 17,5 triệu người, lực lượng lao động tính từ 15 tuổi trở lên khoảng 10,4 triệu người, chiếm gần 55% dân số và bằng 19,5% lực lượng lao động cả nước. Với lực lượng lao động này, ĐBSCL làm ra gần 1/5 GDP, hơn 40% trong nông nghiệp và khoảng 10% giá trị sản lượng công nghiệp cả nước.
“Lao động ở ĐBSCL được đánh giá là dồi dào, là nhân tố quan trọng đóng góp phát triển kinh tế của vùng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ĐBSCL có sự di chuyển dân số đáng kể”, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đánh giá.
Công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thuỷ sản ở ĐBSCL. |
Trong một nghiên cứu của TS Võ Hùng Dũng được công bố tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL” tổ chức vào đầu tháng 11-2015 cho thấy, trước những năm 90 của thế kỷ trước, ĐBSCL có tỉ lệ nhập cư ròng vào trong vùng, nhưng từ cuối những năm 90 đã có thay đổi. Xuất cư ròng ra khỏi vùng bùng nổ trong các năm 2009-2011, lên đến mức 8,4% trong 2 năm 2009-2010 và tiếp tục ở mức 6,5% trong năm 2011.
Năm 2013 có giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức 4,3%. Ông Dũng nhận xét: “Di chuyển dân số là chuyện bình thường và là sự tự do chuyển dịch trên thị trường lao động. Hiện tượng xuất cư ròng nhiều năm ở ĐBSCL do nền kinh tế vùng không đủ sức giải quyết công ăn việc làm cho người địa phương và cũng không hấp dẫn thu hút lao động từ các địa phương khác đến”.
TS Vũ Anh Pháp, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho biết, trong số 10,4 triệu lao động trong vùng, chỉ có 10,4% lao động được đào tạo. Nguồn nhân lực chưa qua đào tạo có năng suất lao động thấp nên tiền lương thấp so với cả nước.
“Nguồn nhân lực thấp nên có hiện tượng di dân về các khu công nghiệp ở Đông Nam bộ để tìm việc làm không đòi hỏi trình độ học vấn, chuyên môn. ĐBSCL do di cư ròng nên có nguy cơ thiếu lao động, ngay cả với lao động giản đơn. Lao động có đào tạo có xu hướng đến các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để tìm việc làm có thu nhập cao”, TS Vũ Anh Pháp nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Vững, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên TP Cần Thơ, lao động giản đơn hiện nay như: giúp việc nhà, bảo vệ, chăm sóc người già, nhân viên bốc dỡ hàng hoá… và lao động trình độ kĩ thuật trong ngành điện, điện lạnh, viễn thông, xây dựng thiếu trầm trọng. “Nhiều đơn vị, công ty, cá nhân nhờ trung tâm tìm giúp những người làm trong các ngành nói trên nhưng chúng tôi không tìm ra nguồn”, ông Vững nói.
ĐBSCL có 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, 17 trường ĐH, 26 trường CĐ nhưng hệ thống các trường còn thiếu, phân bổ chưa hợp lý, cơ sở vật chất nghèo nàn, phương tiện dạy và học vừa yếu và thiếu. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sử dụng lao động đã qua đào tạo không nhiều, chi phí học tập ngày càng cao… là “điểm nghẽn” trong phát triển nguồn nhân lực cho ĐBSCL.
Theo TS Võ Hùng Dũng, ĐBSCL chưa thành công trong việc đưa con trẻ đến trường và học hành cho đến hết bậc THCS. Ở bậc THPT và cao hơn thì tỷ lệ được đào tạo cũng thấp nhất so với các vùng trong cả nước. Đây là nguyên nhân quan trọng làm cho năng suất lao động của vùng còn thấp và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ chậm.
Còn ông Quách Việt Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Việt Nam sắp gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do nên bắt buộc đào tạo nghề ở ĐBSCL phải đáp ứng việc hội nhập và tiến tới quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào năm 2020. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực kĩ thuật cao là điều cốt yếu, không chỉ phục vụ cho nền kinh tế trong vùng mà còn có thể xuất khẩu lao động tay nghề cao sang các nước.