Việt Nam ở nhóm quốc gia thiếu nước

Thứ Bảy, 19/03/2016, 17:47
Theo ông Lê Hữu Thuần, Phó cục trưởng Cục Quản lý  Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4.000m3/năm khi lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 2015 chỉ có 3.850 m3.

Việt Nam có 108 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng lượng nước chủ yếu được hình thành từ nước ngoài chảy vào, lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37% tổng lượng nước trên toàn lãnh thổ. Nước dưới đất ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm nhưng chỉ tập trung ở một số khu vực như đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Nam bộ và khu vực Tây Nguyên.

Hiện gần 2/3 lượng nước của nước ta được hình thành từ bên ngoài lãnh thổ, nhưng chưa có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi các quốc gia ở thượng nguồn đang tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng.

Trong khi do biến đổi khí hậu nên Việt Nam đang chịu ảnh hưởng với các hiện tượng như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng. Cùng với đó là việc khai thác nước chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng.

Trước thực tế trên, Việt Nam nên học kinh nghiệm các quốc gia tiên tiến trên thế giới về việc phát triển các công nghệ duy trì và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước ngọt hiện có và tạo nguồn nước ngọt mới từ nước biển như công nghệ xử lý nước thải; công nghệ oxy hóa nâng cao; công nghệ màng; công nghệ hấp thụ; công nghệ trao đổi ion; công nghệ xử lý điện hóa; công nghệ sinh học; công nghệ xử lý nước uống; công nghệ lọc nước biển; công nghệ thủy lợi thông minh; công nghệ tưới tiết kiệm nước; công nghệ vi tưới… Theo đó, nên ứng dụng giải pháp công nghệ phù hợp về giá cả và môi trường Việt Nam.

Được biết, trong các hướng nghiên cứu về xử lý nước thải công nghiệp trên thế giới thì xử lý nước thải công nghiệp bằng các phương pháp lý hoá nói chung chiếm tỷ lệ cao nhất 34,7%, sau đó là xử lý nước thải công nghiệp bằng cách phương pháp sinh học 18,9%, xử lý nước thải công nghiệp qua nhiều giai đoạn 13,9%.../.                                       

Hải Châu
.
.
.