Hậu phương của những người lính hy sinh trên đảo Gạc Ma
Giờ đây gặp lại những cựu binh, những người lính trở về từ Trường Sa, những người mẹ, người vợ vẫn đang ngày đêm chăm lo cuộc sống thường nhật cho chồng, cho con yên tâm bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bất chợt tôi lại nhớ đến 2 câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi!”.
"Vòng tròn bất tử" ở đảo xa
Chúng tôi về Quảng Bình đúng vào ngày hàng chục gia đình ở vùng đất cát đang làm giỗ cho những người con đã hy sinh ở đảo Gạc Ma vào ngày 14-3. Trong số các cán bộ, chiến sĩ có mặt trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma vào 28 năm trước có nhiều người là con em vùng cát Quảng Bình.
Con đường làng thẳng tắp đưa tôi đến quê nhà của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Đứng trước bia mộ của người lính đảo, nước mắt tôi cứ chảy dài khi hình ảnh Trần Văn Phương dù trúng đạn địch nhưng vẫn quyết giữ lấy lá cờ Tổ quốc.
Chị Trần Thị Yến luôn nuôi dạy con trai tự hào về bố là người lính giữ đảo Trường Sa. |
Mờ sáng 14-3-1988, gần 100 cán bộ, chiến sĩ của ta ở đảo Gạc Ma bất ngờ bị Trung Quốc cho quân tấn công. Khi địch vây quanh đảo, với tinh thần hoà hiếu, yêu chuộng hoà bình nên những người con đất Việt chỉ yêu cầu đối phương rút đi. Không những không chịu rút mà vòng tròn của đối phương ngày một thắt chặt quanh đảo.
Lúc đó Trần Văn Phương là Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, anh bình tĩnh động viên anh em cương quyết giữ đảo. Trần Văn Phương bình tĩnh, hiên ngang cầm chắc lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc cho tung bay giữa vòng vây súng đạn.
Trần Văn Phương đã ngã xuống nhưng lời nói bất hủ của anh vẫn mãi vang vọng khắp vùng biển Tổ quốc yêu thương “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng...”.
Khi anh Trần Văn Phương vừa ngã xuống, anh Nguyễn Văn Lanh (một người con Quảng Bình sau này được phong tặng Anh hùng LLVTND) đã nhanh chóng lao vào thế chỗ anh Phương để giữ lấy lá cờ Tổ quốc. Một tay cầm cờ Tổ quốc, một tay Nguyễn Văn Lanh chống đỡ với đối phương. Cuộc chiến không cân sức đã cướp đi sinh mạng của 64 chiến sĩ. Đảo Gạc Ma bị chiếm, nhưng Trường Sa mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
Lớp cha trước lớp con sau
Trên chuyến xe đò, bác tài xế mở radio nghe bài hát "Gần lắm Trường Sa" thấy xúc động đến lạ thường. Trường Sa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như đứa con ở xa, để rồi cả dân tộc luôn hướng đến Trường Sa với sự thương yêu trìu mến.
Mỗi lần nghe đài báo Trường Sa có bão, từ bác xe ôm đến người mẹ nghèo tần tảo bên mớ rau, con cá, em học sinh ngây thơ tới trường, hay cụ già bên bếp lửa... đều chung tâm trạng "Trường Sa có sao không?". Dân tộc hình chữ S trải dài từ cột cờ Lũng Cú đến bãi Năm Căn với biết bao địa danh, bao tên làng, tên núi, tên sông.
Với Trường Sa như đứa con ở xa luôn phải chịu nhiều sóng gió và cũng bởi vậy nên Trường Sa luôn là nơi chứng kiến “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi!”. Tôi gặp chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong hy sinh ở đảo Côlin thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988.
Năm 1984, tốt nghiệp ra trường, anh Nguyễn Mậu Phong được phân công về Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân. Anh cùng với đồng đội lên đường ra canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Trước ngày ra đảo, anh Phong và chị Liễu nên vợ nên chồng. Vợ chồng ngủ chưa ấm chỗ anh đã phải trở về đơn vị. Từ lúc cưới vợ đến khi hy sinh, anh Phong chỉ về nhà được có vài lần. Và họ lần lượt có 2 con trai là Nguyễn Mậu Trường và Nguyễn Tiến Xuân.
Ngày 14-3-1988 anh Nguyễn Mậu Phong và đồng đội canh giữ đảo đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước. Chồng hy sinh, chị Liễu một mình nuôi 2 con nhỏ, và tự hào thay, các con chị trưởng thành lại thay cha ra Trường Sa giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Thắp nén hương trước di ảnh của chồng, chị Liễu tự hào nói về các con "Cha hy sinh trên đảo, các con lại hiên ngang tiếp bước cha ra giữ đảo đó là đạo lý".
Khi đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong tôi lại nghĩ đến những câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu "Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành", đó chính là sự trường tồn của dân tộc. Rời nhà chị Liễu, chúng tôi đến thăm nhà chị Trần Thị Yến, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, vợ người lính biển Trung úy Đặng Đình Đức thuộc Trung đoàn E83 Hải quân.
Chị Yến kể, làm vợ chồng hơn mười năm, thời gian hai người sống gần nhau mỗi năm chưa đầy một tháng. Cùng với đồng đội của mình, Trung úy Đặng Đình Đức suốt bốn mùa đi xây dựng các công trình phòng thủ chiến đấu thuộc quần đảo Trường Sa. “Hồi trước chưa có điện thoại, cả gia đình chỉ biết đợi thư. Có những lá thư ra đi từ mùa xuân, lúc đến nơi thì mùa hạ đã sắp tàn.
Mỗi lần nhận thư tự nhiên nước mắt cứ rơi không kìm được. Thế rồi lại cặm cụi viết thư kể chuyện nhà, chuyện mẹ cha, chuyện con cái. Thư mình gửi có khi cũng lênh đênh trên biển hàng tháng trời mới đến được đảo…”, chị Yến tâm sự.
Bây giờ sóng điện thoại đã nối đất liền với đảo, những cánh thư năm nào được chị Yến cất giữ cẩn thận. Qua những lá thư với câu từ giản dị, chị Yến nghe được những tâm sự mộc mạc của người lính biển, cảm nhận được sự mặn mòi của biển, nắng gió ở Trường Sa và nỗi lòng thương nhớ đất liền của chồng. Có lẽ đó là một niềm tự hào rất riêng mà chỉ vợ lính Trường Sa mới có.