Nỗi đau Gạc Ma trong ký ức của những bà mẹ liệt sĩ

Thứ Hai, 14/03/2016, 07:51
Sau 28 năm đau đớn, những bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma ấy vẫn luôn kể về những đứa con đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng những giọt nước mắt nóng hổi nghẹn ngào…


Đã 28 năm sau ngày Trung Quốc cho quân đánh chiếm đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) của Việt Nam (14-3-1988), những bà mẹ liệt sĩ có con hy sinh trong trận chiến không cân sức này bây giờ không ít người đã qua đời.

Những người còn lại tóc cũng đã bạc phơ, khuôn mặt không chỉ hiện rõ những dấu vết thời gian, mà vẫn còn hằn nguyên một nỗi đau mất mát. Và sau 28 năm đau đớn đó, những bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma ấy vẫn luôn kể về những đứa con đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng những giọt nước mắt nóng hổi nghẹn ngào…

Tìm về phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - mảnh đất ghi danh 7 liệt sĩ, trong số 64 chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến giữ đảo Gạc Ma cách đây 28 năm. Chúng tôi đến thăm gia đình mẹ liệt sĩ Lê Thị Muộn, có con trai là liệt sĩ Phan Văn Sự đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển cả thiêng liêng của Tổ quốc. Mẹ Muộn có 8 người con, liệt sĩ Phan Văn Sự là con thứ 7 trong nhà.

Mặc dù đã bước sang tuổi 84, nhưng mẹ Muộn vẫn nhớ như in những ký ức, những câu chuyện về đứa con trai của mình. “Sau khi học hết phổ thông thì nó (anh Sự) đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Đến Tết Nguyên đán năm 1988 nó được về nhà ăn Tết, rồi báo với gia đình là sắp cùng với anh em đi xây dựng  đảo Trường Sa. Hồi đó ba nó đang đau nặng lắm, phải nhập viện để mổ nên đơn vị mới phân công nó ở lại đất liền làm nhiệm vụ trông coi đồ đạc. Mà nó đâu có chịu ở lại, cứ một mực xin đi. Thấy con quyết tâm như vậy tui cũng động viên nó đi nhớ giữ gìn sức khỏe, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, mẹ Muộn xúc động kể lại.

Anh Sự theo đơn vị vào Cam Ranh, rồi lên tàu Hải quân ra xây dựng đảo. Mẹ Muộn vẫn nhớ như in trong đầu từng lời nói của con: “Mẹ đừng lo gì hết. Con đi sẽ về nhanh thôi”. Nhưng vào một ngày giữa tháng 3-1988, trong lúc mẹ Muộn đang trong bệnh viện làm thủ tục xuất viện cho chồng thì bỗng nghe được tin 3 tàu hải quân Việt Nam ở khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa, bị quân Trung Quốc bất ngờ bắn phá, gần như toàn bộ các chiến sĩ hải quân đã hy sinh. Mẹ bàng hoàng chưa kịp định hình điều gì thì người chồng đang nằm trên giường bệnh vì nghe tin quá sốc mà vỡ mạch máu toàn thân, rồi cũng đột ngột qua đời.

Hai tin dữ ập đến cùng một lúc, mẹ Muộn đã phải trải qua những tháng ngày đau đớn tột cùng… Sau khi liệt sĩ Phan Văn Sự hy sinh anh dũng ngoài đảo, Lữ đoàn Hải quân mang đến cho mẹ một tấm quân phục Hải quân, đó là kỷ vật cuối cùng mà con trai mẹ để lại. Suốt 28 năm nay, mẹ coi tấm quân phục này như một báu vật. Mẹ còn tự tay tháo rời từng đường chỉ, rồi sửa tấm quân phục thành tấm áo bà ba, đi đâu cũng khoác áo lên người để nhớ đến con. Phần yếm áo thừa ra, mẹ gấp lại để trên gối ngủ, ngày nào cũng nâng niu bên người…

Mẹ Hồ Thị Lai bên di ảnh liệt sĩ Trương Quốc Hùng.

Cũng như mẹ Muộn, suốt 28 năm nay mẹ Hồ Thị Lai, mẹ của liệt sĩ Trương Quốc Hùng chưa lúc nào nguôi nỗi nhớ con. Mẹ Lai có 4 người con trai, liệt sĩ Trương Quốc Hùng là con thứ 2 trong nhà.

Mẹ kể: “Hồi xưa nhà tui nghèo lắm nên thằng Hùng từ nhỏ phải vất vả làm lụng, phụ mẹ lo miếng cơm cho gia đình. Đến năm 18 tuổi nghe vận động nhập ngũ nó liền hăng hái tham gia. Nhập ngũ được gần 2 năm thì nó cùng với đơn vị ra xây dựng đảo”.

Thấy con một lòng muốn phục vụ Tổ quốc, mẹ Lai lúc nào cũng vui vẻ động viên, vì mẹ tin tưởng rằng môi trường quân đội sẽ rèn luyện con mẹ trở thành một người sống và làm việc có ích. Những ngày ở Cam Ranh, anh Hùng viết thư gửi về nhắc mẹ giữ gìn sức khỏe, dặn gia đình đừng lo lắng nhiều.

“Hùng là đứa con trai hiếu thảo và sống rất tình cảm. Trước khi lên đường vào Cam Ranh, nó được đơn vị cấp cho cái mền mới, nhưng nó mang về để ở nhà cho tôi, chỉ mang đi một tấm mền rách”, mẹ Lai xúc động nghẹn ngào. Buổi sáng 14-3-1988, linh tính của người mẹ cứ bồn chồn không yên, dự cảm có chuyện chẳng lành. Mẹ Lai tìm đến những gia đình cũng có con đi xây dựng đảo để hỏi han tin tức, rồi ngất lịm khi nghe tin báo con mình cùng các anh em trong đơn vị đã hy sinh nơi đảo xa…

Liệt sĩ Phan Văn Sự, Trương Quốc Hùng cùng 62 chiến sĩ Hải quân đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước khi tuổi đời chỉ vừa mới đôi mươi. Thân xác các anh mãi nằm lại với biển khơi của Tổ quốc, còn những người mẹ ở nhà vẫn ngày ngày đợi chờ con khắc khoải.

Mẹ Lai rưng rưng nước mắt: “Tui nghe báo đài nói Nhà nước đang xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Ranh. Tui chỉ mong cho đến ngày khu tưởng niệm này được xây xong, để nhờ con cháu vô đó chụp một tấm hình mang về cho tui xem, để nhắc con cháu không quên những người cha chú của mình đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo. Như thế thì tui mới an lòng”.

Ông Đỗ Xuân Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Bắc cho biết, để chia sẻ nỗi đau và động viên tinh thần những bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma, chính quyền các cấp cũng như đơn vị Hải quân vẫn thường xuyên đến nhà thăm hỏi ân cần, kịp thời hỗ trợ các mẹ những lúc khó khăn. Địa phương cũng tổ chức nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, giáo dục cho thế hệ trẻ luôn ghi nhớ và tự hào về sự hy sinh to lớn của những liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ một phần chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lý Na
.
.
.