Vật liệu mới gặp rào cản từ đăng kiểm

Thứ Ba, 04/10/2016, 07:37
Những con tàu phục vụ mục đích an ninh quốc phòng đang từng bước được thay thế bằng vật liệu mới Copolymer Polypropylene Polystone (PPC) với những ưu thế vượt trội. Mặc dù được coi là hướng đi đột phá cho ngành đóng tàu, thế nhưng, tại Việt Nam, vật liệu này lại đang gặp rào cản từ đăng kiểm do trong nước chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn để cấp phép.

 

 Gian nan chuyển giao công nghệ 

Người đầu tiên chuyển giao vật liệu PPC Rochling về Việt Nam phục vụ việc chế tạo tàu thuyền là một doanh nhân người Việt tại Cộng hoà Séc – ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT công ty CP công nghệ James Boat. Từng có 30 năm sinh sống, làm việc tại Séc, chứng kiến người châu Âu làm ra những con tàu bằng vật liệu mới, hơn ai hết, ông muốn mang công nghệ này về Việt Nam, không chỉ bởi tư duy kinh doanh mà còn vì mong mỏi đất nước có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới.

Năm 2011, ông trở về Việt Nam mang theo chiếc cano làm bằng vật liệu PPC. Sau đó, ông mở xưởng chế tạo tại Nha Trang và góp cổ phần, thành lập Công ty CP công nghệ Việt – Séc tại Vũng Tàu. Khi việc sản xuất bắt đầu có lãi thì xảy ra vụ chìm tàu do công ty sản xuất trên sông Cần Giờ.

"Vật liệu mới vốn đã khiến nhiều người e ngại, sự cố chìm tàu càng khiến họ dè chừng. Rất may, cuối cùng cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân chìm tàu không phải do vật liệu mà bởi chở quá số người quy định. Không nản chí, chúng tôi cứ âm thầm sản xuất rồi gửi các đơn vị Quân đội sử dụng trước khi thương mại hoá. Bộ Quốc phòng đã chấp nhận thử nghiệm những con tàu này với công năng cao nhất. Sau một thời gian sử dụng, sản phẩm đã được chấp thuận để phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng" – ông Sơn kể lại.

Những con tàu tuần tra của Cảnh sát biển được làm bằng vật liệu PPC

James Boat trở thành công ty đầu tiên đưa vật liệu PPC về Việt Nam phục vụ việc thiết kế, chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi. Công nghệ này được chuyển giao thành công từ công ty TNHH Off Sea (Cộng hoà Séc) và đã được Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội chứng nhận. Với việc chế tạo thành công những con tàu bằng vật liệu PPC, công ty James Boat cũng đã được nhận giải nhì VIFOTEC năm 2014.

Hiện tại, công ty đang triển khai các dự án chế tạo xuồng tuần tra cao tốc MS -50S cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, bến cập tàu thuyền cho Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ, thuyền vượt sông nhẹ cho Bộ Tư lệnh Công binh. Ngày 30-9 vừa qua, công ty đã tiến hành bàn giao 4 xuồng tuần tra cao tốc cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Số xuồng này sẽ được giao cho Hải đội 401 và Hải đội 402 thuộc Cảnh sát biển vùng 4 quản lí, khai thác.

Theo hợp đồng đã kí kết, công ty James Boat sẽ đóng và bàn giao 24 xuồng tuần tra cao tốc cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Đến nay đã có 8/24 chiếc được bàn giao, số còn lại sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Rào cản từ..đăng kiểm

Mặc dù đã được thương mại hoá trong lĩnh vực quốc phòng nhưng những con tàu bằng vật liệu PPC vẫn chưa được thương mại hoá trong lĩnh vực dân sự do vướng mắc ở khâu đăng kiểm. Theo ông Sơn, hồ sơ phía công ty gửi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn tất, việc chạy thử nghiệm đã kéo dài gần 3 năm, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục chờ vì vật liệu mới quá, trong nước chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn để cấp phép. Trong khi đó, 2 tàu chở khách do công ty chế tạo cho Tập đoàn Vingroup sử dụng tại Vin Pearl Nha Trang vẫn đang hoạt động rất hiệu quả.

"Để đưa vật liệu này vào sử dụng, chúng tôi đã trải qua quy trình kiểm tra hết sức khắt khe như thử uốn, thử kéo, thử va đập cường độ mối hàn, thử khả năng chống cháy tại các trung tâm thử nghiệm uy tín của Việt Nam. Hội đồng nghiệm thu đều là các Giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực vật liệt và công nghệ. Việc thử nghiệm đều cho kết quả tốt. Hơn nữa, vật liệu chúng tôi nhập khẩu đã được tiến hành đăng kiểm bởi cơ quan đăng kiểm Cs Lloyd, tuy nhiên về Việt Nam đăng kiểm này lại không được chấp nhận. Chúng tôi rất mong Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành quy chuẩn quốc gia về đóng phương tiện thuỷ nội địa vỏ PPC để sản phẩm của chúng tôi sớm được thương mại hoá trong lĩnh vực dân sự, thay vì chỉ bó hẹp trong lĩnh vực an ninh quốc phòng" – ông Sơn bày tỏ.

Công ty James Boat bàn giao tàu cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 

So với các loại vật liệu truyền thống như gỗ, kim loại, composite thì vật liệu PPC có nhiều tính năng vượt trội như độ đàn hồi tốt, chịu được sức va đập mạnh; chịu được thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam mà không bị biến dạng; thân thiện với môi trường và có thể tái chế 100% sau khi hết hạn sử dụng; tiết kiệm nhiên liệu tới 20-30%, giảm chi phí bảo trì...

Đại uý Phan Văn Lễ - thuyền trưởng xuồng tuần tra cao tốc MS-50 thuộc Hải đội 1, Cảnh sát biển vùng 1 cho biết, sau 2 năm hoạt động hết công năng, xuồng đã chạy được 6000 hải lí một cách ổn định, chịu được sóng cấp 5, cấp 6. "Trước đây, khi tôi chạy tàu bằng vật liệu composite, chỉ được thời gian đầu máy khoẻ, sau đó vận tốc của tàu cứ giảm dần. Lí do là vật liệu này ngấm nước, khiến tàu rất nặng. Trong khi đó, vật liệu PPC nhẹ hơn nước, tàu có thể đi với vận tốc lớn, nhờ đó mà tiết kiệm nhiên liệu. Do vật liệu này rất nhẹ nên nếu có xảy ra va chạm, kể cả khi bị đâm thủng, tàu cũng không bị chìm, rất an toàn cho người sử dụng" – Đại uý Lễ nói.

Vật liệu PPC đang mở ra hướng đi đột phá cho ngành đóng tàu. Ngoài việc có thể chế tạo ca nô, tàu thuyền có tốc độ cao phục vụ việc tuần tra an ninh, cứu hộ trên biển thì vật liệu này còn có thể sử dụng để xây dựng các nhà nổi, bến nổi trên sông, cầu cảng, bến du thuyền...phục vụ nhu cầu dân sinh. Hạn chế lớn nhất của vật liệu này là không đóng được tàu hiện đại, dài trên 24m, cũng không đóng được tàu kéo.


Khánh Vy
.
.
.