Công nghiệp đóng tàu Việt Nam: Bỏ rơi lĩnh vực sửa chữa

Thứ Tư, 21/06/2006, 12:54

Một lĩnh vực khá quan trọng là dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng tàu dường như bị bỏ rơi, để rồi chúng ta lại mất nguồn ngoại tệ lớn mỗi khi "tàu ta" đi sửa "bên tây".

Không thể phủ nhận ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang khẳng định vị thế, năng lực của mình trong khu vực. Chỉ mới từ năm 2000 trở lại đây, hàng loạt tàu vận tải lớn 6.500 tấn, rồi 11.500 tấn, 12.500 tấn và gần đây là 53.000 tấn được đóng mới, kéo được nhiều đơn đặt hàng của nhiều nước trên thế giới.

Cứ nhìn vào sự hoạch định của Vinashin mới thấy hết quyết tâm vượt sông ra biển, vượt biển ra đại dương của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Trong 10 năm qua, ngành đã tập trung củng cố và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến hiện đại để các nhà máy đóng tàu có đủ điều kiện đóng mới nhiều loại và trọng tải lớn. Năm 2000 đóng mới tàu trọng tải 6.500 tấn, năm 2002 tàu Vinashin-sun được đóng mới với trọng tải 11.500 tấn, năm 2003 đóng tàu Vinashin-star 12.500 tấn, năm 2005 hạ thuỷ tàu dầu Vinashin-sea 13.500 tấn và năm 2006 chúng ta tiếp tục hạ thuỷ tàu 53.000 tấn.

Đáng nói nhất, từ năng lực thực tế, Việt Nam đã nhận được những hợp đồng đóng mới của một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Anh và Đan Mạch. Chất lượng tàu đóng mới của Việt Nam không kém gì những nước có ngành công nghiệp phát triển nhất. Tàu Vinashin-sun là một ví dụ. Chỉ trong 131 ngày đã vượt qua gần 30.000 hải lý trên các đại dương lớn: Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Đó là niềm tự hào và niềm vui cho ngành đóng tàu Việt Nam.

Bằng mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập, Vinashin đã thực hiện phương châm "đi tắt đón đầu". Đến năm 2010 sẽ thực hiện nội địa hoá 60% và tập trung xây dựng các ngành phụ trợ. Phấn đấu sớm có các nhà máy sản xuất phụ kiện tàu thuỷ, phụ tùng thay thế, trang bị nội thất tàu, hệ thống điều khiển, nhà máy lắp ráp động cơ diezen công suất từ 300 - 30.000 mã lực, nhà máy cán thép tấn công suất 560.000 tấn/năm…

Tất cả những hoạch định đó không chỉ để khẳng định năng lực mà còn tiếp cận kỹ thuật tiên tiến ngành đóng tàu thế giới. Việt Nam đã thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật với các nước Ba Lan, Hàn Quốc, Đan Mạch, Nhật Bản… chính là để tiếp cận công nghệ mới và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phát triển công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Và chẳng bao lâu nữa chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi ta chẳng kém tài…

… Buồn khi ta mất nhiều ngoại tệ

Chính là việc chúng ta đã bỏ rơi dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng tàu thuỷ. Đến bây giờ, hầu hết các chủ tàu Việt Nam đều phàn nàn quá nhiều về việc phải chờ đợi đưa tàu vào sửa chữa. Theo qui định đối với tàu biển, cứ 2,5 năm phải lên đà sửa chữa trung gian một lần và 5 năm phải sửa chữa định kỳ… Đó là chưa kể số tàu hoạt động bất ngờ gặp nạn, rủi ro buộc phải vào sửa chữa do độ tuổi "quá già".

Trong số hơn 1.100 tàu đang hoạt động, mỗi năm đội tàu Việt Nam phải lên đà khoảng 400 lượt tàu, song các nhà máy sửa chữa bảo dưỡng như hiện nay không có khả năng đáp ứng nhu cầu. Tại Hải Phòng, Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng mỗi năm cũng chỉ sửa chữa trên đà khoảng 30 lượt tàu, Phà Rừng được 25-30 lượt/năm. Còn Nhà máy Bến Kiền sau khi đã được nâng cấp cũng chỉ sửa chữa 6 tàu/năm. Đối với các tỉnh phía Nam hàng năm cũng chỉ đưa được khoảng hơn 100 tàu các loại lên đà để sửa chữa.

Bởi vậy, các chủ tàu buộc phải xếp hàng chờ đợi. Nhìn vào năng lực sửa chữa, bảo dưỡng tàu ở nước ta chưa đơn vị nào đáp ứng được loại tàu cỡ lớn, hiện đại. Thế nên các chủ tàu lớn lại phải "vác đôla" đi sửa chữa ở nước ngoài. Mỗi lượt tàu như thế không thể chi phí dưới vài chục nghìn đôla với mức bảo dưỡng thấp nhất. Con số 400 lượt tàu phải sửa chữa, bảo dưỡng trong 1 năm, năng lực trong nước chỉ có thể đáp ứng… 3/4 là tối đa. Số còn lại phải sửa chữa, bảo dưỡng nước ngoài. Và như vậy đội tàu Việt Nam mỗi năm chi mất lượng ngoại tệ không phải là nhỏ.

Trong chiến lược phát triển của Vinashin giai đoạn 2005 - 2015 tập trung khắc phục tình trạng phát triển lệch của ngành công nghiệp tàu thuỷ bằng cách sẽ đồng thời mở rộng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu theo định kỳ phục vụ đội tàu trong nước. Thực tế, các công ty công nghiệp tàu thủy đã xây dựng phương án vừa phát triển đóng mới vừa nâng cấp cơ sở vật chất tăng cường năng lực sửa chữa tàu cho các chủ tàu trong và ngoài nước.

Mới đây Vinashin đồng ý cho Công ty Hàng hải Đông Đô đầu tư xây dựng một khu dịch vụ sửa chữa tàu biển tại Hải Phòng. Tuy nhiên, với tốc độ đầu tư như hiện nay, các nhà kinh tế hàng hải cho rằng còn chậm so với nhu cầu hiện tại. Và ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam sẽ như "đôi đũa so lệch" trong nhiều năm nữa...

Mạnh Hừng
.
.
.