Tích cực chuẩn bị, kịp thời tái phục hồi du lịch
- Tìm giải pháp phục hồi du lịch nội địa
- Ba kịch bản phục hồi du lịch sau dịch
- Bàn giải pháp phục hồi du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế
Hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép”. 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động. Công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10-20%. Lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5-7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019. Đó là nhận định của Tổng cục Du lịch về du lịch Việt hiện tại. Làm thế nào để vực dậy ngành Du lịch sau những tổn thất nói trên đang là bài toán khó nhưng cần có lời giải chính xác, kịp thời.
Trầy trật vượt khủng hoảng
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đến nay, doanh nghiệp du lịch đã quá kiệt quệ. Ngành du lịch sẽ còn tiếp tục khó khăn trong năm 2021 nên cần đề xuất các chính sách, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian qua, ngành Du lịch đã đề xuất nhiều chính sách và doanh nghiệp, người lao động trong ngành. Tuy nhiên những hỗ trợ này không nhiều, chưa thiết thực. Nhiều chính sách chưa thực sự đến được với doanh nghiệp, người lao động. Trong khi đó, nếu không có sự chuẩn bị tốt, đến khi dịch được khống chế, thị trường mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam rất dễ phải đối mặt với những lỗ hổng lớn về nguồn nhân lực, sản phẩm, cơ sở vật chất và định hướng thị trường…
Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel cũng nhận định: Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch COVID 19 đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống.
Du lịch Việt cần thêm nhiều hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để phục hồi trong thời gian tới. |
Để khắc phục hậu quả nói trên, bên cạnh kiểm soát chặt tình hình và diễn biến của dịch bệnh, tuyên truyền du lịch an toàn, các chính sách và cơ chế đặc thù, thì cần tiếp tục chính sách miễn giảm thuế phí và chính sách hỗ trợ tài chính cho vay ưu đãi để doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, với các gói vay tài chính từ ngân hàng, đa phần các ngân hàng vẫn đang đàm phán cho vay tiếp với điều kiện phải có tài sản thế chấp trong khi các công ty lữ hành ngay cả khi hoạt động bình thường trước dịch đều không dựa trên tài sản cụ thể (như vận chuyển, lưu trú, dịch vụ...) mà trên tài sản vô hình như thương hiệu.
Tài nguyên khách hàng, uy tín là chủ yếu. Các công ty lữ hành đang rất cần nguồn tiền để giải quyết khó khăn nhưng lại không thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi, kể cả chấp nhận vay với lãi suất cao. Lý do là du lịch vẫn là ngành nằm trong nhóm rủi ro cao và doanh nghiệp lữ hành thường không có tài sản thế chấp.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lê Hương thì ngành Du lịch địa phương cần tập trung vào các chính sách kích cầu du lịch. Các doanh nghiệp cần tập hợp lại và cùng nhau xây dựng các chương trình, kích cầu, làm mới lại sản phẩm, cùng xây dựng những chuỗi sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ cho nhau. Hoạt động xúc tiến quảng bá, kích cầu cần tập trung vào thị trường du lịch nội địa và từng bước xây dựng và khôi phục lại thị trường khách quốc tế.
Địa phương cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành để có giá thành tốt nhất làm sản phẩm ví dụ như giảm phí các điểm tham quan từ 30% – 50%, trợ giá cho người du khách để ngành du lịch sớm phục hồi. Doanh nghiệp du lịch cần tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhân sự tinh gọn, linh động và hiệu quả hơn, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số…
Cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn
Ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch TST cho rằng, cần đổi mới du lịch nội địa, đưa du lịch nội địa trở thành bộ phận chủ lực của du lịch Việt Nam nhưng phải nắm rõ 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là du khách có sự kỹ tính hơn trong việc chọn lọc đường tour, điểm đến an toàn và cả uy tín thương hiệu của doanh nghiệp đã từng tham gia tích cực trong công tác phòng dịch. Sự cảm tình thương hiệu cũng là một yếu tố được nhận thấy rõ nét.
Xu hướng này hoàn toàn khác với tâm lý chọn tour “giá rẻ là đi, đi đâu cũng được miễn vui” trước đây. Vì vậy, an toàn và chất lượng, giá hợp lý là điều quan trọng nhất. Thứ hai là du khách có nhu cầu tự đi tour theo hình thức thông qua doanh nghiệp lớn, uy tín đặt dịch vụ với nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn Tết cùng gia đình trong không gian thanh bình hơn là tìm đến sự náo nhiệt, đông đúc. Tính cá nhân hoá đang ngày càng cao trong chuyến du lịch. An toàn là mối quan tâm và lựa chọn ưu tiên trước khi chọn mua dịch vụ, hàng hoá cụ thể nào đó. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu kinh doanh uy tín, và hướng đến đáp ứng nhu cầu du lịch an toàn dành cho nhóm gia đình. Thứ ba là du khách có khuynh hướng nhạy cảm với thông tin và có tâm lý sợ mất tiền cọc nếu xảy ra tình huống phát sinh dịch. Vì vậy khách hàng ưu tiên tìm kiếm doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín lâu năm, có sự cam kết rõ ràng về mặt tài chính, gia hạn thời gian sử dụng dịch vụ nếu xảy ra tình huống bất khả kháng do dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự cam kết và có trách nhiệm với những cam kết bằng hành động cụ thể.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng gợi ý, du lịch Việt nên phát triển nhanh các loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…), phát huy thế mạnh tài nguyên du lịch, nhằm nâng cao sự hấp dẫn và tính cạnh tranh. Tuy nhiên, cần chuyển sự tập trung sang chất lượng và hướng đến phát triển ngành Du lịch một cách bền vững hơn về môi trường, văn hóa và xã hội, cơ cấu lại thị trường khách du lịch chi tiêu cao hơn. Đa dạng hóa và làm mới sản phẩm du lịch trên cơ sở bổ sung các dịch vụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mới của các thị trường khách khác nhau. Dựa trên thế mạnh của các tỉnh, thành phố phát triển loại hình du lịch MICE nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội... Tập trung xây dựng và hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch tầm cỡ trong nước và quốc tế; tập trung xây dựng và hình thành thương hiệu một số đô thị chuyên tổ chức sự kiện.
Mặt khác, cần phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, dịch vụ và tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ du lịch MICE đảm bảo bền vững môi trường. Xây dựng hệ thống công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cao cấp, công trình dịch vụ du lịch có tầm cỡ tại các đô thị, khu, điểm du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch MICE cần đảm bảo về số lượng và cần nâng cao trình độ, kỹ năng và thái độ phục vụ, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong dịch vụ phục vụ…
Về phía Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho biết, Tổng cục đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động phục hồi du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Hiện nay, Tổng cục đang thực hiện và báo cáo lãnh đạo Bộ, dự kiến gồm 4 nhóm công việc: Hỗ trợ phát triển sản phẩm; truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp và điểm đến; đào tạo nhân lực.