Thuốc bắc cần được siết chặt quản lý như tân dược

Chủ Nhật, 10/07/2016, 07:23
Thời gian qua, chúng ta chỉ quan tâm xiết chặt việc quản lý kinh doanh tân dược; nhưng thuốc bắc, cũng là một sản phẩm dùng để chữa bệnh lại chưa được chú trọng. Cùng là thuốc, nhưng thuốc bắc có thể mua dễ dàng ngoài vỉa hè, ngoài chợ và dĩ nhiên người bán thuốc bắc ở những nơi này ít kiến thức và không được đào tạo về dược liệu...

Đã có nhiều trường hợp, người mua thuốc bắc bị ngộ độc, "tiền mất tật mang" do mua phải thuốc kém chất lượng, hoặc sử dụng tùy tiện dẫn tới phản tác dụng trong điều trị.

Thuốc bắc từ lâu đã có chỗ đứng trong tâm lý điều trị bệnh của người dân Việt Nam. Nhiều người tìm đến các lương y để bốc thuốc trị bệnh vì nghĩ sử dụng thuốc bắc "lành" hơn  tân dược. Có người, sau một thời gian điều trị tân dược không hiệu quả, cũng chuyển sang điều trị bằng thuốc bắc. Thậm chí, có những nam giới, chẳng bệnh tật gì, nhưng khi nghe những "quý ông" rỉ tai nhau về tác dụng của những bài thuốc bắc tăng cường "bản lĩnh" đàn ông, cũng tự đi mua các vị thuốc về để uống hoặc ngâm rượu sử dụng dần... 

Cơ quan chức năng bắt giữ một lô hàng dược liệu nhập lậu. Ảnh: CTV.

Không thể phủ định những công dụng tuyệt vời của thuốc bắc mà cha ông ta đã đúc kết từ nhiều đời nay; song, việc sử dụng thuốc thế nào cho đúng, cho hiệu quả; xuất xứ, nguồn gốc thuốc ra sao cũng là điều cần hết sức lưu ý khi sử dụng.

Theo thống kê, có tới 80% thuốc bắc trên thị trường được nhập từ Trung Quốc. Trong một đợt lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên với hai dược liệu là hồng hoa và chi tử, cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã lấy 57 mẫu chi tử thì có tới 27 mẫu chứa phẩm màu rhodamine B. Đây là một hóa chất nhuộm màu phát quang, có khả năng gây độc cấp tính tới hệ thần kinh, gây độc trên da, thậm chí có thể gây ung thư.

Kiểm tra 400 mẫu dược liệu, Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế phát hiện có tới 60% số dược liệu chưa đạt chất lượng, trong đó, 20% dược liệu bị trộn tạp chất hoặc tẩm ướp hóa chất độc hại. Còn theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, trong số 49 mẫu có 15 mẫu dược liệu thuốc bắc có hàm lượng lưu huỳnh, thạch tín vượt chỉ số cho phép nhiều lần. Đó là chưa kể đến hàm lượng thuốc trừ sâu có trong dược liệu khá phổ biến hoặc dược liệu do bảo quản không tốt dẫn tới ẩm mốc. Lời cảnh báo đối với thuốc bắc không chỉ là những con số nêu trên.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai có từ 10 đến 15 ca ngộ độc mà thủ phạm chính là những bình rượu ngâm thuốc bắc. Nhiều trường hợp như chị N ở Ninh Bình, uống thuốc bắc để điều trị vô sinh. Sau 10 ngày, chị thấy toàn thân đau nhức, bụng đau, cảm giác trống ngực. Tới bệnh viện, các bác sĩ kết luận cơ thể của chị đã bị ngộ độc chì với nồng độ gần 60 mcg/dL...

Tại Hà Nội, có 2 điểm kinh doanh thuốc bắc lớn, đó là khu vực phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm và làng nghề  dược liệu Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. Thực hiện kế hoạch của Công an TP Hà Nội nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong việc kinh doanh thuốc bắc, Công an huyện Gia Lâm - nơi có làng nghề Ninh Hiệp chuyên kinh doanh và là đầu mối trung chuyển thuốc bắc ra khắp các tỉnh thành trên cả nước đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, Công an huyện này đã phát hiện 11 vụ, với 11 đối tượng buôn bán gần 14.000kg  dược liệu thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc. Điển hình là vụ bắt quả tang 1 xe tải chở hơn 5,3 tấn dược liệu không rõ nguồn gốc, trên bao bì ghi chữ Trung Quốc, trị giá dược liệu cả trăm triệu đồng; chủ xe là Nguyễn Duy Thắng, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm.

Trong một diễn biến khác, qua kiểm tra 10 cửa hàng kinh doanh thuốc nam, thuốc bắc tại Ninh Hiệp, Đội quản lý thị trường số 8 đã lập biên bản thu giữ gần 1 tấn hàng hóa vi phạm vì không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trước đó, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội quản lý thị trường số 11 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã phát hiện, bắt giữ gần 10 tấn dược liệu.

Chủ hàng là bà Nguyễn Thị Thắm không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Theo khai nhận, số hàng này được nhập lậu từ Trung Quốc mang về Hà Nội tiêu thụ. Đặc biệt là vụ phát hiện 3 xe tải chở 65 tấn dược liệu do Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu Bộ Công an phối hợp với  Cục Hải quan Lạng Sơn phát hiện. Qua kiểm tra sơ bộ số dược liệu này nhãn mác ghi thông tin không đầy đủ, một số sản phẩm không có nhãn mác.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Y tế cần siết chặt việc quản lý kinh doanh thuốc nam, thuốc bắc; vì đây là các dược liệu chữa bệnh, có ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Đào Minh Khoa
.
.
.