Siết quản lý thị trường hóa chất

Thứ Bảy, 11/06/2016, 08:40
Nhằm phòng ngừa cháy nổ đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo khẩn về việc quản lý hóa chất, đặc biệt là di dời chợ hóa chất Kim Biên (quận 5) – khu chợ mà nhiều người ví rằng đó là “chợ tử thần”, là “kho bom hóa chất” lớn nhất cả nước.

Theo ghi nhận của  PV Báo CAND, chợ Kim Biên kinh doanh đủ loại hóa chất, từ hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm, đến các hóa chất độc hại, có nguy cơ cháy nổ... Tuy nhiên, trong nhà lồng chợ Kim Biên, chỉ có 17 hộ kinh doanh ngành hàng phụ gia thực phẩm, dưới sự kiểm soát của BQL chợ Kim Biên. Còn lại là khu vực các tuyến đường xung quanh chợ, gồm: Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe, Kim Biên, Gò Công có hàng chục công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hóa chất công nghiệp, có cả những loại hóa chất độc hại, nguy cơ cháy nổ... thuộc sự quản lý của địa phương.

Thế nhưng, từ trước đến nay khi nói đến chợ hóa chất Kim Biên, hầu hết người dân đều chỉ đích thị đó là hóa chất phụ gia thực phẩm bán do các tiểu thương bán trong lồng chợ Kim Biên. Ít ai đổ lỗi cho các điểm bán hóa chất công nghiệp ở các tuyến đường xung quanh chợ Kim Biên, trong khi những nơi này là đầu mối chuyên cung cấp số lượng lớn các loại hóa chất công nghiệp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. 

Tất cả các loại hương liệu dùng trong thức uống (ca cao, cà phê, siro...), những  mùi vị đặc trưng trong các loại thực phẩm (hương thịt heo, hương thịt bò…), các loại hương liệu, bột màu dùng để làm bánh mứt... bán rất nhiều trong lồng chợ Kim Biên. Còn các loại các hoá chất công nghiệp như Magnesium Sunlfate – thuốc tẩy vải sợi (dùng tẩy trắng ngó sen, dừa, rau), chất vàng ô dùng nhuộm vải (nhưng nhiều vụ bị cơ quan chức năng phát hiện người dùng sử dụng để nhuộm măng, nhuộm da gà)… được bán nhiều tại các điểm bán ở khu vực xung quanh chợ Kim Biên.

Hóa chất bày bán tại chợ Kim Biên.

Chính vì là “chợ tử thần”, nên việc di dời chợ Kim Biên đã được đặt ra từ nhiều năm qua, nhưng đến nay tiến độ vẫn cứ… giậm chân tại chỗ. Năm 2013, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công Thương và UBND quận 5 đề xuất xây dựng Trung tâm Kinh doanh hóa chất và bách hoa tổng hợp chuyên kinh doanh các mặt hàng hóa chất hương liệu thực phẩm. Trước mắt, sẽ di dời các hộ kinh doanh hóa chất hương liệu thực phẩm về Trung tâm này. 

Trong năm 2015, nhiều cuộc họp, nhiều buổi lấy ý kiến của cơ quan chức năng với 17 hộ  kinh doanh ngành hàng hương liệu thực phẩm trong chợ Kim Biên cũng đã diễn ra, yêu cầu các tiểu thương này di chuyển sang kinh doanh tại Trung tâm Kinh doanh hóa chất và bách hóa tổng hợp (số 40 đường Kim Biên). 

Tuy nhiên, bà Tôn Nữ Phương Lan, Tổ trưởng Tổ hương liệu phụ gia thực phẩm chợ Kim Biên cho rằng, các tiểu thương không chịu di dời do bị vướng hàng loạt khó khăn như: giá thuê mặt bằng cao, điều kiện buôn bán không thuận lợi bằng, ngành hàng phụ gia thực phẩm không phải bán riêng biệt mà phải bán lẫn với hóa chất công nghiệp và bách hóa tổng hợp...

Trên thực tế, không phải chỉ ở chợ Kim Biên, có rất nhiều nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất công nghiệp, hương liệu thực phẩm. Theo thống kê mới nhất của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trên địa bàn quận 5 có 112 cơ sở kinh doanh hóa chất gồm 76 doanh nghiệp và 36 hộ cá thể, tập trung tại các tuyến đường xung quanh chợ Kim Biên. 

Khoảng đầu tháng 6, Đội Quản lý thị trường 1A, 5B và Hóc Môn kiểm tra 18 cửa hàng, kho hàng kinh doanh hóa chất tại quận 1, quận 5 và huyện Hóc Môn, tạm giữ 2,389 tấn, 1.133 lít đã hóa chất công nghiệp không hóa đơn chứng từ và 6,879 tấn hóa chất công nghiệp vi phạm về nhãn hàng hóa; ngày 15-4, Đội QLTT 12B kiểm tra các kho hàng của 3 công ty tại địa chỉ số A27 Bis Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, tạm giữ số lượng lớn hàng hóa là phụ gia thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và hương liệu thực phẩm vi phạm.

Thực tế việc quản lý hóa chất hiện nay rất chồng chéo. Sở Công Thương quản lý hóa chất ngành công nghiệp, hóa chất là tiền chất sử dụng trong nông nghiệp, hóa chất sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng; Sở Y tế quản lý hóa chất bào chế dược, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế, dược phẩm và phụ gia thực phẩm; Sở NN&PTNT quản lý hoạt động hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, bảo quản, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản và thực phẩm. 

Mặc dù nhiều cơ quan chức năng “phụ trách” nhưng thực trạng thị trường hóa chất hiện nay là đang “hổng” ở khâu quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, nếu chỉ di dời chợ Kim Biên mà không di dời các điểm kinh doanh hóa chất khác nằm rải rác trên các tuyến đường ở địa bàn TP Hồ Chí Minh thì e rằng việc quản lý thị trường hóa chất vẫn còn phức tạp.

Mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn, giao Sở Công Thương khẩn trương xây dựng đề án xây dựng Trung tâm Kinh doanh hóa chất ở ngoại ô thành phố, theo hướng kêu gọi xã hội đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm quản lý chặt chẽ việc buôn bán, kinh doanh hóa chất.

Thúy Hà
.
.
.