Sau sự cố du khách thiệt mạng, du lịch Lâm Đồng lộ diện nhiều bất cập
Lộ diện nhiều bất cập
Ông Hoàng Ngọc Huy, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Lâm Đồng cho biết, kể từ tháng 3 này, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng sẽ lần lượt tiến hành kiểm tra các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch của tỉnh. Cơ quan chức năng sẽ kiên quyết tước giấy phép kinh doanh những đơn vị không đủ điều kiện hoạt động. “Đây là biện pháp tốt nhất nhằm chấn chỉnh hoạt động du lịch hiện nay!” - ông Huy nói.
Bà Trần Thị Hồng Nhạn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng cho rằng, chỉ vì muốn có lợi nhuận trước mắt mà các đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm ở Lâm Đồng trong những năm qua đã cạnh tranh không lành mạnh, nhận tour với giá rất rẻ, có khi chỉ hơn 20 USD/du khách. Điều này không thể đảm bảo để hình thành những tour có chất lượng cao, ảnh hưởng không tốt tới chất lượng, hình ảnh du lịch của Đà Lạt.
Với loại hình du lịch này, chỉ cần sơ suất nhỏ có thể mất mạng. |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng nói bà đã từng nhận được thông tin cơ sở vật chất của một số đơn vị trang bị cố định trong rừng (như dây đu) bị phá hoại, có dấu hiệu dùng dao cắt. Không ít cơ sở lưu trú tại Đà Lạt chỉ thu của khách nước ngoài từ 1-2 USD/ngày và mỗi phòng lên tới trên chục người. “Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến điều kiện vệ sinh, chất lượng phục vụ, an toàn cháy nổ…” - Bà Nguyên nói. Giám đốc một công ty kinh doanh du lịch ở Đà Lạt xác nhận có thực trạng này. “Những người đã đăng ký đi tour với giá cao có thể sẽ được các cơ sở lưu trú cho ở chỉ 1-2USD/ngày, việc này là có. Vì tiền thu từ đi tour và bán bia (khách nước ngoài thích uống bia) sẽ được bù vào chỗ ở này!..” - vị giám đốc tiết lộ.
Ông Trần Mạnh Linh, Chánh Văn phòng Sở VH,TT&DL Lâm Đồng xác nhận hiện nay một số đơn vị tổ chức các tour du lịch mạo hiểm còn lơ là trách nhiệm, coi nhẹ tính mạng du khách, chỉ vì lợi ích nhỏ mà coi nhẹ vấn đề lớn. “Sở đã có các hướng dẫn cụ thể về loại hình du lịch này nhưng nhiều doanh nghiệp không chấp hành, không làm theo quy chuẩn của Sở đề ra, bất chấp các khuyến cáo về tính rủi ro, sự hiểm nguy của loại hình du lịch mạo hiểm, dã ngoại... nên mới xảy ra các vụ việc đáng tiếc vừa rồi”.
Vụ 3 du khách tử nạn ở thác Tử Thần, thuộc Khu du lịch Datanla là một bài học đắt giá, thực sự đã cảnh tỉnh những người đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Hướng dẫn viên quốc tế Nguyễn Thu Trang trải lòng, trước khi xảy ra sự cố này, chị và hầu hết các hướng dẫn viên không hề ý thức được mức độ nguy hiểm của nghề. Trước đây, chị Trang vẫn nghĩ đơn giản làm sao khi dẫn tour phải nhiệt tình với du khách, làm cho du khách vui, hứng thú khi tham gia tour chứ chưa ý thức hết được mức độ an toàn và nguy hiểm của hoạt động này. Sự cố khiến 3 du khách người Anh tử nạn khiến chị Trang và nhiều hướng dẫn viên khác bị sốc nặng về mặt tâm lý.
Ông Ngô Anh Tuấn, Tổng giám đốc điều hành của một công ty du lịch tại Đà Lạt chia sẻ: “Riêng trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm, nếu chiều khách chính là đưa khách đến chỗ nguy hiểm và là tự sát”-ông Tuấn nói.
Lâm Đồng hỏa tốc chỉ đạo đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách
Công văn hỏa tốc được ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký ngày 1-3 nêu, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của khách du lịch, làm suy giảm hình ảnh, môi trường du lịch địa phương.
Nhằm hạn chế tối đa các vụ tai nạn có thể xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt – Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, Sở VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, đình chỉ hoạt động đối với các sản phẩm du lịch không đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn cho du khách.
Siết chặt quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch vừa chính thức có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác du lịch mạo hiểm trên địa bàn. Cụ thể: Đối với các khu, điểm tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm: Tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tổ chức cách hoạt động; yêu cầu bố trí biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng cho khách du lịch; xây dựng quy trình hoạt động, phương án cứu hộ, bảo đảm an toàn cho du khách; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại những vị trí nguy hiểm; nghiêm túc chấn chỉnh, kiên quyết dùng hoạt động các khu, điểm du lịch không đảm bảo an toàn hoặc để xảy ra vi phạm. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm: Yêu cầu rà soát tiêu chí, quy trình hoạt động theo giấy phép kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm trên địa bàn; các phương án tổ chức chương trình du lịch phù hợp với từng loại hình du lịch mạo hiểm cụ thể tại điểm du lịch. Chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn khi tổ chức đưa khách du lịch đến tham quan, sử dụng dịch vụ tại các điểm du lịch mạo hiểm phải tuân thủ đúng quy định, quy trình của Ban Quản lý hoặc đơn vị tổ chức hoạt động du lịch, tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện đúng các quy định về an toàn khi sử dụng dịch vụ. |