Phụ huynh cùng tham gia giám sát bếp ăn trường học

Thứ Năm, 28/03/2019, 10:09
Sau hàng loạt vụ ngộ độc thức ăn, đưa thực phẩm bẩn vào trường học, nhất là vụ việc hàng trăm học sinh bị nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh đã khiến cho phụ huynh có con học bán trú cảm thấy lo lắng. Để phụ huynh an tâm về bữa ăn của con em mình, thay vì khép kín như trước đây, một số trường học trên địa bàn Hà Nội đã tạo điều kiện để phụ huynh tham gia vào Ban giám sát, quản lý bếp ăn.

Gần một năm trở lại đây, vào buổi sáng trước khi đi làm, chị Nguyễn Thu Thủy, phụ huynh trường Tiểu học Đền Lừ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có thêm một nhiệm vụ mới là tới trường, cùng với Ban giám hiệu của nhà trường kiểm tra và nhận thực phẩm được đưa vào bếp ăn.

Theo chia sẻ của chị Thủy, nếu như trước đây, thỉnh thoảng Ban phụ huynh mới tới trường kiểm tra đột xuất việc giao nhận thực phẩm, chế biến bữa ăn của các con, thì nay, thời điểm đang có nhiều loại dịch bệnh, nhiều vụ ngộ độc xảy ra, chị tới trường thường xuyên hơn, để cùng kiểm tra các nguyên liệu chế biến.

Phụ huynh thăm quy trình chế biến thức ăn tại bếp ăn trường học. Ảnh minh họa

“Thực phẩm đầu vào tốt, đầu ra sẽ khác hẳn. Các con không chỉ được ăn đủ chất mà còn cảm thấy hào hứng, ngon miệng” - chị Thủy nói. Bà Lê Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đền Lừ cho biết: "Để phụ huynh tin tưởng giao con cho nhà trường, ngoài việc lựa chọn đơn vị thực phẩm an toàn, nhà trường cũng đã để ban phụ huynh cùng tham gia vào giám sát bếp ăn bán trú.

Công khai, minh bạch sẽ giúp phụ huynh an tâm. Chúng tôi gồm ban giám hiệu, kế toán, y tế, giáo viên trực và ban phụ huynh cùng kiểm tra thức ăn. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể kiểm tra đột xuất. Chúng tôi cũng thường xuyên lấy ý kiến phụ huynh về thành phần các bữa ăn, đơn vị cung cấp để đảm bảo bữa ăn cho các con” - bà Hoa chia sẻ.

Tại Trường THCS Trung Yên, quận Cầu Giấy (Hà Nội), phụ huynh cũng được tham gia vào khâu kiểm soát thực phẩm đầu vào của nhà trường. Chị Nguyễn Thùy Dương, thành viên trong Ban phụ huynh của nhà trường cho biết: Để đảm bảo con mình được “ăn sạch” tại trường, chị đã cùng các phụ huynh trong Ban phụ huynh của trường luân phiên nhau cùng nhà trường kiểm tra chất lượng thức ăn hàng tuần.

“Sáng sớm hàng ngày, chúng tôi chia nhau dậy sớm để nhận thức ăn đưa vào trường cùng với cán bộ nhà bếp. Điều này vừa để tăng sự gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh, vừa là để đảm bảo được chất lượng thực phẩm đầu vào, trước khi chế biến cho các con.

Chúng tôi còn phải kiểm tra mùi thức ăn nếu thấy nghi ngờ về chất lượng của thực phẩm, sẽ yêu cầu nhà cung cấp đổi lại. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiểm tra dụng cụ chế biến thực phẩm, khay ăn của các con”.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến phụ huynh lo ngại về bữa ăn học đường, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cũng đã trực tiếp viết thông báo gửi tới phụ huynh rằng, “Bếp ăn trường là bếp ăn lớn, cung cấp hàng nghìn suất ăn mỗi ngày cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Việc đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà trường đặc biệt quan tâm. Nhà trường không tự làm việc đó mà phối hợp với Phòng Y tế của quận. Hàng ngày, nhân viên của Phòng Y tế phối hợp với nhân viên chuyên trách của trường kiểm định kỹ lưỡng tất cả thực phẩm nhập về bếp ăn”.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Nhận thấy yêu cầu được giám sát bếp ăn trường học của phụ huynh là chính đáng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh và ban chỉ đạo.

Đặc biệt, trong quá trình giám sát cần lưu ý kiểm tra tới nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của đơn vị cung cấp thực phẩm; quy trình phân chia và định lượng suất ăn, có minh chứng cụ thể.

Trên cơ sở đó có thể rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời công tác bán trú và bữa ăn học đường. Tuy vậy, ông Tiến cũng cho rằng, để cách làm này được lan tỏa sâu rộng, phụ huynh cũng cần chủ động yêu cầu tham gia hoạt động này để cùng với nhà trường nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn cho các bếp ăn bán trú.

Huyền Thanh
.
.
.