Lo ngại từ bếp ăn học đường: Đừng giao hết trách nhiệm cho nhà cung ứng

Thứ Sáu, 19/10/2018, 08:35
Ruốc gà nhiễm độc tố tụ cầu vàng ở Ninh Bình; thịt ôi ở Hà Giang hay gạo mốc ở Bà Rịa – Vũng Tầu là những “bê bối” xuất hiện ở bữa ăn học đường trong nửa tháng qua. Năm học mới bắt đầu nhưng vấn đề ATVSTP tại bếp ăn học đường lại trở nên nóng hơn bao giờ hết khi có hàng trăm học sinh bị ngộ độc thực phẩm.

Năm học trước, việc khay cơm có giòi ở một trường tiểu học của Hà Nội đã gây “sốc” trong dư luận. Quản lý VSATTP tại các bếp ăn học đường ở Hà Nội như thế nào khi mỗi ngày có hơn 800.000 suất ăn bán trú.

Nguy cơ trà trộn nguồn gốc thực phẩm

Sau vụ khay cơm có giòi xuất hiện ở một trường tiểu học của Hà Nội vào năm ngoái, rồi liên tiếp 3 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng từ bếp ăn học đường làm hàng trăm học sinh phải nhập viện trong nửa tháng qua đã gây hoang mang cho phụ huynh học sinh.

Vi khuẩn tụ cầu vàng trong ruốc gà ở trường Tiểu học Ninh Bình là “thủ phạm” để 352 học sinh phải nhập viện có thể có trong thịt gà sống và quá trình nấu nướng không loại bỏ được độc tố, hoặc thực phẩm bị ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh. Những năm trước, việc trà trộn rau thường biến thành rau sạch đưa vào bếp ăn học đường đã dấy lên lo ngại. Nguồn gốc thực phẩm, bảo quản thực phẩm là vô cùng quan trọng, bởi nhà trường, cơ quan giám sát chỉ cần lơ là, ngộ độc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đảm bảo an toàn thực phẩm của bữa ăn bán trú nhằm cao sức khỏe cho học sinh.

Sáng 18-10, chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Nghĩa Tân, quận Cầy Giấy, Hà Nội), đây là ngôi trường đầu tiên của Hà Nội thí điểm trồng rau sạch trên cao. Bắt đầu từ năm học 2015-2016, nhà trường khởi động 500m2 sân của tầng 3 để trồng rau sạch, mỗi tuần 1.250 học sinh của trường được ăn 2 bữa rau trồng từ vườn trường. Theo bà Doãn Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng nhà trường thì không chỉ trồng rau sạch cho các con ăn, mà mô hình này còn giúp việc dạy học cho các con như các con được thực hành từ quá trình gieo trồng, quan sát rau sinh trưởng đến thu hoạch.

Trường Mầm non Hoa Hồng ký hợp đồng với Công ty TNHH Sunfood Tây Đô cung ứng toàn bộ thực phẩm. Trước thắc mắc của chúng tôi về nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn học đường, cũng như không thể đặt hết niềm tin và giao phó cho công ty cung ứng, bà Phương nói, tuy Tây Đô là công ty có uy tín, nhưng không vì thế mà nhà trường giao phó trách nhiệm cho đơn vị cung ứng, mà có kênh riêng để kiểm tra.

“Kiểm tra rau chúng tôi phải đi từ đêm hôm trước, có khi 1-2h sáng đi kiểm tra khâu sơ chế xem có đảm bảo sạch hay không, rau có đúng nguồn gốc trồng ở đó hay không” – bà Phương cho biết.

Bếp ăn bán trưa của Trường mầm non Hoa Hồng

Ngoài ra, 7h15 hằng ngày, Ban giám hiệu cùng với giáo viên và phụ huynh của lớp được phân công trực kiểm tra, giám sát việc giao nhận thực phẩm xem có đủ định lượng, có tươi ngon không. Theo bà Phương thì 30 năm nay trường mầm non Hoa Hồng chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, qua kiểm tra cũng chưa phát hiện đơn vị cung ứng có vi phạm.

Với các cơ sở công lập, điều kiện để đảm bảo VSATTP được chú trọng và chuyển biến rất nhiều. Nhưng tồn tại lớn nhất là các cơ sở ngoài công lập, đặc biệt là nhóm lớp ở các khu dân cư. Nguy cơ sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc vào chế biến là rất lớn. Theo bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) quận Cầu Giấy thì Cầu Giấy là địa bàn có đông trường mầm non tư thục, nhóm lớp mầm non. Kiểm tra VSATTP của các nhóm lớp này đã phân cấp cho UBND phường, đồng thời phân công cho trường mầm non công lập phối hợp tăng cường kiểm tra.

Tăng cường kiểm tra tận gốc

Sau vụ khay cơm có giòi, đơn vị cung ứng đã phải nhận lỗi rằng do 2 khay cơm bị “kẹp díp” quên không rửa, để từ thứ 6 đến thứ 2 tuần sau. Còn vụ ruốc nhiễm độc tố tụ cầu vàng, đơn vị cung ứng thực phẩm cho Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) phải đóng cửa. Nếu giao phó hết cho đơn vị cung ứng thì chưa biết chừng ngộ độc hàng loạt sẽ xảy ra.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2017-2018 có 97% số bếp ăn tập thể trường học đã ký cam kết an toàn thực phẩm và cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định. TP Hà Nội có 1.685 trường có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, trong đó có  1.530 trường mầm non và tiểu học.

Hằng ngày, nhà trường phục vụ trung bình cho gần 800.000 học sinh ăn bán trú với số lượng từ 1-4 bữa/ngày. Năm học vừa qua Hà Nội không xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.  Thành phố cũng tổ chức hơn 600 đoàn kiểm tra liên ngành các cấp về VSATTP tại bếp ăn bán trú trường học, nhưng chỉ có 93% số trường thực hiện kiểm thực 3 bước hằng ngày và lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Nhiều trường học ở Hà Nội hiện ký kết với đơn vị cung ứng thực phẩm, nhưng nếu chỉ tin tưởng vào hồ sơ ký kết thì chuyện bỏ lọt thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn” vào bữa ăn của các con là rất dễ xảy ra.

Theo bà Nguyễn Thanh Tịnh thì trách nhiệm trước hết là nhà trường phải kiểm tra nguồn gốc thực phẩm như công ty cung ứng nói rau, thịt lấy ở đó thì trường phải đến tận nơi kiểm tra xem có đúng sản xuất ở đó hay không. Mỗi ngày Cầu Giấy có trên 60.000 suất ăn bán trú, 100% số trường đều ký hợp đồng với công ty cung ứng thực phẩm.

Vườn rau sạch trên cao của Trường mầm non Hoa Hồng

“Ngoài kiểm tra hồ sơ pháp lý của các công ty này, quận Cầu Giấy còn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các bếp ăn trường học cả về định lượng, chất lượng, VSATTP bữa ăn của học sinh. Ngoài ra quận thành lập đoàn giám sát, qua hồ sơ của các nhà cung ứng thực phẩm, đoàn tổ chức mỗi năm từ 2-3 lần kiểm tra tận nơi sản xuất mà công ty cung cấp. Đoàn giám sát kiểm tra đột xuất tận gốc, qua đó chưa phát hiện đơn vị nào có vi phạm. Với số lượng học sinh bán trú lớn như ở Cầu Giấy thì vấn đề VSATTP bữa ăn học đường được quận rất chú trọng, cứ đến 9h tối mà chúng tôi không nhận được cuộc gọi của trường nào báo có sự cố thì lúc đó mới yên tâm” – bà Tịnh cho biết.

Không ai mong muốn ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn học đường, nhưng không được chủ quan hay vì “lợi ích nhóm” mà coi thường công tác kiểm tra, giám sát. Nếu trong một năm học chỉ kiểm tra nguồn gốc thực phẩm từ giấy tờ mà đơn vụ cung ứng cung cấp 1-2 lần thì còn quá ít. Nhiều trường đã mời phụ huynh tham gia vào khâu kiểm tra, giám sát, tuy nhiên cần phải tăng cường hơn nữa không chỉ kiểm tra về an toàn thực phẩm mà còn về thực đơn, định lượng bữa ăn của các con.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.