Nông dân điêu đứng vì phải bán rau sạch với giá rẻ
- Làng rau má Phước Yên thoát nghèo
- Làng rau Bình Định chú trọng sản xuất rau VietGAP
- Kiểm soát chặt rau củ đạt VietGap khi vào siêu thị
Huyện Quảng Điền có trên 200ha canh tác rau các loại tập trung ở phía hạ lưu sông Bồ. Từ năm 2009, Phòng NN&PTNT huyện này đã triển khai thực hiện dự án ứng dụng sản phẩm công nghệ sinh học để sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, với 6 loại rau, gồm: cải xanh, cải cúc, xà lách, rau thơm, rau má, mướp đắng và được người dân hưởng ứng thực hiện. Nhiều nhất là xã Quảng Thọ, có gần 300 hộ dân, thuộc HTX Quảng Thọ 2 cùng tham gia trồng rau má sạch trên diện tích 40ha.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX Quảng Thọ 2 thì hiện HTX đang gặp khó do rau sạch trồng ra thiếu thị trường bao tiêu. “Sau một thời gian ứng dụng các quy trình trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP thì đến nay, bình quân mỗi năm HTX thu hoạch 2.500 tấn. Dù số lượng rau má được sản xuất ra là rất lớn nhưng chỉ bao tiêu được 20% sản lượng, số còn lại thì HTX phải tìm cách bán ở các chợ đầu mối, siêu thị với giá rẻ”, ông Trí cho biết.
Rau má được trồng theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Quảng Thọ thiếu đầu ra khiến nông dân gặp khó. |
Theo nhiều nông dân trồng rau má sạch ở Quảng Thọ, có thời gian rau sạch bị thương lái ép giá, khiến mức giá bán ra rẻ như cho không. Thế nhưng nhiều nông dân vẫn quyết tâm duy trì nghề trồng rau má để mưu sinh.
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, bày tỏ nguyên nhân: “Do trồng lúa không đạt hiệu quả nên nhiều năm qua, người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi mô hình lúa nước sang trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được khẳng định thương hiệu. Có thời điểm, 1ha rau má thu được từ 180 đến 200 triệu đồng/năm, nhưng cũng có lúc rau bán không ai mua. Vì thế, để gỡ khó cho bà con nông dân, hiện địa phương đang chú tâm đầu tư các dây chuyền công nghệ để sản xuất trà rau má sấy khô, trà rau má túi lọc và liên kết các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho người nông dân”.
Tương tự, tại xã Quảng Thành (Quảng Điền) có trên 200 hộ dân tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP và thu hoạch bán ra cũng ế ẩm không kém.
Ông Hoàng Bình (62 tuổi, ở thôn Thành Trung, xã Quảng Thành) cho hay, được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn trồng rau theo quy trình rau sạch như không phun thuốc trừ sâu, sử dụng ít phân hóa học... nên gia đình ông bỏ công sức, tiền của để trồng 0,5ha các loại rau sạch. Thế nhưng gần đây, vợ chồng ông phải đưa rau sạch ra chợ bán ngang giá với rau bẩn.
Ngoài 2 địa phương Quảng Thọ và Quảng Thành, hiện có rất nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGap trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được người nông dân bỏ tiền túi đầu tư với kinh phí lớn, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng bởi đầu ra không ổn định, không thu được vốn để tái đầu tư sản xuất...
Nói về vấn đề này, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, việc người nông dân các địa phương sản xuất rau sạch theo quy trình VietGap gặp khó là do mô hình sản xuất quá nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sản phẩm chưa đa đạng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Để giải quyết bài toán này, trước hết các địa phương và HTX cần tạo sự liên kết với doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung để xây dựng thương hiệu sản phẩm, có như thế mới giúp nông sản sạch của bà con nông dân có chỗ đứng và ổn định đầu ra”, ông Vang nêu giải pháp.