Nỗi đau chồng chất ở làng cá bè La Ngà
Chỉ sau một đêm hạ tuần tháng 5-2019, bao nhiêu mồ hôi, công sức và tài sản của người dân làng bè La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) trôi theo dòng nước. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, gần 1.000 tấn cá chết trắng mặt sông, cuốn theo bao nhiêu dự định mà hàng trăm hộ dân làng bè ấp ủ...
- Phó Thủ tướng yêu cầu xác định nguyên nhân cá chết trên sông La Ngà
- Hé lộ nguyên nhân gần 1 nghìn tấn cá chết trên sông Là Ngà
- Ngư dân Đà Nẵng điêu đứng vì hơn 60 tấn cá lồng bè chết chưa rõ nguyên nhân
Không đất, không nhà, những người dân tứ xứ đến sông La Ngà dựng bè nuôi cá. Với họ bè không chỉ là chỗ kiếm sống mà còn là nơi trú thân. Trở về từ Campuchia, chị Phượng cùng chồng dẫn theo 4 đứa con nhỏ tìm đến vùng sông La Ngà. Không tiền mua đất cất nhà, học theo nhiều người, hai vợ chồng vay mượn người thân một số tiền đủ để làm cái bè nuôi cá, dựng cái nhà trên bè làm chỗ an cư. Gọi là nhà nhưng thật ra chỉ là cái chòi tạm, với 4 cái vách tole che chắn, diện tích sinh hoạt dành cho 6 người rộng chưa đầy 20m2.
Cá chết, nhiều hộ gia đình không chỉ trắng tay mà còn ôm món nợ hàng trăm triệu đồng. |
Trong nhà chẳng có gì ngoài vài ba chiếc nồi để nấu ăn. Với hai vợ chồng chị Phượng, thứ quý nhất là những tấm giấy khen của các con được treo trang trọng trên vách. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước, nguồn sống duy nhất là những đồng tiền lời thu nhập sau những lần bán cá. Với mong ước các con được ăn học cho biết cái chữ với người ta, nên bữa ăn của gia đình chị cũng phải dè sẻn.
Đứa con gái lớn của chị dù đã 11 tuổi nhưng mới học lớp 3 vì không có tiền nên phải học trễ hơn các bạn đồng trang lứa. Đứa con út mới chập chững biết đi. Niềm an ủi lớn nhất của vợ chồng chị là các con ngoan, chịu khó học hành. Lần cá chết năm ngoái chị Phượng vớt lại được khoảng 300 con. Những tưởng sau khi bán cá sẽ có tiền lo cho năm học mới của con, nhưng ước muốn đó chưa kịp thực hiện thì thảm họa lại đến, cá chết lần 2 khiến gia đình chị trắng tay.
Giờ trong ngôi nhà nhỏ ấy phải dành chỗ cho những bó lục bình mà chị Phượng mang về. Đan được 1 cái giỏ lục bình, chị được trả 20 ngàn đồng tiền công, những ngày cố gắng lắm chị mới đan được 2 giỏ. Số tiền ít ỏi kiếm được từ việc đan giỏ chỉ đủ tiền chạy ăn từng bữa. Chồng chị Phượng cũng đang theo bạn đi kiếm việc mà chưa được. “Giờ chỉ cố được bữa nào hay bữa đó chứ biết sao”, chị Phượng rưng rưng nước mắt.
Anh Minh treo biển bán bè. |
Có khá nhiều gia đình lâm vào tình cảnh như gia đình chị Phượng sau thảm họa cá chết. Những bè cá trống trơn lắc lư theo con sóng như số phận của hơn 200 hộ dân nuôi cá bè trên sông La Ngà. Cuộc sống của họ chông chênh, nay được mai mất. Sự bấp bênh cuộc sống khiến con đường học chữ của hàng trăm đứa trẻ làng bè cũng trở nên nhọc nhằn.
Cái ngày quyết định lên bè sinh sống, anh Dương Văn Sực chỉ ước mơ có đủ tiền mua khoảnh đất nhỏ xây nhà, lo cho con ăn học nhưng giờ ước mơ sẽ mãi là mơ ước. Quê anh Sực ở An Giang, ngày quyết định bỏ quê lên La Ngà, số vốn 200 triệu không đủ mua một khoảnh đất để xây nhà. Cực chẳng đã, anh xuống bè sinh sống, vừa có nơi để ở vừa có việc để sống.
Tách biệt với đất liền, muốn đưa con đi học cũng phải đi bằng thuyền qua con sông lớn, lúc đứng gió còn đỡ mỗi khi gió thổi ngược thuyền chạy chậm phải mất nửa giờ mới vào đến bờ. Sau 4 năm làm lụng vất vả tích cóp vốn liếng, anh Sực nuôi được gần 20 tấn cá với hy vọng số tiền lời khi xuất bán sẽ thực hiện ước mơ cho con lên bờ đi học. Nhưng ước mơ không thể thành hiện thực mà giờ anh Sực còn lâm nợ.
Chiếc bình ắc quy lớn để chắn ngay lối ra vào bè, khi tôi thắc mắc, anh Sực giải thích “Đó là bình ắc quy để đốt đèn mỗi tối chứ ở trên sông làm gì có điện, đến nước sinh hoạt cũng phải lên bờ mua”, Gia đình 4 người của anh Sực thu mình trên chiếc bè nhỏ, đứa con gái lớn của anh mới học lớp 5, còn đứa con trai út của anh đã 9 tuổi nhưng nhìn như một đứa trẻ lên 5.
Dương Quốc Thuận - tên đứa bé, không thể nói rõ và lanh lợi như những đứa trẻ khác do bị biến chứng vì nhiễm trùng máu. Năm nay, con lớn của anh Sực vào lớp 6, vợ chồng anh dự định mua cho con bộ quần áo mới, đôi dép mới. Nghĩ đến cảnh con gái vui mừng khi có được quần áo mới đến trường, anh cố gắng chăm đàn cá. Nhưng dòng nước đen trên sông La Ngà đã nhấn chìm mọi nỗ lực của vợ chồng anh.
Sẽ có bao nhiêu đứa trẻ còn tiếp tục được đến trường sau mùa cá chết? Trong tiếng nấc nghẹn ngào “Con muốn nghỉ học ở nhà phụ ba, cá chết hết rồi ba làm gì còn tiền cho con đi học”, con trai anh Thái, một hộ dân làng bè bật khóc.
Cha con anh Sực trên lồng bè trống không. |
"Nhân họa" chứ đừng đổ cho thiên tai
Một năm ba lần cá chết, hơn 3.000 tấn cá sắp xuất bán bỗng trở thành cá ươn. Chị Hường, một hộ nuôi cá bè ở đây nhẩm tính trong nước mắt “6 vèo cá, chừng tháng nữa cũng thu về gần 4 tỷ, giờ bán cá chết số tiền thu về không đủ tiền cá giống”. Nếu tính bình quân 80 ngàn đồng/kg, thì hơn 3.000 tấn cá chết trong 3 đợt đã khiến người dân làng bè mất hơn 240 tỷ đồng. Số tiền đó hầu như là tiền vay mượn mua giống, tiền gối đầu mua thức ăn, tiền lãi…và hơn nữa là tiền mồ hôi lao động của gần 250 hộ dân chọn nghề nuôi cá kiếm cơm.
Lúc cá chết, lòng sông thu hẹp, hai bên bờ xác cá chết chất đầy, bốc mùi hôi thối. Lên thuyền theo chân một người dân làng bè, tôi tìm đến bè của anh Minh, một người dân có thâm niên nuôi cá lồng trên sông La Ngà hơn 10 năm. Giữa cái nắng cháy da thịt, anh Minh cặm cụi thu gom số cá chết còn sót lại trong bè, phải một hồi lâu anh mới biết nhà có khách. Ngồi tiếp khách, nhưng mẳt anh vẫn hướng về bè cá giờ trống rỗng. Lúc thảm họa tràn về, dòng nước đen nhanh chóng lan đầy các bè cá, cá chết nhanh đến mức không ai kịp trở tay.
Hai lần cá chết, anh Minh mất 16 tấn cá, giờ "tài sản" của anh là khoản nợ 500 triệu đồng tiền mua cá giống, mua thức ăn cho cá mà anh không biết lấy gì để trả. Hướng ra của gia đình anh Minh là cái bảng bán bè anh vừa viết vội. “Bán bè trả được phần nào hay phần ấy, hết dám nuôi cá, mà có nuôi cũng không ai dám đưa thức ăn cho nuôi, đưa rồi lấy gì trả”, anh Minh tuyệt vọng.
Bán bè là giải pháp cuối cùng, lúc mua bè gần 30 triệu, giờ bán nửa tiền mà chưa thấy người nào hỏi. “Bán bè là hết cách rồi, tương lai cũng chẳng biết về đâu nữa”, vừa nói anh Minh vừa đưa tay lau giọt nước đọng quanh khóe mắt.
Nước mắt của người nuôi cá bè. |
Cách lồng bè anh Minh không xa là lồng bè của vợ chồng chị Hường, người đã nhiều năm cố bấu víu lấy nghề nuôi cá bè với hy vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn. Trớ trêu thay, bao nhiêu tiền đổ hết vào bè cá chưa kịp thu về thì đã mất hết “Giờ sống không bằng chết, chúng tôi không biết phải làm gì chắc phải bỏ bè đi nơi khác kiếm tiền trả nợ”, chị Hường nghẹn ngào. Năm ngoái chị Hường nuôi hơn 20 tấn cá, nhưng sắp đến ngày xuất bán bỗng chết gần hết.
Số tiền hỗ trợ nhận được chỉ 109 triệu đồng “rõ ràng ô nhiễm làm cá chết mà cứ bảo thiên tai, uất ức lắm nhưng không nói được” anh Thái chồng chị Hường bức xúc. Cá chết thiệt hại 3-4 tỷ đồng, bao nhiêu vốn liến tích góp mấy chục năm mất hết, họ trắng tay. Gần đó anh Nguyễn Văn Trí, người đã có thâm niên 20 năm nuôi cá bè trên sông ngồi ủ rủ. Theo anh Trí, 20 năm nuôi cá bè chưa bao giờ xảy ra tình trạng cá chết như 2 năm trở lại đây khi chỉ cần mưa xuống là nước sông trở nên đen ngòm. Mỗi lần phải lội xuống nước, vị chua của nước sông La Ngà khiến anh không tài nào chịu nổi.
“Mong sao sẽ có những người tâm huyết, cảm thông được với người dân nghèo mà điều tra làm rõ nguyên nhân, giúp người dân vượt qua cơn khốn khó này. Không thể vì cái lợi của họ, gây ô nhiễm nguồn nước làm thiệt hại, đẩy người dân nghèo vào thảm cảnh khóc dở mếu dở”, anh Trí bộc bạch.
Cuộc sống trên sông nước vốn đã khó khăn, nay chồng chất khó khăn, thảm họa cá chết đẩy nhiều gia đình vào ngõ cụt, nhiều đứa trẻ phải đứng trước nguy cơ nghỉ học vì cá chế hàng loạt. trở lại làng bè những ngày này, dập dềnh trên mặt nước là những chiếc bè xiêu vẹo, không ít người bỏ mặc bè trôi. Khung cảnh đìu hiu của làng bè sau 3 đợt cá chết là một minh chứng cho sự kiệt quệ của người dân cả về tinh thần lẫn vật chất. Bao nhiêu người sẽ vượt qua được khó khăn để ổn định cuộc sống, để cho những đứa trẻ được tiếp tục đến trường?