Đường ống nước Sông Đà: Nhiều sai phạm nhưng vẫn được nghiệm thu

Thứ Hai, 14/09/2015, 08:07
Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án hình sự liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước sông Đà (dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) cho đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 9 bị can về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Theo thông tin Báo CAND nắm được, tại dự án này đã xảy ra nhiều sai phạm, từ thiết kế, thi công cho đến giám sát…

Được biết, dự án cấp nước sông Đà-Hà Nội do Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư được duyệt là hơn 1.500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất và cung ứng đường ống cho dự án. Dự án này được khởi công tháng 4/2004 đến tháng 5/2008 hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng liên tục xảy ra sự cố vỡ đường ống.
Công nhân khắc phục và kiểm tra đường ống bị vỡ.

Tính đến nay, dự án 13 lần vỡ đường ống. Tại thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can, cơ quan Công an xác định đường ống dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội đã 10 lần bị vỡ, với khoảng thời gian ngừng không hoạt động được là 278 giờ, tương đương 1,2 triệu m³ nước ảnh hưởng sinh hoạt của hơn 70 ngàn hộ dân một số quận, huyện ở Hà Nội. Tổng số tiền để khắc phục hậu quả những lần xảy ra sự cố là hơn 9,3 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức lấy mẫu tại 15 điểm đưa đi giám định, kết quả cho thấy chất lượng đường ống không đồng đều, không chịu được áp suất theo tiêu chuẩn như đã đăng ký.

Trong phương án thiết kế ban đầu trình lên để cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt, đường ống nước sông Đà đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng Vinaconex đã quyết định chỉ định thầu và giao việc cho công ty con là Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex mua dây chuyền từ nước ngoài tự sản xuất ra đường ống cốt sợi thủy tinh để lắp đặt cho dự án.

Kết quả giám định tư pháp về hệ thống đường ống dẫn nước cũng thể hiện rõ, trong quá trình thiết kế đường ống cho nhà sản xuất, nhà thầu không thực hiện việc tính toán kiểm tra độ bền và biến dạng của ống trong trường hợp ống nằm trong đất. Chưa hết, theo thiết kế độ dày thành ống các loại là 33,85mm nhưng kết quả giám định tại khu vực vỡ đường ống (lần thứ 10), ống các loại chỉ có độ dày từ 24,1 đến 25,8mm, chênh lệch độ dày thấp hơn từ 4 mm đến 7mm…

Theo tài liệu Báo CAND có được cũng thể hiện, do việc dẫn nước sạch từ Hòa Bình về Hà Nội trong quảng đường dài có độ dốc cao nên trong phương án thiết kế cơ sở, chủ đầu tư đã trình việc xây lắp 2 hồ điều hòa để giảm áp lực nước nhưng trên thực tế, không rõ vô tình hay cố ý mà chủ đầu tư đã quên xây lắp cả 2 hồ điều hòa này?

Trong 9 đối tượng bị khởi tố, cơ quan tố tụng chỉ rõ trách nhiệm của từng bị can. Công tác tại Ban Quản lý dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội và Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex có trách nhiệm chính khi là những người trực tiếp quyết định các vấn đề kỹ thuật liên quan gây ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.

Đáng chú ý, mặc dù các công đoạn thiết kế, thi công có sai phạm như kết luận giám định tư pháp nêu nhưng tại biên bản nghiệm thu hoàn thành dự án của 20 đơn vị có chức năng đã ký xác nhận vào ngày 31/3/2009 đều khẳng định dự án đã đảm bảo đúng, đầy đủ các yêu cầu, điều kiện về thiết kế thi công cũng như tuân thủ các quy định của Nhà nước. 

Theo chúng tôi nguyên nhân chính dẫn đến 13 lần vỡ đường ống dẫn nước sông Đà - Hà Nội là sai phạm từ nhiều khâu tư vấn thiết kế đường ống cho nhà sản xuất, nhà thầu không thực hiện kiểm tra độ bền và biến dạng của ống trong trường hợp ống nằm trong lòng đất, dẫn đến sản xuất chất lượng đường ống không đồng đều,... nhưng vẫn được nghiệm thu hoàn thành dự án hệ thống cấp nước chuỗi Đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Để không xảy ra vỡ đường ống dẫn nước sông Đà - Hà Nội cần phải thay đường ống mới bằng gang dẻo hoặc ống thép, đồng thời phải có hồ điều hòa giảm áp, cùng 2 đường ống dẫn nước nêu trên đi song song đề phòng sự cố cũng như khi sửa chữa định kỳ không ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho hàng vạn hộ dân tại một số quận, huyện ở Hà Nội.

Đào Minh Khoa
.
.
.