Nhiều điểm thu mua phế liệu đang giống "bom nổ chậm" trong khu dân cư

Thứ Ba, 22/03/2016, 15:22
Vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội vừa xảy ra đã gióng lên lời cảnh báo sâu sắc về lỗ hổng trong công tác quản lý các điểm thu mua phế liệu hiện nay. 


Không được cấp phép, cơ sở tập kết tạm bợ, cưa cắt thủ công, phế liệu chất đống trong điều kiện chật chội… nhiều điểm thu mua phế liệu đang giống như “quả bom” nổ chậm trong khu dân cư. Sau vụ nổ kinh hoàng ở Văn Phú, người ta mới giật mình rà soát lại quy trình quản lý các điểm thu mua phế liệu này và thấy rằng, lỗ hổng còn quá lớn.

Kinh doanh phế liệu không bị quản lý

Chúng tôi tìm đến ngõ 34 phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Đi sâu vào trong ngõ, nằm bên tay trái là một dãy nhà tạm với các loại phế liệu chất đống từ trong nhà ra đường đi. Mùi bốc lên từ các loại phế liệu cộng với thời tiết ẩm ướt làm cho khu vực này thật khó chịu. Người ta ngồi trên đống phế liệu đã thu mua được để phân loại. Cảnh nhếch nhác, chật chội với toàn những vật liệu dễ cháy khiến người chứng kiến không khỏi lo ngại.

Khu vực này vốn được người Hà Nội coi là “lãnh địa” của những người buôn bán, thu gom phế liệu ở khu vực nội thành đã chục năm nay. Họ dựng lên những ngôi nhà tạm bợ bằng đủ thứ gỗ ván mà họ có được. Họ cũng có thể thu mua bất cứ loại phế liệu gì mà người dân bán ra, sau đó mới đưa về phân loại. Phần đông cư dân sống trong khu nhà tạm đều là người ngoại tỉnh đến thuê đất làm nơi tập kết phế liệu và sống luôn ở đó.

Ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Cầu cho biết, tất cả các hộ thu mua phế liệu ở đây đều không có đăng ký kinh doanh, họ thuê lại đất của 7 hộ dân đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. 

Ông Cừ cũng cho biết, sau khi xảy ra vụ nổ tại quận Hà Đông, phường đã chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát lại các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn để có biện pháp quản lý, tránh hậu quả xấu. 

Hầu hết các cơ sở thu mua phế liệu không có đăng ký kinh doanh.

Cũng giống như ở Hoàng Cầu, phần lớn các cơ sở kinh doanh phế liệu đều không đăng ký kinh doanh. Bởi thế, họ không chịu quản lý của Nhà nước về công việc mình đang làm. Họ có thể hồn nhiên đưa về những thứ phế liệu nguy hiểm cho tính mạng của mình và cả cộng đồng và tự ý sử dụng chúng theo cách của mình. Không ai dám chắc trong đống phế liệu, sắt thép hoen gỉ kia có cả đầu đạn, có thuốc nổ hay bất kỳ thứ gì gây hại.

Các cơ sở tập kết phế liệu thường nằm lẫn trong các khu dân cư, cơ sở lớn được người kinh doanh chọn điểm ở ngoại thành, nơi có đất rộng để chứa phế liệu. Cứ chiều chiều, người thu mua phế liệu rong lại chở xe máy hoặc xe đạp từng tải vật liệu mà họ gom được trong ngày. Những chiếc quạt cũ, có khi là máy tính cũ, mẩu sắt thép… đều được cân ngay tại chỗ. Dọc quốc lộ 5, địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng là một trong những điểm tập kết phế liệu lớn. Hay như ở tỉnh Vĩnh Phúc có cả làng thu gom phế liệu các loại, thậm chí là có cả phế liệu nhập khẩu như máy bay, ôtô…

Mặc dù nghề kinh doanh phế liệu rất sôi động và đa dạng chủng loại, thế nhưng kinh doanh phế liệu hiện đa số là của tư nhân và kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ có một số rất ít cơ sở là công ty lớn có đăng ký kinh doanh, không có sự quản lý của cơ quan chức năng. Quá trình hoạt động của họ an toàn ở mức độ nào hoàn toàn do ý thức của người kinh doanh.

Không thể đưa thành nghề kinh doanh có điều kiện

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an cho biết: Phế liệu là mặt hàng thông thường và việc quản lý các điểm kinh doanh phế liệu hiện nay chỉ đảm bảo yếu tố môi trường, lực lượng công an chưa quản lý loại hình kinh doanh này. Nhưng thực tế người dân lại kinh doanh tràn lan trong khi ngành môi trường chưa quản lý được hết.

Vụ nổ kinh hoàng tại Văn Phú, quận Hà Đông là lời cảnh báo để cơ quan chức năng nhìn lại công tác quản lý. Nhìn ngược lại, không phải chúng ta không tuyên truyền về vấn đề này. 

Tại Điều 5, Pháp lệnh 16 ngày 30-6-2011 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã quy định rõ việc cấm kinh doanh vũ khí, bom mìn. Khoản 4, Điều 10, Nghị định 67 cũng quy định mức phạt từ 5 – 10 triệu đồng về hành vi mua phế liệu, phế phẩm là vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc cưa, tháo bom mìn trái phép. 

Theo Đại tá Vũ Minh Hùng, hành vi của ông Phạm Văn Cường để xảy ra vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông đã vi phạm điều này. Dù ông Cường không biết hoặc biết thì cũng đều là vi phạm pháp luật.

Đại tá Vũ Minh Hùng cho biết, ngay sau khi vụ nổ ở Văn Phú xảy ra, C64 đã báo cáo Tổng cục Cảnh sát có văn bản gửi Công an các địa phương tiếp tục tuyên truyền về vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn và rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh phế liệu để tuyên truyền cho người kinh doanh hiểu mức độ nguy hiểm để phòng tránh. Khi người dân thu mua phát hiện có bom mìn phải báo với cơ quan Công an, Quân đội để thu hồi; qua rà soát, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Công tác quản lý nghề kinh doanh phế liệu còn bất cập và sơ hở, do vậy quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân. 

Đặt vấn đề có nên đưa kinh doanh phế liệu vào quản lý theo danh mục ngành nghề có điều kiện hay không, Đại tá Hùng cho rằng, kinh doanh phế liệu là một ngành nghề kinh doanh bình thường nên không đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện bởi đã có quy định cấm kinh doanh và cưa cắt bom mìn.     

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục C64: 
Hiện nay lượng bom mìn còn sót lại theo thống kê khoảng 15 triệu tấn và dự kiến phải mất 200 năm nữa mới rà phá hết được. Từ đầu năm 2012, Bộ Công an đã có kế hoạch tổng kiểm tra thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và kiểm tra các điểm thu mua phế liệu. Cục C64 cũng có nhiều văn bản gửi đến Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ. Kết quả vận động nhân dân thu nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong 4 năm, từ năm 2012 – 2015 trên toàn quốc được: 52.517 khẩu súng các loại (chủ yếu là súng tự chế, súng săn); 2.574 quả bom; 2.864 quả lựu đạn, mìn;  6.471 quả đạn, đầu đạn; 135.359 viên đạn các loại, 12.743kg thuốc nổ, 60.217 kíp nổ; 28.559m dây cháy chậm; 6.023 công cụ hỗ trợ; 39.175 vũ khí thô sơ.
Trần Hằng – Việt Hà
.
.
.