Hệ lụy từ tình trạng cá chết ở vùng biển miền Trung

Thứ Ba, 26/04/2016, 08:49
Những ngày này, chúng tôi về cảng cá ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và chứng kiến cảnh đìu hiu chưa từng có ở cảng cá này.

Đứng bên con tài cá số hiệu TTH-90028, có công suất 300CV, ngư dân Hà Văn Diệp (ở thôn Tâm Bình, Thuận An) nét mắt lo âu và không giấu được nỗi buồn bởi tàu vừa cập cảng, nhưng việc bán hải sản quá ế ẩm.

Ông Diệp cho biết, tàu cá của gia đình có 5 thuyền viên, bình quân mỗi chuyến ra khơi kéo dài 3 ngày 3 đêm và đánh bắt được hơn 1 tấn tôm, cá, mực các loại, trừ chi phí xăng dầu, lãi khoảng 20 triệu đồng. 

“Thế nhưng hơn 1 tuần qua, trước hiện tượng cá biển chết bất thường dạt vào bờ do bị nhiễm độc nên người tiêu dùng “quay lưng” với cá biển, khiến hải sản đánh bắt vào dù còn tươi rói, nhưng bán không đủ trả tiền xăng dầu. Cá tươi bán không hết, gia đình đành chở đem bán cho các hộ nuôi heo trong thôn với giá rẻ như bèo”, ông Diệp nói.

Nếu trước đây cảng cá Thuận An được ví là một trong những cảng cá sôi động với cảnh mua bán hải sản ngay tại bến cảng khi tàu thuyền cập bờ thì những ngày qua, dọc khu cảng này có rất nhiều tàu thuyền phải neo đậu nằm bờ vì hải sản bán không chạy.

Đang phụ chồng thu gọn lại các vật dụng sau 2 ngày vươn khơi, bà Dương Thị Kho (56 tuổi) rưng rưng nước mắt khi được hỏi về nghề đi biển của gia đình. Tàu cá của bà Kho có 7 thuyền viên vừa cập cảng sáng sớm 25-4, với 7 tấn cá đánh bắt được, trong đó có gần 1 tạ cá liệt, cá phèn, còn phần lớn là các loại cá nhỏ.

“Vì thông tin cá biển nhiễm độc chết dạt bờ mà giờ không gia đình nào muốn mua cá biển về ăn nên 7 tấn cá chỉ bán được 2 tấn; còn lại 5 tấn đem về làm mắm, hoặc cho heo ăn. Cách đây đúng 1 tuần, cá liệt còn được bán với giá 70.000 đồng/kg, cá phèn 40.000 đồng/kg, nhưng nay giá chỉ còn phân nửa mà cũng rất ít người mua. Thậm chí nhiều mối thu mua cá đã nghỉ việc bỏ hải sản cho các chợ đầu mối ở TP Huế, vì ở các chợ này cá biển bán cũng không được”, bà Kho bày tỏ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Cảng cá Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 2.000 tàu cá lớn nhỏ, trong đó có trên 300 tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, dù đã qua mùa trăng nhưng do ảnh hưởng từ vụ việc cá biển chết hàng loạt, người dân lo sợ cá biển nhiễm độc nên không mua về ăn, khiến rất nhiều tàu cá ở các địa phương phải nằm bờ.

Bà Dương Thị Kho cùng các thuyền viên trên tàu TTH-91008 lo lắng khi hải sản bán không ai mua sau chuyến đi biển.

“Trước đây, bình quân mỗi ngày cảng đón nhận khoảng 100-120 tấn hải sản từ các tàu đánh bắt đưa về, nhưng những ngày qua thì con số này giảm rõ rệt. Chúng tôi cũng đã cử cán bộ đến các chợ ở TP Huế để tìm hiểu, qua đó ghi nhận phần lớn các cửa hàng bán cá đều rất ế ẩm, cá tươi bán không ai mua. Vì thế, đơn vị cũng chỉ còn cách động viên các ngư dân cố gắng vươn khơi bám biển trong thời gian tới”, ông Sơn nói.

Không những ảnh hưởng đến hoạt động vươn khơi bám biển của ngư dân mà hiện tượng cá biển chết bất thường dạt vào bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế còn tác động xấu đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch biển.

Tại Huế, mỗi dịp đến hè hoặc các ngày lễ hội như Festival, lễ 30-4 và 1-5 thì các bãi biển như Thuận An (huyện Phú Vang), Lăng Cô (huyện Phú Lộc) luôn tấp nập khách du lịch trong và ngoài nước đổ về. Tuy nhiên những ngày qua, lượng khách đổ về các bãi tắm này giảm đáng kể so với mùa năm trước.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhà hàng Như Ý, ở bãi biển Thuận An cho biết, vào thời điểm gần đến lễ hội Festival mọi năm, các nhà hàng ven biển ở đây đón rất nhiều đoàn khách đến tắm biển và ăn hải sản. Nhưng năm nay thì lượng khách hạn chế hơn bởi thông tin cá biển chết do nhiễm độc trôi dạt vào bờ.

Trước hiện tượng cá biển chết bất thường, đặc biệt vào ngày 23-4, người dân xã Phú Hải (huyện Phú Vang) phát hiện con cá voi dài gần 4m, cân nặng khoảng 100kg chết trôi vào bờ... Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đã ban hành công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã ven biển nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức, khẩn trương tổ chức thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường...

Thông qua Báo CAND, người dân vùng ven biển ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, thành khu vực miền Trung bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân cá biển chết bất thường để công bố rộng rãi cho người dân yên tâm, không hoang mang. Đặc biệt, phải có cách hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường do nhiễm độc, với cá do ngư dân khai thác trên biển để yên tâm mua cá sử dụng trong các bữa ăn hằng ngày; tạo điều kiện cho ngư dân miền Trung vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ ngư trường.

Vài năm mới phục hồi được biển miền Trung

Là một trong những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam cho rằng, ngoài nguyên nhân về ô nhiễm môi trường còn có thể do tác động biến đổi khí hậu. Trên biển, các dòng hải lưu, hải văn rất phức tạp mà con người không nhận biết hết. Sự thay đổi nhiệt độ, gia tăng cường độ sóng... cũng có thể khiến cho cá chết.

"Hiện tượng cá chết hàng loạt rất đáng báo động bởi đây là nguồn lợi của cộng đồng sống ven biển. Dải đất miền Trung rất hẹp, thời tiết cực đoan, sinh kế người dân chủ yếu phụ thuộc vào biển. Cá chết nghĩa là hàng triệu người dân mất đi sinh kế. Đời sống người dân sẽ bị xáo trộn khi không thể sử dụng nguồn hải sản ở khu vực nghi ngờ bị nhiễm độc để làm thức ăn, ngành Du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi du khách sẽ không tới... Hệ sinh thái biển cũng bị huỷ hoại. Cá chết cả ở tầng đáy, nghĩa là rặng san hô, rặng đá – nơi tái tạo tài nguyên biển – cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Thảm họa môi trường này sẽ phải mất nhiều năm mới phục hồi" – GS Huỳnh nói.

Ông Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên – Môi trường) cho biết, biển là không gian liên thông với một hệ thống dòng chảy rất mạnh. Nếu có ô nhiễm môi trường ở khu vực nào đó thì tác động của nó sẽ bị pha loãng theo thời gian. Vì vậy, nếu tìm được nguồn gây ô nhiễm và xử lí tốt thì môi trường biển miền Trung sẽ dần được phục hồi.

Ông Ca nhấn mạnh, động vật chết hàng loạt xảy ra rất thường xuyên trên thế giới. Trên thế giới, từ đầu năm tới nay đã có 73 vụ động vật biển chết hàng loạt, trong đó có trên 30 vụ cá chết hàng loạt. Vụ lớn nhất là 4.000 tấn cá trích dạt vào bờ biển ở Chile. Phần lớn các vụ việc này đều không tìm được ra nguyên nhân.

Khánh Vy

Anh Khoa
.
.
.