Ngành y tế trước thảm họa cá chết ở miền Trung:

Hằng ngày vẫn xét nghiệm mẫu cá để xác định có độc tố hay không

Thứ Tư, 11/05/2016, 09:42
Vụ cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung hơn một tháng qua khiến dư luận hoang mang, lo lắng về chất lượng hải sản, dù Chính phủ và địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực. Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế triển khai các hoạt động chỉ đạo các tỉnh xảy ra sự cố tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy, hải sản, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và sức khỏe cho người dân.

Để giúp bạn đọc rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế)

+ Thưa ông, trước sự quan tâm của dư luận về việc cá chết hàng loạt tại một số tỉnh ven biển miền Trung, ngành Y tế đã làm gì để đảm bảo sức khỏe cho người dân?

TS. Nguyễn Hùng Long: Ngay sau khi có thông tin phản ánh sự cố cá chết bất thường, Bộ Y tế đã nhận định tình hình và chỉ đạo các địa phương phối hợp với các bộ, ngành liên quan lấy mẫu hải sản tại các tỉnh có sự cố để xét nghiệm tìm độc tố. Bộ Y tế cử 4 đoàn công tác về các địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền ATTP, giám sát việc sử dụng thực phẩm và ngăn ngừa việc sử dụng cá chết. 

Ngoài việc khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng cá chết không rõ nguyên nhân để chế biến thực phẩm, đoàn công tác còn chỉ đạo địa phương ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thu gom, thu mua cá chết để kinh doanh làm thực phẩm, đồng thời, tiến hành thu gom và tiêu hủy cá chết, để đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm và bùng phát dịch.

Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia đến các địa phương có cá chết, lấy mẫu các thực phẩm liên quan để kiểm nghiệm, xác định độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế các tỉnh, thành ven biển đều tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn, nước sinh hoạt cung cấp cho người dân; theo dõi kết quả quan trắc về chất lượng nước biển ven bờ để khuyến cáo kịp thời cho hoạt động du lịch, tắm biển ở địa bàn.

TS. Nguyễn Hùng Long.

+ Ông có thể nói rõ hơn về việc xét nghiệm độc tố trong cá chết và cá tươi ở vùng xảy ra thảm họa?

TS. Nguyễn Hùng Long: Những ngày đầu, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia trực tiếp lấy mẫu cá tươi mà ngư dân đánh bắt từ ngoài khơi xa mang về đất liền để xét nghiệm, sau đó đã chuyển giao để địa phương lấy mẫu. Ngoài việc kiểm soát tại nguồn do Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm, hiện, mỗi ngày, các địa phương vẫn lấy các mẫu hải sản đánh bắt ngoài khơi về, mẫu hải sản ở các cảng cá, các chợ đầu mối và cả chợ bán lẻ, 2 lần vào buổi sáng và chiều, rồi gửi ra Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để xét nghiệm xác định độc tố. 

Tính từ ngày 28-4 đến ngày 6-5, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia đã kiểm tra được 139 mẫu, trong đó 97 mẫu cá tươi đánh bắt từ ngoài khơi về, số còn lại là các mẫu nước, mẫu rau và cá chết. Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiến hành xét nghiệm các mẫu cá chết, nhưng chuyển kết quả cho Bộ KH&CN, vì Bộ này là nơi phát ngôn.

+ Kết quả các mẫu kiểm nghiệm cá tươi ra sao thưa ông?

TS. Nguyễn Hùng Long: Kết quả xét nghiệm luôn có ngay trong ngày hôm sau để gửi vào địa phương nhằm kịp thời tuyên truyền cho người dân trong việc sử dụng thực phẩm, đồng thời, kết quả xét nghiệm cũng được báo cáo Chính phủ và Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT. 

Cho đến nay, kết quả kiểm nghiệm toàn bộ các mẫu cá tươi sống đánh bắt ngoài khơi xa, các mẫu rau và nước sử dụng đều cho thấy hàm lượng các chất trong giới hạn cho phép. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vẫn có thể ăn các loại hải sản tươi sống đánh bắt ngoài khơi xa. 

Kết quả xét nghiệm chính là căn cứ để các cơ quan chức năng cho phép tiêu thụ hải sản của ngư dân đánh bắt xa bờ, cũng như tuyên truyền, khuyến cáo bà con tiếp tục ra khơi bám biển đánh bắt cá. Vì vậy, những ngày gần đây, bà con bắt đầu trở lại với biển, an tâm đánh bắt cá và tình hình tiêu thụ cá ở các tỉnh miền Trung đang dần ổn định.

+ Nhiều người vẫn lo lắng về việc sẽ có những người sử dụng cá chết để làm thực phẩm bán ra nơi khác. Ông có thể nói gì về điều này?

TS. Nguyễn Hùng Long: Trực tiếp đến các vùng này, chúng tôi chứng kiến dân ở đây không dám ăn cá chết hoặc chế biến làm sản phẩm gì. Khi xảy ra hiện tượng này, các địa phương đã tổ chức vớt và chôn lấp cá chết, đồng thời tổ chức kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển cá chết ra khỏi địa phương. Ngay cả với cá còn sống ở ven bờ mà đánh bắt được, chính quyền cũng không cho phép ăn. Bởi vậy, tôi cho rằng, không phải lo ngại về việc cá chết vẫn được sử dụng làm thực phẩm. Vả lại, nếu ai đó muốn dùng cá chết để chế biến thực phẩm thì cũng rất khó vì khi cá đã chết, đã ôi thiu rồi thì chỉ có thể tiêu hủy chứ không thể làm gì được.

+ Tuy nhiên, cũng cần có những chế tài cần thiết để đảm bảo không có việc sử dụng cá ven biển trong vùng thảm họa môi trường ở miền Trung, thưa ông?

TS. Nguyễn Hùng Long: Tổ công tác của Bộ Y tế cũng thu thập kết quả kiểm nghiệm mẫu cá chết báo cáo Bộ KH&CN để phục vụ công tác điều tra, tìm nguyên nhân vụ việc. Bên cạnh việc kiểm nghiệm các mẫu hải sản ở các vùng biển cá chết bất thường và tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương giải quyết khủng hoảng môi trường, Cục ATTP vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo đến từng địa phương để mỗi người dân đều ý thức được làm gì để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho người khác trước hiểm họa lớn này. Không ăn cá chết phải là mệnh lệnh. Nhưng không vì cá chết mà chúng ta quay lưng lại với tất cả các loại cá biển đánh bắt ngoài khơi xa.

+ Xin cảm ơn ông!

GS Đặng Hùng Võ: Ban đầu Formosa định xả thải ra sông Quyền

Tại cuộc tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức ngày 10-5, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiết lộ thông tin quan trọng về dự án Formosa. Theo đó, ý định ban đầu của Formosa là xả thải ra sông Quyền, tuy nhiên khi vận hành, nhà máy lại xả thải ra biển.

“Tại sao từ chỗ xả thải ra sông Quyền lại thành xả thải ra biển? Xả thải ra sông hay ra biển đều nghiêm trọng nhưng xả thải ra biển nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu xả thải ra sông, ở phạm vi hẹp hơn, có thể khắc phục sự cố nhanh hơn. Nhưng nếu xả thải ra biển, nó trở thành thảm họa, rất khó khắc phục” – GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Từng là nhà quản lí, GS Đặng Hùng Võ bày tỏ: “Tôi có cảm giác chúng ta vẫn nóng lòng về chuyện phát triển kinh tế nhiều hơn là bảo vệ môi trường. Nhiều người cũng đã thấy được môi trường là vấn đề lớn nhưng thực tế vẫn chưa thể hiện được sự quan tâm đúng mực. Với những vụ việc gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, chúng ta lại cứ coi là việc đã rồi, kể cả vụ Vedan trước đây xả thải ra sông Thị Vải. Do đó, sự việc cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người”. (K. Vy)

Cần bình tĩnh trước hiện tượng cá chết tại 4 tỉnh Bắc Trung Bộ

Mấy ngày qua, mạng xã hội lại tràn ngập thông tin về việc cá chết và biển bị nhiễm độc tại khu vực Bắc miền Trung. Chưa biết nguyên nhân do đâu, cũng chưa biết ảnh hưởng thực tế thế nào, nhưng việc một số trang mạng quá thổi phồng về sự nguy hiểm của tắm biển và ăn hải sản nơi đây làm cho dân chúng không khỏi hoang mang lo lắng. Cùng với đó là những thông tin xấu, bịa đặt, suy diễn trên mạng xã hội, làm cho du khách càng suy nghĩ tiêu cực trong những lựa chọn của mình.

Trong bối cảnh tình trạng cá chết đang gây khó khăn lớn cho du lịch Bắc miền Trung, Tổng cục Du lịch đã yêu cầu cơ quan quản lý du lịch các địa phương này cần chỉ đạo doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cấp dưới theo dõi, kiểm tra sát sao tình hình, khuyến cáo các nhà hàng không sử dụng hải sản không rõ nguồn gốc trong các bữa ăn, khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh các bãi biển, khu du lịch và tập trung xây dựng đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thay thế cho các dịch vụ tạm thời bị hạn chế. (L.Hiệp)

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.