Để phụ nữ Thái Bình sáng tạo, tự tin phát triển kinh tế và khởi nghiệp
Phóng viên: Ngày 11-10 vừa qua, Hội LHPN tỉnh Thái Bình tổ chức ngày “Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2019”, xin bà cho biết nội dung chính của hoạt động này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền: Ngày “Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2019”, gồm 2 nội dung chính. Thứ nhất là tổ chức diễn đàn: Đánh giá kết quả thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" của các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2019". Trong diễn đàn có giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh của phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công. Có 4 đại biểu tham gia giao lưu, trong đó có 3 chị là phụ nữ mới khởi nghiệp, bước đầu đã có kết quả tốt và 1 đại biểu là nữ Doanh nhân - chủ tịch hội Doanh nhân nữ tỉnh là người thành công trong kinh doanh. Phần 2 là tổ chức các gian hàng để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm nông sản, thực phẩm được sản xuất từ các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ, hội viên, phụ nữ, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Bình |
Ngày “Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2019” nhằm mục đích giúp cho phụ nữ nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực và khả năng sáng tạo của phụ nữ, mạnh dạn có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh sáng tạo để khởi nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo cơ hội cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý, tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ.
Các hoạt động diễn ra trong Ngày “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2019” để thu hút được sự quan tâm rộng rãi của phụ nữ và xã hội.
Phóng viên: Được biết, đây là một trong những hoạt động để thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Hội LHPN tỉnh Thái Bình. Trong 2 năm qua, Hội LHPN tỉnh Thái Bình đã thực hiện Đề án này như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền: Nhận thức sâu sắc các mục đích, ý nghĩa, các mục tiêu, nhiệm vụ Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” , trong 2 năm (2017 - 2019), các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực, năng động sáng tạo tổ chức các hoạt động "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp". Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho 100% cán bộ Hội chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế.
Tiến hành rà soát, khảo sát phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, để nắm bắt số lượng phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế, từ đó có các giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Tổ chức tập huấn hướng dẫn xây dựng kế hoạch, ý tưởng kinh doanh, kế hoạch maketting, kế hoạch quản lý tài chính và quản lý nhân sự cho gần 200 chị là thành viên Ban Quản lý Hợp tác xã, tổ hợp tác và chị em hội viên phụ nữ có nhu cầu, mong muốn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Phối hợp với các Công ty và các trường đại học tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh công nghệ số, kỹ năng mềm, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh; kiến thức “Giới và kinh doanh”, kiến thức, kỹ năng quản lý chợ, kinh doanh hộ gia đình tại khu vực nông thôn gần 500 chị cán bộ, hội viên, phụ nữ. Phối hợp triển khai chương trình "Chị Nest" giúp 331 chị cán bộ, hội viên tại 56 xã về vốn, kỹ năng bán hàng.
Thành lập nhóm "Phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp” tại tỉnh thu hút 25 phụ nữ khuyết tật tự lực có nhu cầu và mong muốn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp tham gia. Định kỳ tổ chức sinh hoạt, tập huấn các kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch kinh doanh, maketting, kĩ năng kinh doanh công nghệ số, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh online...giúp chị em tự tin khởi nghiệp.
Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ có nhu cầu, ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh chủ động xây dựng, đề xuất các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2018 và cuộc thi Chứng minh ý tưởng (PoC) lần thứ 3 với chủ đề "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" năm 2019.
Các cấp hội trong tỉnh đã hỗ trợ thành lập được 6 Hợp tác xã và 16 Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau có phụ nữ tham gia quản lý; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, giới thiệu, tìm tạo việc làm cho gần 5.000 hội viên, phụ nữ. Hàng năm tổ chức các buổi toạ đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chị em khởi nghiệp thành công với các chị em mới khởi nghiệp. Hội doanh nhân nữ và các câu lạc bộ nữ chủ doanh nghiệp của các huyện, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động và thu hút thành viên, hội viên tham gia.
Hội phụ nữ Thái Bình trong ngày "Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2019” |
Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ủy thác Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, các tổ chức tài chính vi mô với số dư nợ đến nay là gần 2.000 tỷ đồng cho gần 55.000 thành viên vay vốn. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau thông qua các hình thức cho vay không lấy lãi, giúp không hoàn lại bằng tiền, thóc, vàng, vật tư phân bón…trị giá trên 4 tỷ đồng; hàng năm giúp được trên 600 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.
Những kết quả "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" trong 2 năm qua của các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là khẳng định tinh thần trách nhiệm, sự nhận thức đúng đắn và vào cuộc quyết liệt của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh và tinh thần, ý chí vươn lên của hội viên, phụ nữ.
Phóng viên: Chúng ta vừa nhắc đến một trong những mô hình rất sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc của Hội LHPN tỉnh Thái Bình là mô hình “Phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp”. Bà có thể chia sẻ thêm về nội dung và hiệu quả của mô hình này?
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền: Tập hợp, chia sẻ, hỗ trợ chị em là những phụ nữ khuyết tật luôn được các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thái Bình chú trọng tổ chức thực hiện, bởi chúng tôi suy nghĩ là chị em khuyết tật đã thiệt thòi rất lớn và cũng dễ bị tổn thương. Đặc biệt để tham gia phát triển kinh tế lại càng là nỗi vất vả đối với chị em bị khuyết tật. Chính vì vậy, trong các giải pháp thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thái Bình chúng tôi đã có giải pháp hỗ trợ phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp, đó là thành lập mô hình "Nhóm phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp".
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với hội người khuyết tật của tỉnh để tuyên truyền, vận động chị em tham gia mô hình. Năm 2018, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ra mắt Mô hình "Nhóm phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp" với tổng số 25 chị, là những phụ nữ khuyết tật có nhu cầu và mong muốn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Sau khi cho ra mắt mô hình, đã xây dựng Quy chế hoạt động, định kỳ mỗi năm tổ chức 2 kỳ sinh hoạt nhóm với các nội dung rất đa dạng: Chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp để chị em tự tin trong cuộc sống và khởi nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn các kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch kinh doanh, maketting, kĩ năng kinh doanh công nghệ số, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh online...giúp chị em tự tin khởi nghiệp.
Chị em được tham gia mô hình rất phấn khởi và rất nỗ lực trong học tập. Mỗi khi về tập huấn, ngoài những kiến thức chị em được học từ các giảng viên giảng dạy, chị em còn tự học hỏi lẫn nhau, giao lưu, trao đổi kinh nghiệp với nhau.
Và trong “Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” của tỉnh, Hội LHPN tỉnh cũng dành riêng cho Nhóm 1 gian hàng để trưng bày các sản phẩm do chính bàn tay chị em gia công. Hiện nay cũng đã có chị đang kinh doanh bán hàng online ...; mở bán hàng tại nhà.....
Tuy Nhóm ra mắt mới được hơn 1 năm, kết quả mới chỉ là bước đầu, song điều chúng tôi phấn khởi đó là: cấp hội chúng tôi đã hỗ trợ, chia sẻ để chị em phụ nữ khuyết tật vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên; tin tưởng vào tổ chức hội - người bạn đồng hành với chị em; ....
Phóng viên: Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh Thái Bình sẽ có những kế hoạch như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền: Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là:
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, sâu rộng, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục tuyên truyền Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025".
Các cấp hội tiếp tục tham mưu với UBND cùng cấp trong việc chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025". Trong thực hiện, ưu tiên và quan tâm tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ ruộng đất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; tích cực tham gia xây dựng, phát triển vùng sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, sản xuất liên kết theo chuỗi và gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Căn cứ vào kế hoạch giai đoạn, kế hoạch hàng năm, rà soát, nắm bắt nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ, từ đó có kế hoạch tập huấn, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công. Tiếp tục các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tín chấp vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ; sản xuất đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa".
Làm tốt công tác tuyền truyền các gương điển hình trong lĩnh vực khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và kinh doanh thành công. Hàng năm tổ chức các hoạt động “Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp”; khích lệ hội viên, phụ nữ phát huy trí tuệ, tài năng, sự sáng tạo, mạnh dạn trong đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Duy trì các hoạt động phối hợp với Hội doanh nhân nữ tỉnh, các câu lạc bộ nữ chủ doanh nghiệp của 8 huyện, thành phố; duy trì các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, dạy nghề giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Động viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và những phụ nữ đã khởi nghiệp thành công tiếp tục rèn luyện phẩm chất đạo đức, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường để phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.
Với tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo, trách nhiệm, sự nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cùng với những ý tưởng sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường, ham học hỏi, hăng say lao động và ý thức tiếp thu tiến bộ KHKT vào cuộc sống của phụ nữ; sự phối hợp, gắn bó chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể, các đơn vị, các tổ chức và cá nhân tiến bộ, nhất định các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ gặt hái được những thắng lợi mới trên lĩnh vực "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" trong những năm tiếp theo, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, góp phần to lớn để xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giầu đẹp và văn minh!
Phóng viên: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!