Đẩy mạnh xây dựng nguồn lực thư viện chung của đồng bằng sông Cửu Long
- Đại sứ quán Ấn Độ tặng sách cho Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Thư viện “Nắng mai” cho học sinh miền núi
- Thư viện tư nhân góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam
Liên hiệp Thư viện đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung thực hiện tốt các văn bản pháp quy của Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành Trung ương về công tác thư viện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng nguồn lực thư viện dùng chung và chia sẻ thông tin trong toàn Liên hiệp; tích cực luân chuyển sách báo về cơ sở, đặc biệt là sử dụng hiệu quả ô tô thư viện lưu động…
Đây là ý kiến của ông Phạm Quốc Hùng, Vụ Phó Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại Hội nghị Tổng kết công tác thư viện năm 2019 do Liên hiệp Thư viện Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ngày 16-11, tại thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Ông Phạm Quốc Hùng nhấn mạnh: Liên hiệp Thư viện đồng bằng sông Cửu Long cũng cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác thư viện trong và ngoài nước. Đặc biệt, các thư viện trong Liên hiệp cần bố trí cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ và trình độ năng lực để mỗi người phát huy tốt khả năng của mình góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động của đơn vị; tăng cường công tác thi đua - khen thưởng để động viên, phát huy khả năng sáng tạo, trí tuệ của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động góp phần hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trương Hồng Trang khẳng định: Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và là cơ hội quý báu để ngành thư viện nói chung và hệ thống thư viện công cộng các tỉnh, thành phố nói riêng cùng đánh giá những kết quả đạt được, qua đó tăng cường mối liên hệ chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần, trách nhiệm để phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch đề ra, từ đó tạo được bước đột phá mới trong hoạt động thư viện.
Tại hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Thư viện đồng bằng sông Cửu Long Lý Hoàng Vũ, Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau, cho biết, hệ thống thư viện công cộng 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn được chú trọng, không ngừng đổi mới, cải tiến lề lối làm việc để đạt hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của người dân, góp phần nâng cao dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống; định hướng đến năm 2020 với quan điểm chỉ đạo thống nhất rằng đầu tư cho thư viện là đầu tư cho giáo dục, cho phát triển nguồn nhân lực, tiến tới tổ chức một mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và phát triển mục tiêu chung của ngành.
Theo ông Lý Hoàng Vũ, năm 2019 cũng là năm đánh dấu bước đột phá trong diện mạo của hệ thống thư viện trong Liên hiệp về việc mang tri thức đến với mọi người dân bằng xe ôtô lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức”. Hiện nay đã có 12/14 thư viện thành viên trong Liên hiệp có xe ôtô lưu động đa phương tiện. Công tác bổ sung sách báo và phục vụ bạn đọc được thực hiện thường xuyên với gần 163.00 bản sách và hơn 50.000 các loại báo, tạp chí...
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên hiệp Thư viện đồng bằng sông Cửu Long cũng khẳng định, công tác thư viện của Liên hiệp còn gặp nhiều khó khăn: một số thư viện còn chật hẹp, chưa được đầu tư đúng mức, trang thiết bị chuyên dùng không đủ để phục vụ bạn đọc; việc đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, viên chức cấp huyện, thị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về công nghệ thông tin; kinh phí triển khai các hoạt động còn hạn chế…
Thời gian tới, Liên hiệp Thư viện đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng các hoạt động; bổ sung vốn tài liệu mới có chọn lọc theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú, bám sát tình hình thực tế của từng địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thay đổi phương pháp phục vụ bạn đọc để nâng cao chất lượng; đầu tư mạng lưới liên thư viện…