Đấu tranh chống thực phẩm bẩn “tấn công” thị trường Tết

Chủ Nhật, 20/01/2019, 03:26
Hải sản đông lạnh, nội tạng đang phân hủy, gia súc, thịt gia cầm, các loại đồ hộp, phụ gia thực phẩm… đang được nhập lậu vào nội địa bán trong dịp Tết. Chủ đầu nậu xé lẻ hàng hóa vận chuyển trên các phương tiện từ biên giới Móng Cái, Hoành Mô, Bình Liêu (Quảng Ninh) vào nội địa. Đây là thời điểm nhiều mặt hàng phục vụ Tết thâm nhập vào nội địa để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.



Tăng cường ngăn chặn gia cầm, gia súc nhập lậu

Có mặt ở biên giới Quảng Ninh những ngày giáp Tết, chúng tôi được biết, ngay từ cuối năm 2018, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn hàng lậu, đặc biệt là thực phẩm “bẩn” ở các tuyến địa bàn biên giới như Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu.

Cuối năm 2018, nhiều vụ lợn Trung Quốc được ngư dân giáp biên nhập lậu qua đường mòn, tập kết về nhà dân, hợp thức hóa là lợn nuôi trong dân, sau đó đợi trời tối cho lên xe tải chở vào nội địa và đã bị lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng bắt giữ. Đặc biệt, tình trạng lén lút vận chuyển thịt lợn Trung Quốc về nội địa bán cho người tiêu dùng đã diễn ra.

Thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng thu giữ và đưa đi tiêu huỷ.

Điển hình là vụ việc Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh) bắt quả tang Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi) và Nguyễn Xuân Bắc (30 tuổi), đều trú tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái đang tập kết, vận chuyển 346kg thịt lợn từ khu vực cảng ICD Thành Đạt về chợ 4 Móng Cái. Hai đối tượng này khai sang Trung Quốc mua thịt lợn, sau đó đi qua đường mòn về Móng Cái để tiêu thụ.

Những ngày giáp Tết, tình trạng nhập lậu lợn và gia cầm Trung Quốc bị phát hiện, bắt giữ có chiều hướng giảm, nhưng nhập lậu gia cầm giống và trứng gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm vẫn còn diễn biến phức tạp.

Điển hình là ngày 11-1, Công an TP Móng Cái kiểm tra xe ôtô tải BKS 29C-365.24 phát hiện trên xe giấu trên 3,8 tấn chân gà đông lạnh nhập lậu trong 193 bao tải dứa. Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới lẫn tuyến bộ, tuyến biển để phát hiện và ngăn chặn kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.

Kiểm soát chặt ở biên giới

Thời điểm này, mặt hàng thực phẩm nhập lậu mạnh nhất đi qua địa bàn Quảng Ninh là thủy hải sản, trái cây, các loại đồ hộp, bánh kẹo... Liên tiếp các vụ bắt giữ cá đông lạnh nhập lậu lên tới hàng tấn ở vùng biên lẫn trên tuyến bộ đã cho thấy, nhu cầu nhập lậu thủy hải sản phục vụ Tết đang rất cao.

Trung tá Đặng Việt Anh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, thực phẩm bẩn trá hình đóng trong bao bì, nhãn mác mang thương hiệu Việt. Hàng hóa liên quan đến Trung Quốc thì bóc hết tem, nhãn mác, vận chuyển vào nội địa dán mác Việt. Đặc biệt, hoa củ quả tươi từ Lạng Sơn đi qua Bắc Giang đến Quảng Ninh được hợp thức hóa bằng hóa đơn nhập khẩu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Điển hình là đơn vị bắt giữ 5 phương tiện vận chuyển khoảng 5 tấn trái cây từ Lạng Sơn về Quảng Ninh, lái xe xuất trình hóa đơn nhập khẩu 2 tấn, vì thế chỉ xử lý được 3 tấn trái cây không có hóa đơn chứng từ…

Theo Trung tá Đặng Việt Anh, năm 2018, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, xử lý 115 vụ/116 cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, tổng số tiền phạt gần 900 triệu đồng.

Những ngày giáp Tết 2019, để phòng chống thực phẩm “bẩn” nhập lậu qua biên giới, đơn vị đã tập trung đấu tranh vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, tăng cường xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh, chế biến, vận chuyển hàng tạm nhập tái xuất, hàng thực phẩm, gia cầm, thủy hải sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch. Qua đó đã phát hiện, bắt giữ 1,4 tấn phụ gia thực phẩm, 2,4 tấn hải sản đông lạnh, trên 7 tấn củ ba kích tươi…

Đặc biệt đã đột kích vào cơ sở chế biến lòng lợn của bà Nguyễn Thị Xuân tại thôn 5, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, phát hiện cơ sở này đang dùng chất phụ gia thực phẩm làm tẩy trắng, tẩm ướp tạo mùi, tạo vị cho hàng trăm ki-lô-gam lòng lợn đựng trong các bể chứa, sau đó sấy khô đem bán.

Tại hiện trường, cơ quan Công an đã thu giữ 1.380kg phụ gia tẩy lòng của Trung Quốc nhập lậu. Kiểm tra cơ sở chả mực Kim Liên (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long), cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 1,4 tấn mực mai đông lạnh được đựng trong các thùng các tông ghi chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Chúng tôi đã theo chân tổ tuần tra kiểm soát giao thông số 2 (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh) tại tuyến quốc lộ trọng điểm, khi CSGT ra tín hiệu dừng xe, nhiều tài xế đã chấp hành mở cốp, vách ngăn, hầm tự tạo trong xe cho lực lượng chức năng kiểm tra. Thực phẩm bẩn thường được giấu trong xe đông lạnh, xe thùng kín, xe khách, xe máy để vận chuyển vào nội địa.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 165kg nội tạng động vật nhập lậu, 45kg bọ cạp, 750 hải sâm đen… trên xe khách, xe tải ở tuyến QL18. Thậm chí trên tuyến đường này, Công an TP Cẩm Phả cũng vừa phát hiện và bắt giữ xe ôtô khách chở 2,4 tấn cá mực đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Cảnh báo thực phẩm bẩn

Rạng sáng 18-1, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường huyện Lạng Giang phát hiện xe tải chở 1 tấn nầm lợn đựng trong các bao, thùng xốp, nhiều miếng thịt đã chảy nước và bốc mùi hôi thối. Theo khai nhận của lái xe, số nầm lợn này được vận chuyển từ Lạng Sơn mang về các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội để tiêu thụ.

CSGT Quảng Ninh kiểm tra nguồn gốc hàng hóa xe chở thực phẩm đông lạnh.

Trước đó, đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội đã mật phục, bắt quả tang một chiếc xe ôtô mang BKS 89C-17... cũng chở thực phẩm bẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ. Trên xe có 50 thùng xốp, bao gói ghi chữ Trung Quốc, chứa 2,5 tấn nầm động vật. Số nầm động vật này đã bốc mùi hôi thối, một số tảng nầm đã xuất hiện đốm mốc màu xanh.

Ngày Tết, nhiều người tìm mua một số thực phẩm ăn liền như "thịt trâu gác bếp", "thịt khô sấy", những tưởng đây sẽ là sản phẩm thủ công, nguyên liệu sạch từ trâu nuôi nhà, được chế biến từ bàn tay của đồng bào các dân tộc chất phác làm ra, nhưng nhiều người đã mua phải hàng giả.

Mới đây, VTV đã có phóng sự điều tra về sản phẩm "thịt trâu gác bếp", "thịt khô sấy" được làm tại một cơ sở tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nhưng gắn mác "đặc sản Sơn La". Điều tệ hại là những sản phẩm này được làm từ thịt lợn chết, được tẩm ướp, làm giả thành thịt trâu, sau đó đem về tiêu thụ tại một cơ sở trên phố Đê La Thành (Hà Nội).

Thực phẩm bẩn chứa các chất độc hại không làm chết người ngay, nhưng nó ngấm ngầm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, là tác nhân gây nên những căn bệnh nan y như ung thư, hoặc để lại di truyền cho các thế hệ sau.

Được biết, để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán,  đã có 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm được thành lập, sẽ tăng cường kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán. Riêng Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại các điểm dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể,cơ sở chế biến suất ăn sẵn... Qua kiểm tra 135 cơ sở, đã xử phạt số tiền hơn 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù Nghị định số 115/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành với mức phạt tăng gấp 5 đến 7 lần, nhưng sau hơn 2 tháng kiểm tra, việc xử phạt vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là với các quán bán rong, kinh doanh trên vỉa hè; việc phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín có vẻ khó thực hiện, bằng chứng là tình trạng không sử dụng găng tay, hoặc chỉ sử dụng một bên, một bên tay trần vẫn phổ biến.

Để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình mình, người tiêu dùng cần tìm mua thực phẩm có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng hoặc mua sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh có cửa hàng, cửa hiệu; không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; nhất là những thực phẩm "khoái khẩu" là nội tạng động vật, được bảo quản đông lạnh.

Tiêu hủy gần 300kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối

 Sáng 18-1, Công an quận Hồng Bàng cho biết đã hoàn chỉnh thủ tục, bàn giao cho cơ quan chức năng TP Hải Phòng tiến hành tiêu hủy gần 300kg nội tạng động vật đơn vị thu giữ ngày 17-1.

Trước đó vào 9h ngày 17-1, tại khu vực chân cầu vượt Quán Toan, Công an quận Hồng Bàng phối hợp với Đội 4 (Cục Quản lý thị trường Hải Phòng) phát hiện, thu giữ gần 300kg nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối. Số nội tạng này được đóng trong 7 thùng xốp không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua kiểm tra, lực lực chức năng xác định chủ số hàng trên là Nguyễn Thị Thức, ở xã Tân Tiến, huyện An Dương. Chủ lô hàng không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến hàng hoá.

Nhóm PV
.
.
.