Cụ thể hóa việc thu hút vốn tư nhân vào giảm ngập lụt từ dự án 10 ngàn tỷ đồng

Thứ Hai, 04/07/2016, 09:11
Đối phó với đỉnh triều cường đã đạt mức trên dưới 1,6m trong khi hơn 60% diện tích tự nhiên của TP Hồ Chí Minh chỉ có cao độ chưa đến 1,5m, đặc biệt một số vùng chỉ có cao độ 0,6 – 0,9m là vấn đề cấp thiết đặt ra với thành phố. Bởi chỉ cần đỉnh triều cường vượt con số 1,5m vào thời điểm không có mưa thì triều cường đã đe dọa gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng.

Để giải quyết thực trạng này, ngày 26-6 vừa qua, thành phố đã phối hợp với nhà đầu tư thực hiện giai đoạn 1 dự án chống ngập do triều cường. Dự án này ngoài đầu tư xây dựng hệ thống đê kè ở những vùng xung yếu và cống thoát nước nhỏ ven sông rạch sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều loại lớn kèm theo 3 trạm bơm công suất cao tại điểm đầu các tuyến sông rạch.

Cống ngăn triều đầu tiên trong dự án chống ngập được chủ đầu tư khởi động.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group, chủ đầu tư dự án cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng này có quy mô sử dụng đất trên 100 ha và được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Để kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó với biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm ngập do triều được đặt ra với dự án này là chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các tuyến kênh, rạch; cải thiện khả năng tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước đô thị; hỗ trợ việc trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước cho các tuyến kênh, rạch thuộc phạm vi dự án có diện tích lên tới 570km2 với khoảng 6,5 triệu người dân đang sinh sống phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố… do đó biện pháp thi công đã được chủ đầu tư và thành phố xác định là đặt cống quy mô để kiểm soát triều cường ở các khu vực ảnh hưởng trực tiếp.

Cụ thể, ở 6 khu vực trọng yếu bao quanh thành phố, gồm cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuổi, Cây Khô, Phú Định, quy mô bề rộng mỗi cống từ 40 - 160m. Đáy cống có độ sâu từ âm 3,6 đến âm 10m tại các cống này sẽ xây các trạm bơm công suất lớn, tại cống Bến Nghé có 2 máy bơm với tổng công suất đạt 12m3/giây; lắp đặt 4 máy bơm tại cống Tân Thuận công suất 36m3/giây và trạm bơm tại cống Phú Định có 3 máy bơm với công suất 48m3/giây. Tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh có chiều dài khoảng 8km đê, kè ở các đoạn xung yếu sẽ được gia cố, xây dựng cùng với các cống nhỏ có khẩu độ từ 1-10m.

Các trạm bơm công suất lớn này là mô hình đã được ứng dụng tại cống Thị Nghè và đem lại hiệu quả tích cực cho tuyến kênh Nhiêu Lộc. Hệ thống vận hành của các cống kiểm soát triều theo nguyên lý đơn giản nhưng hiệu quả. Mùa mưa, đơn vị vận hành sẽ cho mở cửa tiêu thoát nước trong kênh rạch khi mực nước trong kênh rạch cao hơn ở ngoài sông. Đóng cửa ngăn triều khi mực nước ngoài sông lớn hơn trong kênh.

Lúc này hệ thống máy bơm bắt đầu được vận hành. Mùa khô, cửa cống tiêu thoát nước trong kênh sẽ được mở ra khi mực nước trong kênh lớn hơn mực nước ngoài sông. Đóng cửa cống để ngăn triều khi mực nước ngoài sông lớn hơn trong kênh 0,6m để giữ nước trong kênh. Khi đưa hệ thống cống vào vận hành, tàu bè vẫn đảm bảo qua lại bình thường thông qua khoang cửa van khi cửa cống mở và qua âu thuyền khi cửa cống đang đóng. Khi đó mực nước gây ngập cho cả khu vực sẽ được hạ thấp, tình trạng nước bẩn do ngập sẽ giảm; nước trong kênh, rạch sạch sẽ hơn.

Để khắc phục tình trạng ngập lụt do mưa và triều cường trên địa bàn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian vừa qua thành phố đã từng bước đầu tư cải thiện hạ tầng thoát nước đô thị. Đã hoàn thành 4 dự án từ nguồn vốn ODA chống ngập trọng điểm; 75 dự án nâng cấp, xây mới hệ thống thoát nước; lắp đặt 1.077 van ngăn triều và nạo vét hàng ngàn km cống thoát nước các loại…

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những công trình chống ngập có quy mô nhỏ, không thể thoát nước nhanh khi có mưa lớn kết hợp với triều cường nên tình trạng ngập cục bộ vẫn còn xảy ra.

Để đảm bảo tiến độ với dự án có quy mô giảm ngập lớn nhất, công nghệ hiện nhất từ trước tới nay, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ đồng hành cùng Trungnam Group thông qua những việc làm cụ thể như: Thành lập tổ công tác liên ngành, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục trong quá trình triển khai; đảm bảo tiến độ bồi thường và giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư. Đồng thời chỉ đạo các quận, huyện thường xuyên cung cấp thông tin về dự án để người dân trong khu vực triển khai dự án nắm rõ tình hình, cùng hợp tác thực hiện. 

Đ.Thắng
.
.
.