TP HCM: Nhiều giải pháp chống ngập lụt mùa mưa

Thứ Sáu, 02/07/2010, 14:20
Thạc sỹ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước - Trung tâm chống ngập cho biết, trước mùa mưa năm nay các giải pháp cấp bách đã được Trung tâm đặt ra như mở rộng miệng thu nước; sửa cống sụp; đấu nối các tuyến cống mới… và đến thời điểm này, việc duy tu, nạo vét các tuyến cống thoát, miệng cửa xả đã được hoàn tất.

Theo thông tin từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (Trung tâm chống ngập), kết thúc mùa mưa năm 2009 trên địa bàn thành phố còn tới 96 điểm ngập thường xuyên do mưa. Trong đó, số điểm ngập từ 3 lần trở lên là 64 điểm; số điểm ngập nước liên tục do triều cường là 67 điểm.

Thạc sỹ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước - Trung tâm chống ngập cho biết, trước mùa mưa năm nay các giải pháp cấp bách đã được Trung tâm đặt ra như mở rộng miệng thu nước; sửa cống sụp; đấu nối các tuyến cống mới… và đến thời điểm này, việc duy tu, nạo vét các tuyến cống thoát, miệng cửa xả đã được hoàn tất. Đặc biệt, Trung tâm chống ngập cũng đã tiến hành lắp đặt được 150 van ngăn triều tại các cửa xả và tiếp nhận 25 tuyến cống thoát nước từ các dự án mới hoàn thành.

Triều cường, đường biến thành sông.

Thạc sỹ Đỗ Tấn Long cũng đánh giá rằng mức độ ảnh hưởng do rào chắn bít đường thoát nước năm nay cũng đã giảm nhiều, chỉ còn khoảng 30% so với trước. Tuy nhiên, chỉ với những cơn mưa nhỏ đầu mùa, số điểm ngập cục bộ do nước không có hướng thoát đã xuất hiện ở nhiều nơi do miệng cửa xả còn bị các đơn vị thi công bít hoặc chưa đấu nối các tuyến cống.

Ngoài những điểm ngập cố hữu phải chờ các dự án chống ngập hoàn tất mới có thể giải quyết dứt điểm, hiện thành phố vẫn còn đến 122 vị trí rào chắn thi công, bít cửa xả gây ngập hoặc có thể gây ngập lụt cục bộ.

Đối với việc thi công gây ngập lụt, ông Trần Hồng Nam, Phó chánh thanh tra Sở GTVT cho rằng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải giải quyết dứt điểm được tình trạng thanh thải chướng ngại vật bít miệng các cửa xả; khơi thông dòng chảy trong quá trình thi công và tập trung kết nối các tuyến cống lại với nhau để nước có chỗ thoát. Vì vậy, ngoài đề nghị các ban quản lý dự án và nhà thầu phải khẩn trương tập trung vào việc kết nối các tuyến ống đã làm xong để khởi thông hướng thoát, Thanh tra GTVT cũng vừa đề nghị với Phòng Quản lý hạ tầng của Sở GTVT tạm dừng việc cấp phép đào đường, chỉ tập trung cấp phép cho các vị trí rào chắn kết nối.

Trong khi để xóa được 42 điểm ngập, năm 2009 thành phố phải tốn hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư cho 55 dự án thoát ngập thì theo Trung tâm chống ngập, để xử lý được một nửa trong số 224 vị trí thi công gây ngập đặc biệt là các cửa xả bị chặn dòng thi công dọc tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé; Nhiêu Lộc - Thị Nghè là không hề đơn giản. Lý do, biện pháp chế tài của cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, không đủ sức răn đe khiến tình trạng xâm hại kéo dài.

Đến thời điểm này, khi mùa mưa đã bắt đầu, nhiều nhà thầu, đơn vị thi công vẫn không có động thái khơi thông dòng chảy do quá trình thi công của mình gây ra. Chính quyền TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục có chế tài xử phạt quyết liệt với những nhà thầu, đơn vị thi công kiểu này

Đức Thắng
.
.
.