Bao giờ cho đến... Tết xưa?

Thứ Hai, 08/02/2016, 17:20
Đã là người Việt thì dù bất cứ ai làm gì ở đâu, giàu sang hay nghèo hèn đều nôn nao, rạo rực khi Tết đến xuân về. Đó là dịp sum vầy đoàn tụ, nhớ về tổ tiên nguồn cội và ta hay dùng từ “ăn Tết”.

Giờ đây, khi  mà ăn no, mặc ấm không còn là sự ao ước của mỗi gia đình nữa thì chúng ta lại bị cuốn vào cái guồng quay hình như không có điểm dừng về mưu cầu vật chất, lối sống kim tiền, danh lợi, rồi bao nhiêu nỗi lo lắng bất an làm cho xúc cảm về Tết phôi pha đi nhiều.

Không ít người ở thành phố còn ngại Tết, thậm chí sợ Tết, câu cửa miệng là: “Nhanh thế, quanh đi quẩn lại đã Tết”, hoặc “Tết với cả nhất, tốn tiền, mệt cả người!”. Trừ con trẻ, còn lại ít ai thắc mắc “Mãi mà chưa đến Tết!”. Cũng phải thôi khi mà Tết đến là bao nhiêu thứ phải lo toan: Nào là đặt mua thực phẩm, bánh trái, rau quả ở đâu cho ngon, cho an toàn khi mà cứ phải nơm nớp liệu có an toàn, có “sạch” không với những thứ bày bán ở chợ; rồi quà biếu “sếp” nên mua cái gì, không lẽ lại như năm ngoái; rồi cả nhà vợ chồng con cái về quê đi bằng phương tiện gì cho tiện lợi, an toàn, bởi ra đường bây giờ sợ đủ thứ... 

Rồi tính toán mua sắm thế nào khi hầu bao có hạn, nếu không ra Giêng sẽ “viêm màng túi” vì lương, thưởng đã lĩnh hết rồi mà cái tháng Giêng nó dài lắm. Đối với những người rủng rỉnh không sao, còn người làm công ăn lương ba cọc ba đồng thì cũng thiên nan vạn nan lắm lắm. Vì thế, nhiều người không mong Tết, sợ Tết là phải. Có chăng lũ trẻ con còn thích Tết vì chúng được lì xì, mừng tuổi (có đứa thu hoạch còn gấp cả chục lần người nông dân một nắng hai sương cả năm trời), rồi  được nghỉ học vì giờ đây trẻ em mỗi ngày đến trường là một ngày cặm cụi cắm mặt vào học chính, học thêm... Chính vì thế tôi cứ ao ước bao giờ lại có những cái Tết xưa.

Chợ hoa phố Hàng Lược mỗi độ Tết đến xuân về. Ảnh: Sưu tầm.

Khi tôi còn nhỏ thì chỉ mới quá nửa tháng Một, tức tháng Mười một âm lịch là đã mong Tết lắm rồi, thỉnh thoảng còn lén xé tờ lịch trên cái blog bé như lòng bàn tay được đóng đinh, treo trên cột nhà và bắt đầu đếm  ngược xem còn  bao nhiêu ngày nữa thì Tết.

Chợ làng tôi xưa họp 5 ngày một phiên vào ngày ba ngày tám và 30 Tết có một phiên cuối năm nữa, giờ thì 5 ngày họp hai phiên. Đông vui nhất là phiên chợ ngày 23 và 28 Tết, tôi thường ra chợ sớm cùng với bà nội phụ bà bán trầu cau mà quê tôi gọi là giầu cau, vì hôm ấy rất bán đắt hàng. Chỉ phụ bà bán lúc sáng khi đông khách, khoảng 9 giờ bà cho tôi một hai hào để ăn quà. Thế là tôi lẫn vào đám đông trong cái chợ Tết ồn ào, rất nhiều màu sắc, màu xanh của lá dong, của đỗ xanh, màu trắng của gạo nếp, màu đỏ của bánh pháo, của hương, của nến, rồi hoa giấy xanh đỏ tím vàng; rồi tranh Tết thường là cá chép trông trăng, thằng bé ôm gà, lợn mẹ con, rồi cuốn thư ở giữa có ảnh Bác Hồ. 

Người đi sắm Tết rất đông, dù trời không mưa, không nắng, nhưng các bà các chị ai cũng mang theo cái nón, người thì đội, người thì cắp nách. Sau mới biết ngoài cái thúng con mang ra chợ để đựng những thứ thực phẩm, rau quả thì cái nón thường được các bà các chị dùng để đựng trầu cau, hương hoa đặt trên ban thờ tổ tiên cho thanh sạch, đúng là một nét văn hóa rất đẹp được truyền lại từ tiền nhân.

Trẻ con như tôi lúc ấy, quà chợ cũng chẳng hấp dẫn bằng những dây pháo tép bé xíu mà quả pháo chỉ to bằng cọng rơm, rồi những viên bi ve bằng thủy tinh trong suốt bên trong có 3 lá khế 3 màu, cứ mỗi lần xoay viên bi thì nó lại có một màu khác. Cho nên một bánh pháo tép, mươi hòn bi ve, nếu nhà có điều kiện thì mua thêm bộ Tam cúc mới cứng còn thơm mùi mực đối với lũ trẻ chúng tôi coi như là đã sắm xong Tết.

Ngày 28 - 29 tháng Chạp, không khí Tết đã chộn rộn lắm rồi, đâu đó trong làng nhà ai đốt pháo sớm, gọi là thử pháo xem nó giòn hay tịt, chứ giao thừa mà pháo tịt ngòi thì rông cả năm.

Thường nhà tôi 28 Tết là đã gói bánh chưng rồi, 5 giờ sáng còn ngái ngủ thì ông nội đã khua dậy phụ việc lau lá, gói bánh chưng. Khi những cái bánh chưng to đã gói xong, còn thừa ít gạo, ít đậu, ông  gói mấy cái bánh nhỏ xinh như bánh cốm bây giờ, gọi là bánh kẹ cho trẻ con. Khi bánh được chất vào nồi để luộc, lửa đã to đều thì tôi lại phụ ông lau dọn ban thờ tổ tiên cho sạch sẽ, lau từng chân cây nến, rửa từng cái chén đựng nước, đựng rượu sạch bong. Ông bảo rằng cúng ông bà tổ tiên, cốt nhất ở cái tâm, lòng thành, chứ không cứ phải mâm cao cỗ đầy mà các cụ mới phù hộ độ trì, chỉ cần "tạp nhất bàn, phù lưu, thanh thủy"; nghĩa là một mâm cỗ, chúc trầu, mấy quả cau, chén nước lã là đủ và ông còn nói đùa rằng tiền cúng, hậu phàm, trước cúng sau ăn, chứ cứ cúng mâm nào các cụ về hưởng sạch hết mâm ấy thì con cháu nào dám cúng.

Nồi bánh chưng luộc đúng 12 tiếng đồng hồ mới được vớt thì nó mới dền, mới để được lâu không bị hỏng, chứ không như bây giờ luộc siêu tốc, cho cả lõi pin vào, mấy ngày bánh đã cứng như cục gạch. Khoảng  9 - 10 giờ tối là vớt bánh, sung sướng nhất là khi ông lấy cái móc sắt vớt mấy đôi bánh kẹ xinh xinh ra khỏi nồi, đang nghi ngút nóng đã chìa tay xin ông, rồi cầm lấy treo lên bức dại trước hiên nhà, chỉ lúc ấy mới yên tâm đi ngủ, cho dù mắt ríu vào rồi. Sáng dậy mắt nhắm mắt mở chưa kịp rửa mặt đã ra ngay chỗ treo đôi bánh chưng xem còn hay không, rồi khoác đôi bánh chưng lên cổ  chạy ra ngõ khoe bọn trẻ con hàng xóm, rồi bình phẩm bánh mày, bánh tao đẹp, xấu.

Sáng sớm 30 Tết là cả làng vang lên tiếng lợn kêu eng éc, lúc ấy tôi mới tỉnh ngủ, bước ra sân thì thấy giữa sân con lợn bảy tám mươi cân đã được cạo lông sạch sẽ đặt trên cái nong. Thì ra các bác, các chú với bố tôi đã dậy làm thịt lợn từ lúc 3-4 giờ sáng. Vì thời bao cấp khó khăn nên mấy gia đình mới đụng một con lợn. Xem mổ lợn cũng là một niềm vui của bọn trẻ như tôi và thích nhất là xin người lớn cái bong bóng lợn, rửa sạch rồi lộn nó ra, treo lên dây thép phơi khô để làm bóng thổi, chứ lấy đâu ra bóng bay như bây giờ.

Một ấn tượng khó phai đó là pháo Tết, nhà nghèo đến mấy cũng phải mua được một hai bánh pháo để đốt lúc giao thừa và sáng mồng Một. Đêm Ba mươi, khoảng 10 giờ đêm đã náo nức có tiếng pháo nổ tạch đùng rồi. Đúng giao thừa khi Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên lời của Bác Hồ đọc thơ chúc Tết và sau này là lời chúc Tết của Bác Tôn qua cái loa truyền thanh mắc trên ngọn cây gạo thì đồng loạt pháo nổ rền vang, không ngớt, mùi thuốc pháo quện với mùi hương thơm, ngoài sân mưa xuân nhỏ li ti... Một mùa xuân mới đã về, khoảnh khắc ấy mãi hằn sâu trong kí ức bao người Việt.

Sáng mồng Một Tết, không cần ai gọi đã dậy rất sớm, mẹ dắt tay tôi ra bể rửa mặt mũi cho thật sạch, rồi vào nhà mở tủ lấy bộ quần áo mới tinh còn hăng hăng mùi băng  phiến, cởi bộ quần áo cũ ra và mặc bộ quần  áo mới. Giây phút ấy thật là sung sướng, xen lẫn ngượng ngùng vì cả năm quen với quần túm áo vá rồi. Tôi là con đầu nên may mắn không phải mặc lại của ai và quần áo thì mẹ mua cũng đúng cỡ nên vừa vặn, chứ những  nhà đông con thì đứa em mặc lại của thằng anh, thậm chí con trai mặc áo con gái và ngược lại, hoặc có mua quần áo mới thì cũng rộng thùng thình, nom nhiều đứa mặc quần áo mới mà như diễn tuồng vậy.

Tết sướng nhất là được chơi, được ăn những thứ mà cả năm không nhìn thấy như bánh chưng, giò, chả, thịt đông... Được phát vốn bằng những đồng 5 xu, những tờ một hào còn mới tinh, rồi năm thì theo bác, năm thì theo chú đi xuống chợ Đại quê của bà nội tôi để lễ Tết, đi đến nhà nào cũng ngả mâm ép ít nhiều phải ăn cho chủ nhà may mắn, rồi ríu rít tiếng cười, lời chúc mạnh khỏe an khang, làm ăn bằng mười năm ngoái.

Chuyện xông nhà đầu năm cũng nhiều điều vui, lạ. Nhiều nhà kiêng kỵ, rồi xem ai hợp tuổi nhờ xông nhà, riêng nhà tôi thì không, vì ông tôi bảo nó phải thuận theo tự nhiên mới hay, chứ nhờ người hợp tuổi xông đất mà ăn nên làm ra thì cần gì phải đi làm cho mệt. Cho nên sáng mồng Một Tết, bác, chú, hoặc cô nào đến lễ Tết ông đầu tiên thì đó là người xông nhà, không phải kiêng cữ gì cả. Tôi nhớ có năm sáng mồng Một tết, em Huy, con cô ruột tôi, nhà sát cạnh mới hơn 3 tuổi, còn đang cởi truồng gọi: “Ông ơi mở cửa cho cháu!”. Ông tôi ra mở cửa đón em vào và lấy một hào giao vốn cho em và bóc gói mứt cho em mấy viên trứng chim và mấy miếng mứt bí. Ông cười bảo, nếu theo như sách dạy thì nhà mình năm nay làm ăn được, bình an vì thằng cháu này hợp tuổi, nó phải tự nhiên mới được.

Tết quê tôi vui nhất là chơi đu, được làm hoàn toàn bằng tre, nên khi nhún có độ đàn hồi cao chứ không cứng ngắc như đu sắt. Mà rất lạ, mấy xã quanh vùng, kể cả bên Kim Bảng, Hà Nam giáp làng tôi cũng  không có nơi nào trồng được đu, mà chỉ riêng làng tôi trồng được. Nghe các cụ nói là đu cũng có đất, nếu  không phải đất đu mà cứ cố trồng đu thì ắt sẽ có tai nạn, thậm chí chết người xảy ra, còn làng tôi bao nhiêu đời trồng đu, việc ngã đu bị xây xát mặt mày cũng có, nhưng không có chuyện đáng tiếc nào cả. Nhìn những đôi trai gái đánh đu đôi, quần áo của cô gái phần phật bay, sau này lớn lên đi học mới thấy bà Hồ Xuân Hương thật tài tình khi làm bài thơ đánh đu.

Khi  đu chưa kịp dừng thì đám thanh niên đã xông vào gọi là bắt đu, trò này cũng rất nguy hiểm, phải đứng đúng tư thế, vờn một hai cái cho giảm lực rồi hai tay túm chặt lấy đu, có anh còn bị đu lôi theo xềnh xệch lê trên mặt đất, rách áo toạc quần là thường. Ai bắt được đu trước thì được quyền đánh đu tiếp hoặc cho ai chơi thì tùy, cho nên những trai làng có máu liều, có sức khỏe là ghi điểm trong mắt các cô gái vì các cô liễu yếu đào tơ chỉ có xin đu chứ sao mà bắt được. Để kích thích việc đánh đu cao, mà quê tôi gọi là đánh giật ròng rọc, nghĩa là thân đu nằm song song với mặt đất, một phần thưởng nhỏ gồm bao thuốc, gói chè, hay cuốn sổ nhỏ, bút máy Trường Sơn được cho vào một túi vải đỏ treo phía trên cao để làm phần thưởng.  

Còn bé như chúng tôi chỉ đứng xem thôi, và đợi đến xế chiều khi người lớn về vãn thì mới mon men xin đánh một ván, một cảm giác bay bổng khó tả, nhưng cũng thấy run run khi lần đầu đánh và chơi tới khi nhọ mặt nguời, mẹ phải ra gọi mới chịu về ăn cơm.

Tết quê ngày xưa thì còn nhiều chuyện kể lắm, tuy còn nghèo khó, giản đơn nhưng sao mà thiêng liêng vô cùng, chứ không như thời nay hiện đại cái Tết phôi pha đi nhiều quá, ngay cả ở quê cũng khó tìm lại được những hình ảnh Tết xưa, chứ chưa nói đến chốn thị thành. Chỉ nói riêng chuyện chúc Tết thôi, giờ nó công nghệ vô hồn quá. Tết mà nhận được cú điện thoại chúc Tết của bạn bè giờ cũng trở thành xa xỉ rồi, tất cả cho lên Facebook, lên Zalo hết, còn tin nhắn thì tải sẵn một mẫu trên mạng, thêm chủ ngữ ông, bà, anh, chị vào thế là bắn một phát mấy tới mấy chục người, có khác gì người máy chúc Tết nhau đâu?

Đành rằng xã hội phát triển không có gì là bất biến nguyên vẹn mãi nhưng vẫn lẩn thẩn ước ao rằng, bao giờ cho đến Tết xưa?

Đoàn Xuân Tuyến
.
.
.