Những nghệ nhân hồi sinh làng nghề truyền thống phục vụ Tết cổ truyền

Thứ Bảy, 31/01/2015, 13:30
Đứng trước nguy cơ mai một của các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi, như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình... nên một số nghệ nhân ở xã Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã bỏ công sức để phục hồi nghề gia truyền do cha ông để lại. Tết Nguyên đán Ất Mùi đang cận kề cũng là lúc các làng nghề nhộn nhịp sản xuất các sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường Tết...

Nói về nghề sản xuất hoa giấy ở Cố đô Huế, có lẽ ai cũng biết làng hoa giấy Thanh Tiên ở xã Phú Mậu. Nghề làm hoa giấy nơi đây đã có từ hơn 300 năm về trước và có giai đoạn tưởng chừng mai một. Thế nhưng, bằng cái tâm với nghề, nghệ nhân Nguyễn Hóa (55 tuổi, ở thôn Thanh Tiên) đã từng bước khôi phục nghề làm hoa giấy rồi truyền nghề cho con cháu. Đưa chúng tôi ghé thăm nơi công nhân của mình làm hoa giấy để kịp bán dịp Tết, ông Hóa kể rằng, nghề làm hoa giấy của làng thịnh vượng nhất cách đây chừng 7-8 thập kỷ.

Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã có chỗ đứng trên thị trường.

Thời nay, do các làng hoa, cây cảnh phát triển mạnh cộng thêm nhu cầu về hoa giấy trên thị trường không nhiều nên người dân trong làng từ bỏ nghề để chuyển sang làm các nghề khác. Thanh niên trai tráng trong thôn cũng bỏ vào Nam lập nghiệp chứ không còn mặn mà với việc học nghề làm hoa giấy khiến nghề bị thất truyền.

Trước thực trạng đáng buồn này, ông Hóa cùng với nghệ nhân Thân Văn Huy đã tập trung nghiên cứu các công đoạn làm hoa giấy truyền thống, đặc biệt là sen giấy để quyết tâm phục hồi làng nghề.

“Bản thân tui và gia đình luôn trăn trở tìm cách làm sống lại nghề hoa giấy truyền thống. Vì thế, thay vì sử dụng hóa chất công nghiệp, tui đã sử dụng lá cây và nhựa cây chế tạo nên thuốc nhuộm giấy, có như thế thì hoa giấy mới giữ được màu sắc lâu bền. Đặc biệt, với hoa sen giấy thì phải dùng kỹ thuật vẽ màu tô lên từng cánh hoa trên giấy gió hoặc lụa rồi dùng cây mây làm cuống hoa. Nhờ chịu khó, cần mẫn của người thợ nên sen giấy và hoa giấy các loại ở làng Thanh Tiên dần được người dân xứ Huế yêu chuộng và tìm được chỗ đứng trên thị trường”, ông Hóa trải lòng.

Đặc biệt, với công lao phục dựng nghề làm hoa sen giấy nên năm 2010, nghệ nhân Thân Văn Huy được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là người đầu tiên phục dựng thành công hoa sen giấy. Sau ngày ấy, ông Huy đã quyết định mở nhiều lớp học dạy nghề làm hoa sen giấy cho trẻ em trong làng ngay tại nhà, hy vọng thế hệ trẻ sau này sẽ giữ được “lửa nghề” truyền thống làm hoa giấy Thanh Tiên sau hơn nửa thập kỷ hoạt động cầm chừng, vì không có “đầu ra”…

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người đã có công khôi phục nghề vẽ tranh dân gian ở làng Sình.

Men theo bờ sông Hương, nằm cách làng nghề Thanh Tiên không xa là làng Sình (xã Phú Mậu), nơi được biết đến với nghề vẽ tranh nổi tiếng bậc nhất Huế ngày nay gắn liền với tên tuổi của nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước. Dù đã bước sang tuổi 67, nhưng ông Phước vẫn còn rất linh hoạt trong công tác chế tạo bản khắc gỗ 12 con giáp để phục vụ cho việc vẽ tranh theo yêu cầu của người đặt hàng vào dịp Tết cổ truyền.

Bên chiếc giường tre bày vô số tác phẩm tranh vẽ phục vụ thờ cúng trong ngày tiễn ông Táo về trời sắp tới, ông Phước vừa cầm cọ màu vẽ tranh vừa tâm sự cho hay: Tranh làng Sình đã tồn tại trên 500 năm, chủ yếu phục vụ việc tín ngưỡng thờ cúng của nhân dân trong ngày rằm, lễ và Tết cổ truyền. Người làng chủ yếu sản xuất tranh 3 loại, gồm: Tranh nhân vật, đồ vật và súc vật.

Tranh Sình được làm hết sức công phu, từ khâu cắt giấy, quét điệp, in tranh mộc bản, phơi tranh, cho đến pha màu, tô màu và điểm nhãn. “Năm 1996, khi Nhà nước có chủ trương khôi phục các làng nghề truyền thống, trong đó có tranh làng Sình, gia đình đã đầu tư một số vốn rất lớn để mua sắm máy móc, phương tiện, dụng cụ vẽ tranh để phục hồi nghề. Đến nay, làng Sình đã có 70/150 hộ dân sống được bằng nghề làm tranh. Đặc biệt, vào các mùa lễ hội Festival thì làng Sình vinh dự đón hàng ngàn lượt khách về tham quan và mua tranh…”, ông Phước vui mừng bày tỏ.

Ông Trần Vãng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu khẳng định rằng, nhờ công sức của các nghệ nhân có tâm huyết như ông Hóa, ông Huy, ông Phước... nên nhiều làng nghề truyền thống ở địa phương mới được khôi phục và phát triển có thương hiệu như ngày nay.

Anh Khoa
.
.
.