Mặt trái của thủy điện - những bài học đắt giá

Bài 1: Thủy điện tràn lan, người dân khốn đốn

Chủ Nhật, 03/07/2016, 09:23
Lịch sử đất nước chưa bao giờ thấy mạng lưới thủy điện đã bủa vây chằng chịt hệ thống sông, suối trên vùng đất miền Trung và Tây Nguyên như hiện nay.


Một tỉnh nhỏ ở vùng cao Tây Nguyên như Kon Tum cũng đã từng đặt vấn đề quy hoạch tới gần 100 công trình thủy điện lớn nhỏ chằng chịt trên khắp các dòng sông, con suối. Có lúc các “đại gia” tranh nhau “chạy” dự án thủy điện và ví chuyện được dự án thủy điện như trúng vàng...

Anh Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, hiện tỉnh Kon Tum chỉ quản lý 41 thủy điện vừa và nhỏ, còn số thủy điện lớn do Trung ương quản lý. Trong số 41 thủy điện tỉnh đang quản lý chỉ có 15 công trình thủy điện đã hoàn thành đóng điện, số còn lại đang đầu tư, điều chỉnh quy hoạch hoặc chưa triển khai.

Ngoài 41 thủy điện đang nắm, trước đó tỉnh Kon Tum cũng đã thu hồi, loại bỏ quy hoạch 47 dự án thủy điện khác vì nhiều lý do.

Cũng giống Kon Tum, tỉnh Gia Lai một thời chủ trương đẩy mạnh kêu gọi đầu tư thủy điện, xem đây là một trong những lợi thế có một không hai ở Tây Nguyên. Qua hai đợt quy hoạch, tỉnh Gia Lai đã cho vào “tầm ngắm” xây dựng 73 thủy điện vừa và nhỏ.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Gia Lai, đến nay có 35 thủy điện vừa và nhỏ vận hành, tổng công suất 286,9MW; 6 thủy điện đang triển khai đầu tư và 13 thủy điện đang quy hoạch chưa đầu tư. Sau một giai đoạn trầy trật với thủy điện, tỉnh Gia Lai cũng đã loại khỏi quy hoạch 17 dự án thủy điện và cho dừng vận hành 2 thủy điện nhỏ.

Làng tái định cư thủy điện ở Kon Tum vì thiếu đất sản xuất nên người dân phá rừng làm rẫy.

Theo ông Nguyễn Tấn Hữu, Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trong 17 dự án thủy điện loại khỏi quy hoạch với tổng công suất 44,65MW, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, trong số 13 dự án thủy điện đang quy hoạch chưa có chủ đầu tư, ngành chức năng sẽ tiếp tục đề nghị loại khỏi quy hoạch thêm 7 dự án vì công suất nhỏ (tổng cộng 20MW), hiệu quả kinh tế kém nhưng ảnh hưởng tác động môi trường lớn.

Riêng địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã từng cho phép quy hoạch, đầu tư xây dựng gần 500 dự án thủy điện lớn nhỏ các loại, với tổng công suất thiết kế gần 10.000MW. Thiết kế, quy hoạch trên lý thuyết cho thấy nếu hoàn thành tất cả các dự án đặt ra ở Tây Nguyên thì sẽ sản sinh cho đất nước một lượng điện năng khổng lồ, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng...

Tuy nhiên, thực tế đến nay nhiều dự án đã bỏ, chậm tiến độ hoặc bị loại khỏi quy hoạch, thu hồi giấy phép vì nhiều lý do; trong đó có việc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nghiêm trọng. Nhiều thủy điện ở Tây Nguyên hiện nay còn kéo dài vì thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, thay đổi nhà thầu, bị vỡ đập trong quá trình thi công và thiếu vốn bổ sung... nên dẫn đến cuộc sống người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thủy điện gặp nhiều khó khăn.

Ở huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum có 9 dự án thủy điện nhưng đến nay phần lớn đều chậm trễ hoặc bị thu hồi. Hệ lụy này dẫn đến hàng loạt ảnh hưởng khó khăn cho cuộc sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng trong vùng dự án. Gia đình A Thơ (19 tuổi) cùng nhiều hộ dân nghèo ở thôn Bê Rê, xã Đắk Choong từ ngày bị thủy điện lấy đất đã phải đi làm thuê để kiếm ăn từng bữa. Theo Trưởng thôn A Thuốc, thủy điện lấy đất nhưng chưa bố trí lại đất cho các hộ sản xuất...

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Thủy điện Đắk Mi 1 ở xã Đăk Choong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum được triển khai từ năm 2009 và tiến hành bồi thường vùng dân bị ảnh hưởng từ năm 2013. Theo thiết kế ban đầu, dự án có 15 hộ dân nằm trong vùng ngập do tích nước thủy điện phải di dời, 269ha đất sản xuất và hơn 100 hộ của 5 thôn của xã Đắk Choong bị ảnh hưởng từ dự án thủy điện này. 

Tại thôn Bê Rê, ngoài những hộ bị ảnh hưởng được đền bù, còn có 8 hộ nghèo chỉ được đền bù cây cối, hoa màu, riêng đất sản xuất hứa sẽ được bố trí tái định canh, nhưng gần 3 năm qua vẫn chưa thực hiện. Tương tự, hàng trăm người dân ở thôn Kon Năng, xã Đắk Choong, nhiều năm nay trong tâm trạng thấp thỏm không dám đầu tư sản xuất, không dám làm nhà cửa vì chờ tái định canh, định cư. 

Ông A Chép, Trưởng thôn Kon Năng cho biết, cây cối hoa màu thì họ đền bù rồi nhưng đất tái định canh thì không có, đất tái định cư đến giờ vẫn chưa san ủi mặt bằng...

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Kon Tum, lý do chậm trễ dự án Thủy điện Đắk Mi 1 là do chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế từ 49MW lên 84MW. Tương tự, thủy điện Đắk Mi 1A, ở xã Đắk Choong, Đắk Glei, Kon Tum cùng một chủ đầu tư cũng đang chậm trễ nhiều năm vì chờ điều chỉnh thiết kế cơ sở từ 5MW lên 11MW.

Thảm cảnh từ thủy điện ở Tây Nguyên trong quá trình xây dựng ẩu cũng đã dẫn đến vỡ đập, gây thiệt hại cho nhân dân. Sau 2 lần vỡ đập ở thủy điện Ia Krel 2 (Đức Cơ, Gia Lai) đến giờ vẫn còn nhiều hệ lụy chưa giải quyết xong. Hay sự cố vỡ đập của thủy điện Đắk Mek 3 ở Mường Hoong, Đắk Glei, Kon Tum cũng gây chậm trễ và bất ổn cuộc sống người dân xung quanh. 

 Ở huyện Đắk Glei, Kon Tum cũng có thủy điện chỉ “mọc lên” để khai thác vàng trái phép. Câu chuyện vỡ lở khi thủy điện Đắk Brot do Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm (Kon Tum) làm chủ đầu tư vừa bị UBND tỉnh Kon Tum thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp từ năm 2010. 

Cả thảy ở huyện Đắk Glei, Kon Tum được quy hoạch và cấp phép 9 dự án thủy điện vừa và nhỏ từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có thủy điện nào phát điện. Trong khi đó hệ lụy của các dự án thủy điện đã đem lại nhiều nỗi khổ cho người dân địa phương.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, sự ảnh hưởng của thủy điện tới phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên rất lớn.

Đáng chú ý là mặt trái của thủy điện đã tác động đến môi trường, làm ngập, phá hủy nhiều diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, hệ động thực vật, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư và đặc biệt là thu hẹp không gian sống của đồng bào thiểu số tại chỗ.

Chỉ tính riêng với 25 công trình thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã chiếm dụng gần 70.000ha đất, ảnh hưởng đến gần 26.000 hộ dân, trong đó có gần 7.000 hộ phải di dời đến nơi ở khác, kéo theo nhiều hệ lụy về cuộc sống dân sinh bất ổn...

Đặng Ngọc Như
.
.
.