Gia Lai: Cảnh báo việc đầu tư thủy điện tràn lan

Thứ Bảy, 08/03/2008, 11:02
Tính đến thời điểm hiện tại, Gia Lai là tỉnh có nhiều công trình thủy điện nhất nước. Ngoài 7 công trình thủy điện lớn mang tầm quốc gia đã và đang được đầu tư xây dựng, còn có khoảng 110 công trình thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch xây dựng ở cấp tỉnh quản lý.

Cơn thiếu điện của cả nước càng làm cho các dự án thủy điện lên giá, nhưng thực trạng cũng nảy sinh nhiều bất cập...

Một doanh nghiệp tư nhân mách nhỏ với tôi rằng, muốn có một dự án thủy điện vài chục MW thì phải mất tiền tỷ chi phí thủ tục... nhưng không sợ lỗ, "chạy" được dự án là lời chắc hàng chục tỷ đồng.

Tôi không hiểu thủ tục để được đầu tư một dự án thủy điện thế nào nên đến gặp ông Phan Văn Lân - Giám đốc Sở Công nghiệp Gia Lai để tìm hiểu. Theo ông Lân, muốn đầu tư một dự án thủy điện thì phải hoàn thành nhiều thủ tục quan trọng từ khảo sát thiết kế đến lập dự án đầu tư, đăng ký giá điện, thỏa thuận tìm đấu nối hòa lưới điện... và phải trải qua nhiều ban, ngành từ tỉnh đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Còn tiêu chuẩn để được đầu tư dự án thủy điện ở Gia Lai (do Sở Công nghiệp tham mưu) thì có một số ưu tiên nhất định như doanh nghiệp đóng góp nhiều cho địa phương, có năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án... Tuy nhiên, ông Lân từ chối cung cấp văn bản chính thức về những quy định ưu tiên này.

Theo báo cáo của Sở Công nghiệp Gia Lai, đến nay toàn tỉnh có khoảng 110 dự án thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch xây dựng, tổng công suất tất cả khoảng 500 MW, trong đó có 19 nhà máy đã vận hành. Có điều đáng nói là vì sao không tổ chức đấu thầu các dự án thủy điện?

Ông Lân cho rằng, điều này luật cho phép nhưng hầu như cả nước chưa ai thực hiện. Thực trạng ở Gia Lai có rất nhiều doanh nghiệp chưa bao giờ làm thủy điện nhưng trước phong trào "sốt" dự án thủy điện nên cũng tìm mọi cách để kiếm dự án. Kết quả ban đầu là hết thời hạn quy định nhưng không thực hiện được. Lý giải về sự chậm trễ của hàng chục dự án thủy điện ở Gia Lai, ông Lân cho rằng, rất nhiều lý do như giải phóng mặt bằng chậm, khó khăn trong việc làm thủ tục xin đấu nối vào lưới điện quốc gia và không loại trừ một số doanh nghiệp khó khăn về vốn...

Ông Lân cũng cho biết, có thông tin doanh nghiệp xin công trình thủy điện bán lại hoặc bán cổ phiếu dưới nhiều hình thức nhưng đến giờ vẫn chưa có cơ sở để xác định cụ thể nên không thể xử lý được.

Trong khi nhiều dự án thủy điện chậm trễ chưa hoàn thành, chưa khởi công được, nhưng ngày 14/1/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục có quyết định phê duyệt danh sách 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ tiếp theo ở địa bàn tỉnh Gia Lai và hầu hết đã có sự "xí phần" của các doanh nghiệp. Theo tính toán giá hiện tại, bình quân đầu tư cho mỗi MW điện phải mất 20 tỷ đồng, vì thế mỗi công trình thủy điện vừa và nhỏ bình quân cũng tiêu tốn số vốn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi đó lãi suất ngân hàng đang tăng cao, giá nguyên vật liệu, thiết bị vật tư cũng nhảy lên chóng mặt nên việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, cơn "sốt" dự án thủy điện cũng kéo theo tình trạng giá cổ phiếu các dự án lên cao.

Có trường hợp mới chạy dự án thủy điện đã bán cổ phiếu trên giấy và không loại trừ các hiện tượng lừa đảo hoặc chiếm dụng vốn núp dưới danh nghĩa đầu tư... Mặt khác, việc quy hoạch tràn lan những công trình thủy điện trên cùng một hệ thống sông suối nếu có hậu quả xấu, thiếu nước sẽ xảy ra phản ứng dây chuyền hết sức nguy hiểm, hậu quả thiệt hại không thể lường hết...

Chủ trương phát triển nhiều dự án thủy điện để đảm bảo sản lượng điện hằng năm cho quốc gia, góp phần phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là cần thiết nhưng cần phải có sự chọn lọc đầu tư và chú ý tính hiệu quả thiết thực của các dự án. Cần cảnh giác trước hiện tượng chạy dự án để bán hoặc lợi dụng đầu tư thủy điện để thu lợi bất hợp pháp

Ngọc Như
.
.
.