Một huyện có 9 dự án thủy điện và hệ lụy mất rừng

Thứ Sáu, 11/05/2012, 19:56
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, bày tỏ, với một huyện miền núi như Đông Giang có đến 9 dự án thủy điện thì cũng phải rà soát lại, dự án thủy điện nào giải quyết bền vững thì cho làm, nhất là đầu tư trồng tái tạo rừng, vấn đề môi trường, dân sinh...
>>Thêm 4 dự án thủy điện tại Quảng Nam

Mỗi dự án thủy điện được cấp phép xây dựng đồng nghĩa với việc hàng trăm hécta rừng bị tàn phá, dẫn đến môi trường, môi sinh bị thay đổi... Trong khi đó, tại huyện Đông Giang, Quảng Nam, hiện có đến 9 dự án thủy điện. Không chỉ diện tích lớn rừng thượng nguồn bị xóa sổ mà trong tương lai gần, các thủy điện này hoàn thành đi vào hoạt động; nếu không có cơ chế phối hợp xả lũ thì chắc chắn tai họa mà hàng vạn người dân vùng hạ lưu gánh chịu rất khôn lường...

Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 43 dự án thủy điện (10 dự án lớn, 34 dự án vừa và nhỏ). Đặc biệt, huyện Đông Giang có đến 9 dự án thủy điện, trong đó 4 dự án thủy điện lớn gồm: A Vương, Sông Côn 2, Sông Bung 5, Sông Bung 6; 5 dự án thủy điện vừa và nhỏ như: Za Hung, An Điền 2, Sông Bung 4A, A Vương 4 và A Vương 5.

Theo xác nhận của ông Đỗ Tài, Chủ tịch huyện Đông Giang, đất và rừng do thủy điện chiếm mất khoảng 2.000ha, gần 10.000 người dân bị tác động trực tiếp. “Cần phải xem lại trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án làm ảnh hưởng vấn đề dân sinh của người dân. Vì nhận thức của người dân còn hạn chế, tập quán sinh sống ven sông để có điều kiện sản xuất đã ăn sâu vào từng người, nên khi được sống tập trung, sinh hoạt của họ đã có nhiều thay đổi, đất phục vụ sản xuất ít hơn, hoặc phải đi xa hơn… Nhất là việc bố trí đất canh tác cho người dân quá ít, từ đó người dân kéo nhau vào rừng phá rừng làm rẫy là điều khó tránh khỏi” – Ông Tài nói. 

Rừng đầu nguồn bị tàn phá không thương tiếc để thực hiện các dự án thủy điện.

Cùng chung ý kiến đó, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng, việc xây dựng thủy điện đồng nghĩa với việc toàn bộ số rừng, ruộng, rẫy của người dân nằm trong dự án thủy điện bị mất trắng, chưa nói những cánh rừng lân cận. Bên cạnh đó, phá rừng để xây dựng các khu tái định cư (TĐC). Rồi người dân vào các khu TĐC thiếu đất sản xuất, điều kiện sống không phù hợp lại một lần nữa bỏ đi nơi khác khai hoang. Như vậy, diện tích rừng bị mất sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Cuối cùng, chính các dự án thủy điện đã “hút” hết đất rừng… Không thể phủ nhận những lợi ích từ các thủy điện. Song, phát triển thủy điện tràn lan, theo kiểu “phủ sóng” như ở Quảng Nam hiện nay cần phải cẩn trọng, nếu không sẽ trở thành mối đe dọa khôn lường đối với rừng núi và đồng bào vùng hạ du...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, bày tỏ: “Việc đầu tư dự án thủy điện là cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng thời gian qua, việc xây dựng ồ ạt thủy điện có hại nhiều hơn có lợi. Lợi thì lợi cục bộ nên người ta tính để làm sao cho có lợi cao nhất mà không tính đến hậu quả gây ra cho người dân. Trong thời gian đến, tỉnh Quảng Nam sẽ giám sát chặt các thủy điện trên địa bàn. Thủy điện nào còn gây lo ngại và ảnh hưởng đến đời sống người dân thì tỉnh sẽ không cho tích nước và kiến nghị TW không cho vận hành”.

Ông Sỹ khẳng định, với một huyện miền núi như Đông Giang có đến 9 dự án thủy điện thì cũng phải rà soát lại, dự án thủy điện nào giải quyết bền vững thì cho làm, nhất là đầu tư trồng tái tạo rừng, vấn đề môi trường, dân sinh... Đối với các khu TĐC của thủy điện phần lớn chưa sát thực, cuộc sống người dân hiện tại vẫn còn khó khăn nhiều mặt. Thời gian đến, tỉnh sẽ yêu cầu TĐC lại hết cho dân, cấp thêm đất sản xuất cho dân, không để dân phải phá rừng làm rẫy, vi phạm pháp luật...

An Khang
.
.
.