3 giờ nghẹt thở "rút" lưỡi dao xuyên sọ cho cháu bé sơ sinh

Thứ Hai, 10/08/2015, 22:27
“Chưa bao giờ áp lực như thế! Vô cùng hồi hộp, sợ nhất là bé bị chảy máu ngay trên bàn mổ. Bé sẽ tử vong ngay lập tức nếu sai dù chỉ một thao tác nhỏ..." - các BS đã trải lòng như thế về ca mổ não trẻ sơ sinh phức tạp nhất từ trước đến nay




Sáng 10/8 bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 đã có thông tin tiếp về trường hợp cháu bé trai sơ sinh 12 ngày tuổi, con của sản phụ Võ Thị Hồng Duyên (ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), bị thương nguy kịch do bị một phụ nữ lạ mặt đâm dao trúng vùng hốc mắt thấu xương sọ não.

Giây phút vui mừng của ê kíp mổ khi đưa được mũi dao ra khỏi đầu cháu bé.

Ths-BS  Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng 1 TP.Hồ Chí Minh cho biết, sau khi được phẫu thuật lấy lưỡi dao ra thành công vào chiều ngày 8/8, đến nay, tình trạng bé vẫn còn hôn mê, thở máy nhưng mạch đập rất rõ (160l/phút). Bé tiếp tục được điều trị tích cực. TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV cũng thông tin: Để kịp thời động viên tinh thần các bác sĩ, Sở Y tế TP HCM cũng vừa có đề nghị với UBND TP HCM sẽ có quyết định khen thưởng cho tập thể các BS, điều dưỡng trong ê kíp phẫu thuật chăm sóc cho cháu bé.

 Chúng tôi cũng kịp trò chuyện với Ths- BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cũng là người chỉ huy toàn bộ cuộc mổ đã kể lại về những giây phút căng thẳng, đầy áp lực để cứu cháu bé!. BS Hiếu kể : “Việc chuẩn bị từ hồ sơ bệnh án, các hình ảnh chẩn đoán, các chỉ số theo dõi, rồi việc phối hợp giữa ê kíp của BV với BS Ngoại thần kinh của BV Nhân dân 115, lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong quá trình mổ cho bệnh Nhi …tất cả khâu chuẩn bị ấy đã “ngốn” của chúng tôi hết 2,5 giờ, cùng với thời gian mổ là 3 giờ. Tức gần 6 tiếng đồng hồ căng thẳng nhưng khẩn trương. Có lẽ trong cuộc đời làm BS phẫu thuật, tôi chưa từng gặp một trường hợp bé sơ sinh nào mà bị một tổn thương não nguy kịch như cháu bé”.

3h nghẹt thở trong phòng phẫu thuật.

Cũng theo BS Hiếu, như qui định của BV về những trường hợp cấp cứu đặc biệt, sau khi bé nhập viện, các BS Chuyên khoa thuộc các lĩnh vực liên quan đều phải có mặt. Hồ sơ bệnh án, các chỉ số thông tin cần thiết trên em bé đã được tập hợp và báo cáo. Tất cả cho mục tiêu nỗ lực cứu bằng được em bé. Hình ảnh CT- Scaner não bệnh Nhi cho thấy, lưỡi dao đâm xuyên từ phía trước vùng hốc mắt trái ra phía sau, chệch qua bên phải, đầu dao nhọn lộ hẳn ra bên ngoài da, phía sau đầu. Phần chuôi dao dài, cắm ngay bên ngoài vùng hốc mắt trái. “Thực sự là nhìn thấy bé trong tình trạng bị dao đâm thấu sọ, lưỡi dao nhọn, bằng thép đã gỉ, màu đen, và rất dơ. Hai nỗi lo nhất của chúng tôi lúc đó là nhiễm trùng và chảy máu khi mổ, …đó là những thách thức rất lớn cho chúng tôi”. Anh kể.

Trước hết, bé được thực hiện cho siêu âm và làm thêm xét nghiệm cần thiết để đánh giá có tổn thương vùng nhãn cầu mắt hay không, thật may mắn là không tổn thương nhãn cầu. Sau đó, ê kíp phải thực hiện việc đầu tiên nhưng phải thành công là phải mở được một “khoảng trống” vùng trước trán. Đường dao đầu tiên vô cùng quan trọng! Đi vào đúng vùng giữa trán, mở vùng xương sọ của trán và đưa ra ngoài một mảnh xương (khoảng 4X6 cm), bộc lộ được phần não bên trong. Ngay khi đó đã phát hiện, đường dao đâm đã đi xuyên vùng hốc mắt đã làm dập não vùng này, gây chảy máu. Ê kíp phải làm thao tác cầm máu ngay, vì mất máu lúc này sẽ vô cùng bất lợi cho cuộc mổ. Đi sâu xuống nữa “thám sát”, đường dao còn làm tổn thương vùng xương phía trên hốc mắt của bé khiến bị nứt, vùng xương sàng cũng bị vỡ, cùng một phần bao lấy não cũng bị tổn thương. Hoàn tất khâu đưa một phần sọ vùng trán ra ngoài, tạo khoảng trống để đưa lưỡi dao ra, 2 giờ đồng hồ đã trôi qua nhanh chóng!. Mồ hôi mọi người đã túa ra ướt đầm dù trong phòng lạnh. Đến thao tác cực kỳ quan trọng của cuộc mổ là đưa lưỡi dao ra.

Cháu bé đang được theo dõi chặt chẽ tại khoa hồi sức tích cực Nhi sơ sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. 

BS Hiều kể: “Chưa bao giờ áp lực như thế! Vô cùng hồi hộp, sợ nhất là bé bị chảy máu ngay trên bàn mổ. Từ từ, từng chút một. Thật chậm! 5 phút mới xong thao tác này. Bé sẽ tử vong ngay lập tức nếu sai dù chỉ một thao tác nhỏ. Tôi nhẹ hết cả người khi việc rút dao ra khỏi đầu bé xong an toàn, có hiện tượng chảy máu nhưng hoàn toàn kiểm soát được!.”.

Đúng như BS Hiếu kết luận, đây là ca mổ sọ não trẻ sơ sinh phức tạp đầu tiên mà các BS gặp phải nhưng cũng sẽ để lại cho họ rất nhiều kinh nghiệm quí báu. Được biết, khi BS Hiếu hoàn tất việc rút lưỡi dao ra khỏi đầu bé, thì việc cầm máu vẫn không được lơ là, đồng thời một việc cần làm thật chính xác đã phải chuẩn bị từ trước đó là kịp thời đưa mảnh sọ nhân tạo “phủ” vào vùng sọ trước trán của bệnh nhi đã lấy ra trước đó. Mảnh xương nhân tạo này có tác dụng bảo vệ não bên trong, chống sự dò rỉ dịch, và sẽ “sống” cùng cơ thể của bé mãi mãi.

Ca mổ kết thúc vào 13h30' ngày 8/8, kéo dài 3 giờ, không một sai sót nào xảy ra, kiểm soát được rủi ro từ đầu tới cuối. Thật ấn tượng với cả ê kíp phẫu thuật này khi được các BS cho biết: nếu để xảy ra việc chảy máu bên trong não thì chỉ cần 10-20 giây thôi cũng không giữ nổi sinh mạng cho bé”.

Ths-BS Đào Trung Hiếu: Đây thực sự là một ca mổ “ấn tượng” trong cuộc đời làm bác sĩ phẫu thuật của tôi.

Trưa ngày 10/8, các thông số theo dõi cho thấy sức khỏe bé đã dần ổn định hơn. Tổn thương mũi dao cũng gây cho bé có 2 khối máu tụ đường kính khoảng 2 cm, tuy nhiên rất may là không gây chèn ép lên nhu mô não của bé. Ths-BS  Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng chia sẻ: “Mối lo ngại viêm phổi là bệnh nền của bé hiện cũng được kiểm soát tốt. Với một ca mổ chấn thương sọ não sau 48 h là chưa nói được điều gì!. Lưỡi dao làm tổn thương đứt một đường truyền trong nhu mô não nên trẻ cũng có thể đột tử bất cứ lúc nào! Nhưng có thể nói là ca phẫu thuật sọ não cho bé đã thành công. Lưỡi dao đã đưa ra mà không gây mất máu, không biến chứng. Không chỉ ê kíp mổ mà cả BV chúng tôi đều vui mừng trong việc mổ cấp cứu một trường hợp trẻ sơ sinh nguy kịch như vậy!”.

Huyền Nga
.
.
.