Tổng thống Putin ra lệnh phát triển 2 hệ thống tên lửa mới

Thứ Ba, 05/02/2019, 21:15

Nga sẽ phát triển 2 hệ thống tên lửa mới phóng tự mặt đất trước năm 2021 để đáp trả quyết định của Mỹ rời khỏi một hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết hôm 5-2.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vào cuối tuần qua rằng Nga đình chỉ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được ký vào thời Chiến tranh lạnh, cấm hai nước triển khai các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung được phóng từ mặt đất ở châu Âu.

Mosow và Washington tố cáo lẫn nhau vi phạm hiệp ước, và ông Putin cho biết Nga cần có hành động mạnh mẽ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF.“Washington tuyên bố kế hoạch bắt đầu nghiên cứu, phát triển và thiết kế các hệ thống tên lửa và Moscow sẽ làm điều tương tự,” ông Putin tuyên bố.

“Quân đội Nga sẽ tạo ra các hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất dành cho tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến hiện nay, Kalibr và tên lửa siêu thanh tầm xa mới có thể bay nhanh hơn vận tốc âm thanh đến 5 lần”, ông Putin cho biết thêm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin  họp với Ngoại trưởng Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu trong Điện Kremlin hôm 2-2. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm 5-2 ra lệnh bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa thế hệ mới. Đại tướng chỉ huy các lực lượng vũ trang Nga chia sẻ ông muốn công việc hoàn tất vào cuối năm 2020 và các hệ thống sẽ phục vụ Quân đội bắt đầu từ năm 2021.

“Từ ngày 2-2, Mỹ đình chỉ nghĩa vụ thực hiện Hiệp ước INF,” ông Shoigu phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức Bộ quốc phòng Nga.

“Đồng thời, họ đang chủ động tạo ra một loại tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn hơn 500 km, vượt qua giới hạn của hiệp ước. Tổng thống Putin đã giao cho Bộ Quốc phòng nhiệm vụ thực hiện biện pháp tương xứng,” ông Shoigu cho biết thêm.

Moscow từ chối vi phạm hiệp ước được ký vào năm 1987. Nga tuyên bố Washington mới là bên vi phạm INF và tố cáo Chính quyền Donald Trump cố ý kiếm cơ để rời khỏi hiệp ước để phát triển tên lửa mới gây ra nguy cơ chạy đua vũ trang và xung đột. Washington bác bỏ điều này.

“Từ năm 2019-2020, chúng ta cần phát triển một tổ hợp tên lửa Kalibr phóng từ mặt biển sử dụng tên lửa hành trình tầm xa, đã chứng minh hiệu quả chiến đấu ở Syria. Đồng thời, chúng ta cần tạo ra một tổ hợp tên lửa phóng từ mặt đất sử dụng tên lửa siêu thanh tầm xa,” ông Shoigu lưu ý, cho biết thêm quyết định được đưa ra sau quyết định của Washington đối với INF.

“Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần phải tăng phạm vi hoạt động của các hệ thống tên lửa phóng từ mắt đất, hiện đang được phát triển,” ông Shoigu cho biết thêm.

Video tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt khủng bố ở Syria

Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhận xét rằng kinh nghiệm hoạt động chiến đấu giúp Syria chống khủng bố với sự giúp đỡ của các loại vũ khí chính xác cao cho thấy Nga cần phải tái trang bị vũ khí cho Lực lượng Không quân Vũ trụ.

“Kinh nghiệm Syria cho thấy hiệu quả sử dụng vũ khí chính xác cao đòi hỏi cần phải có dữ liệu trinh sát và bản đồ chi tiết. Dữ liệu chỉ có thể thu thập thông qua vệ tinh hiện đại có khả năng giám sát bề mặt trái đất với độ phân giải cao,” ông Shoigu lưu ý, chia sẻ rằng Bộ Quốc phòng Nga đang chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Tổ hợp tên lửa Kalibr hiện tại quân đội Nga đang sử dụng đã ra đời từ năm 1994. Phiên bản hiện đại nhất và có tầm bắn xa nhất là phiên bản 3M-14 hiện cũng chỉ có tầm bắn tối đa khoảng từ 2.000 tới 2.500 km.

Phiên bản hiện tại của Kalibr sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng (hoặc rắn ở những phiên bản cũ hơn) và có tốc độ bay tối đa vượt quá vận tốc âm thanh đến 2,9 lần. Rất có thể việc mở rộng tầm hoạt động lên gấp đôi ở phiên bản Kalibr-M cũng sẽ khiến tên lửa này có tốc độ nhanh hơn nữa so với các phiên bản hiện tại.

Độ chính xác của loại tên lửa này cũng cực kỳ cao. Ở khoảng cách tối đa Kalibr chỉ có độ lệch tâm tối đa 3 mét.

Đại sứ Mỹ công tác ở Liên bang Nga Jon Huntsman hôm qua, thứ Hai, ngày 4-2 tuyên bố Washington bảo lưu quyền đóng băng thông báo rút khỏi INF nếu Nga tuân thủ các quy định có kiểm chứng trong vòng 6 tháng.

Phạm Trúc
.
.
.