Nga khôi phục dự án chiến đấu cơ cất cánh thẳng đứng thời Liên Xô

Thứ Sáu, 21/07/2017, 15:23
Hải quân Nga lên kế hoạch phục hồi dự án tiêm kích có khả năng cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng giống như chiếc Yak-141 có từ thời Xô Viết để bố trí trên các tàu sân bay thế hệ mới.

Phát biểu bên lề triển lãm hàng không MAKS 2017 đang diễn ra tại ngoại ô Moscow hôm 20-7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov đã bất ngờ tiết lộ rằng Nga đang cân nhắc khả năng chế tạo máy bay cất cánh từ đường băng ngắn hoặc cất cánh thẳng đứng.

"Bộ Quốc phòng Nga đang thảo luận với các hãng sản xuất về việc phát triển một mẫu máy bay có thể cất, hạ cánh trên đường băng siêu ngắn hoặc theo phương thẳng đứng dựa trên dòng máy bay Yakovlev" - ông Borisov nói, đồng thời cho biết thêm rằng mẫu máy bay này có thể được trang bị trên tàu sân bay của Nga.


Xem Yak-141 phô diễn khả năng ưu việt.Video: StarChanel

Hiện Nga chỉ duy trì hoạt động của một tàu mặt nước có khả năng mang máy bay chiến đấu là Tuần dương hạm Đô đốc Kuznetsov, nhưng con tàu đã khá già nua. Theo các nguồn tin Hải quân Nga, Moscow đã có kế hoạch đóng mới một số tàu sân bay trong tương lai gần. Bởi vậy, sự cần thiết của một loại máy bay có thể cất cánh thẳng đứng là không thể phủ nhận.

Trong lịch sử, Liên Xô là quốc gia đầu tiên chế tạo thành công máy bay chiến đấu đạt vận tốc siêu thanh và có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng mang tên Yakolev Yak-141. Theo thiết kế, Yak-141 được trang bị 1 động cơ phản lực Soyuz R-79V-300 cùng 2 động cơ nâng RKBM RD-41, tốc độ tối đa 1.800km/giờ, tầm hoạt động 2.100km.

Khi vừa thực hiện chuyến bay đầu tiên, Yak-141 đã thiết lập liền lúc 12 kỷ lục thế giới. Tuy nhiên, dự án này đã chết yểu do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm sau khi Liên Xô tan rã.

Theo nhiều nguồn tin, loại tiêm kích F-35B của Mỹ (trang bị chủ yếu cho Thủy quân lục chiến Mỹ) đã áp dụng một số công nghệ và thiết kế từ Yak-141.

Một chiếc Yak-141 của Không quân Nga. Ảnh: ITN
Thiện Nhân
.
.
.