Xóa “khoảng trống” pháp lý trong đấu tranh với tội phạm dâm ô trẻ em

Chủ Nhật, 07/04/2019, 08:35
Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến hành vi dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Thực tế cho thấy, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tội dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em gặp nhiều khó khăn, thách thức. Giải pháp để bảo vệ trẻ em là gì? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Luật sư (LS) Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An (Hà Nội) xoay quanh những nội dung này.

PV: Hiện dư luận đang quan tâm đến vụ việc một bé gái nghi bị sàm sỡ tại chung cư Galaxy 9, quận 4, TP Hồ Chí Minh tối 1-4. Qua những hình ảnh camera ghi lại và thông tin ban đầu, về góc độ pháp lý, luật sư đánh giá hành vi của người đàn ông này như thế nào?

LS Lê Văn Quý: Trước khi đánh giá hành vi của người đàn ông này, tôi muốn phân tích một vài khía cạnh pháp lý. Tội dâm ô theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự là tội cấu thành hình thức, theo đó chỉ cần người nào có hành vi dâm ô mà bất kể hậu quả như thế nào đều đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thoả mãn dục vọng của mình nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân. Hành vi dâm ô thông thường không để lại hậu quả về tính mạng và sức khỏe, thương tích trên cơ thể nạn nhân.

Luật sư Lê Văn Quý.

Cũng không thể dùng các xét nghiệm thông thường liên quan đến các dấu vết để xác định. Bởi vậy hậu quả của hành vi dâm ô cơ bản nhất là sự phát triển về tâm lý, sinh lý của những người dưới 16 tuổi, độ tuổi có sự thay đổi và phát triển rất lớn về tâm sinh lý.

Từ góc độ lý luận trên đây, mặc dù góc quay của camera những đoạn không trực diện, nhưng xem kỹ clip về sự việc xảy ra, theo tôi rõ ràng người đàn ông này đã có hành vi hôn, sờ … cơ thể của cháu bé, đủ để cấu thành tội dâm ô nêu trên.

Đồng thời, căn cứ theo Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại thì tội Dâm ô với người từ dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự không thuộc trường hợp này nên kể cả việc gia đình bị hại không yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền vẫn khởi tố vụ án hình sự nếu đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Có như thế mới xử lý nghiêm hành vi phạm tội cũng như răn đe, giáo dục nói chung.

PV: Với tội dâm ô trẻ em, các đối tượng sẽ phải đối mặt với những mức án như thế nào? Mức xử phạt này đã đủ sức răn đe chưa, thưa luật sư?

LS Lê Văn Quý: Tùy thuộc vào tình tiết tăng nặng định khung và mức độ nghiêm trọng, hành vi dâm ô có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Khoản 1) hoặc từ 3 năm đến 7 năm đối với các trường hợp theo quy định tại khoản 2, Điều 146: Phạm tội có tổ chức, Phạm tội 2 lần trở lên, Đối với 2 người trở lên, Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh: Là trường hợp giữa người phạm tội và người bị hại có mối quan hệ, trong đó người phạm tội có nghĩa vụ đối với người bị hại; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; Tái phạm nguy hiểm.

Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; Làm nạn nhân tự sát thì mức hình phạt là 7 năm đến 12 năm (khoản 3). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (Khoản 4, Điều 146).

PV: Có những vụ việc ranh giới giữa hành vi dâm ô với không dâm ô là khó xác định. Luật sư có thể chỉ ra những khó khăn trong các vụ việc như thế này?

LS Lê Văn Quý: Ranh giới này được hiểu là hành lang pháp lý. Theo đó hiện chưa có bất kỳ văn bản hướng dẫn chi tiết hơn về hành vi dâm ô để truy cứu trách nhiệm hình sự phân biệt rõ ràng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trong xử lý vi phạm hành chính.

Hành vi như thế nào được gọi là dâm ô cũng chưa có hướng dẫn chi tiết, trong khi hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT đã hết hiệu lực và không còn phù hợp với tình hình diễn biến tội phạm hiện nay.

Đồng thời, như trên tôi đã phân tích, hành vi dâm ô thông thường không (hoặc khó) để lại hậu quả về tính mạng và sức khỏe, thương tích trên cơ thể nạn nhân nên không thể dùng các xét nghiệm thông thường liên quan đến các dấu vết để xác định.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm tình dục đối với người chưa thành niên, cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn mới về xử lý loại tội phạm này.

PV: Trên thực tế, có những vụ việc bị “chìm xuồng” do những rào cản về tâm lý của phụ huynh. Họ lo lắng nếu đưa sự việc ra ánh sáng pháp luật, con gái họ cũng sẽ phải chịu những tổn thất về tinh thần. Luật sư đánh giá thế nào về vấn đề này?

LS Lê Văn Quý: Đặt vào vị trí của nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân, tâm lý này hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu. Việc giấu kín hoặc chấm dứt nhanh chóng để ổn định tâm lý, tránh tổn thương và sang chấn tâm lý kéo dài cho nạn nhân. Đây là một trong những lý do khiến một số vụ việc “chìm xuồng”.

Tuy nhiên, theo tôi đây không phải là lý do quyết định, bởi việc xử lý hành vi này không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại hay gia đình người bị hại, mà ở cơ quan thẩm quyền trong việc lên tiếng, vào cuộc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em cũng như của cơ quan tiến hành tố tụng, vì cơ bản đây không phải là loại tội phạm khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.

PV: Vậy làm sao để người bị hại và gia đình dũng cảm đứng lên đấu tranh?

LS Lê Văn Quý: Theo tôi, để người bị hại và gia đình dũng cảm lên tiếng, cơ quan thẩm quyền cần có những biện pháp nghiệp vụ bảo vệ uy tính danh dự, nhân phẩm cũng như sự an toàn cho người bị hại, tránh tác động xấu từ dư luận.

PV: Thời gian gần đây, ngày càng nhiều các vụ việc dâm ô trẻ em được đưa ra ánh sáng. Theo luật sư, cần có biện pháp gì để phòng ngừa và ngăn chặn hành vi này?

LS Lê Văn Quý: Đó là câu chuyện cần sự phối kết hợp giữa các ban ngành liên quan, bao gồm cả truyền thông, giáo dục phát triển kỹ năng sống. Ở góc độ pháp lý cần hoàn thiện các quy định liên quan theo hướng phân định rõ hành vi và chế tài nghiêm khắc kết hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho toàn xã hội.

PV: Và chúng ta cần trang bị kỹ năng gì cho phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em nói riêng khi gặp đối tượng có ý định thực hiện hành vi xâm hại tình dục?

LS Lê Văn Quý: Tôi đặc biệt quan tâm tới đối tượng người bị hại là trẻ em và rất ấn tượng một trong những kỹ năng sống cần trang bị cho trẻ em là Quy tắc Đồ lót (PANTS rules) mà tổ chức NSPCC (National Society for the Prevention of Cruelty to Children) – Tổ chức từ thiện vì trẻ em của Anh kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình: Nên cho trẻ mặc đồ lót khi con được 3 tuổi.

P – Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sỹ, y tá hay bố mẹ. Bác sỹ, y tá phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích cho bé là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.

A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói "Không".

N – No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói không với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như: "Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" của những kẻ lạm dụng, khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe.

Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra. S – Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...

Quy tắc BÀN TAY trong giao tiếp giúp trẻ tự bảo vệ mình. Bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp: Vòng 1: Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Vòng 2: Nắm tay, khoác tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng. Vòng 3: Bắt tay: Khi gặp người quen. Vòng 4: Vẫy tay: Nếu đó là người lạ. Vòng 5: Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Nguyễn Hương
.
.
.