Tội phạm mua bán người có xu hướng dịch chuyển vào phía Nam

Thứ Sáu, 16/11/2018, 15:34
Thời gian qua, các đối tượng phạm tội mua bán người có xu hướng “dịch chuyển” mục tiêu tìm kiến nạn nhân từ những phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Đông Bắc sang những phụ nữ khu vực phía Nam, nhất là một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đây là con số được đưa ra tại cuộc họp Ban Chủ nhiệm dự án 4, Bộ Công an, ngày 15-11-2018.

Hội nghị do đồng chí Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS, thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ chủ trì. Cùng dự có các thành viên trong Ban chủ nhiêm dự án và công an các đơn vị, địa phương.

Theo Ban Chủ nhiệm dự án 4, trong 6 tháng đầu năm 2018, tội phạm mua bán người phát hiện 109 vụ, 126 đối tượng, lừa bán 236 (giảm về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2017). 

Trong đó nổi lên là: Mua bán người ra nước ngoài để ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, cưỡng bức lao động… chiếm khoảng 80% tổng số vụ. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để lừa xuất cảnh trái phép ra nước ngoài bán; tình hình công dân xuất cảnh, di cư trái phép diễn biến phức tạp, nhất là tại một số tỉnh phía Bắc và miền Trung. 

Đáng chú ý là tình trạng người nước ngoài (Campuchia, Indonesia) nhập cảnh hợp pháp hoặc bất hợp pháp vào Việt Nam, sau đó bị mua bán sang nước thứ ba.

Về tội phạm xâm hại trẻ em, toàn quốc phát hiện 720 vụ, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 85 vụ (10,5%). Theo tài liệu của Ban chủ nhiệm dự án, trong đó số vụ án xâm hại tình dục trẻ em 573 vụ (chiếm 79,5% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em). 

Qua các vụ bị phát giác, điều tra cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi thường là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, là người thân trong gia đình, người quen biết, hàng xóm (trong đó có cả đối tượng đang trong độ tuổi chưa thành niên).

 Qua công tác nắm tình hình cho thấy tình trạng bạo lực gia đình, cố ý gây thương tích cho trẻ em… tuy có giảm về số vụ, song xảy ra một số vụ tính chất rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng xấu, gây dư luận hoang mang, bức xúc trong xã hội.

Về tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên: 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 2.088 vụ, với 3.132 đối tượng, trong đó có 78 đối tượng nữ; 3054 đối tượng nam. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 170 vụ (7,5%), giảm 208 đối tượng (6,2%). 

Địa phương có số vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật cao là: Tây Ninh 130 vụ, Phú Yên 93 vụ, Gia Lai 81 vụ, Bình Định 78 vụ, Hà Tĩnh 77 vụ, Đà Nẵng 73 vụ, Đồng Nai 65 vụ… 

Các vụ việc liên quan đến xâm phạm nhân thân chiếm 66% trên tổng số vụ việc phát hiện, như: giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc… Liên quan đến tội phạm ma túy chiếm 15% trên tổng số vụ; các vi phạm khác chiếm 16% tổng số vụ, đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng.

Về tình hình bạo lực gia đình, thống kê của Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tại báo cáo tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong thời gian từ năm 2012-2017 đã xảy ra 139.395 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực về thân thể 69.133 vụ, bạo lực về tinh thần 51.227 vụ; bạo lực về kinh tế 14.331 vụ; bạo lực về tình dục 4.338 vụ.

 Đối với số liệu liên quan đến bạo lực gia đình chỉ thống kê chung trong tổng số các vụ việc đã khởi tố hình sự chứ chưa thực hiện phân tích riêng các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, thực trạng tình hình các vụ bạo lực gia đình tuy đã được phát hiện, can thiệp nhưng số lượng còn rất ít so với thực tế. Nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra nhưng không được phát hiện do các thành viên trong gia đình, thậm chí cả người bị bạo hành cố tình che dấu, hoặc không báo cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương biết.

Ban Chủ nhiệm Dự án 4 về “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người” giai đoạn 2018-2020 được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, thuộc Chương trình mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2020. 

Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự, Cơ quan Thường trực Dự án 4 và Chương trình 130/CP đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch, nội dung công tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Đã hoàn chỉnh quy trình hướng dẫn công tác phòng ngừa, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi và kiến nghị khởi tố để trình Bộ Công an ký ban hành hướng dẫn trên toàn quốc. Tổ chức khảo sát duy trì mô hình “Phòng ngừa trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” tại các địa phương trọng điểm, đề xuất nhân rộng mô hình mới.

Cuộc họp của Ban Chủ nhiệm dự án 4, Bộ Công an

Về công tác điều tra, xử lý tội phạm, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương tăng cường quan hệ phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ bạo lực, bạo hành với trẻ em. Qua đó, đã điều tra, khởi tố và xử lý hình sự 538 vụ tội phạm xâm hại trẻ em, chiếm 74,7 %; đang điều tra xác minh 127 vụ (chiếm 17,6%). Một số vụ chuyển xử lý hành chính. Tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên: Xử lý hình sự 816 vụ (chiếm 39 %), 1046 đối tượng (chiếm 33%); xử lý hành chính 982 vụ (chiếm 47%). Tội phạm mua bán người: đã khởi tố 54 vụ/87 bị can về tội mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, giải cứu, tiếp nhận trên 700 trường hợp (trong đó hơn 200 trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán) còn lại là những người di cư, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài; 100% nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ ban đầu, tư vấn pháp lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật.

Thời gian tới, lực lượng Công an (chủ công là Cảnh sát hình sự) phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình và mua bán người, đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp với đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, gắn với các đợt sinh hoạt chính trị hoặc phong trào thi đua do các cơ quan đoàn thể tổ chức... Sơ, tổng kết đánh giá các mô hình phòng, chống tội phạm có hiệu quả để từ đó nhân rộng góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm này. Phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát trong điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội nhằm răn đe tội phạm và tuyên truyền pháp luật.

                                                                                               

Mai Hiên
.
.
.