Nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người

Thứ Sáu, 24/08/2018, 09:27
Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10, ngày 23-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017.

Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian qua, tội phạm mua bán người đã xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mua bán người xảy ra dưới 2 dạng: Mua bán trong nước (lừa nạn nhân từ nông thôn ra thành thị bán vào nhà hàng, quán karaoke, cafe trá hình để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động…) và mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ).

Hoạt động mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó Trung Quốc chiếm trên 75%. 

Theo thống kê, từ năm 2012 – 2017, số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn mua bán là 3.090 người; 2.571 người đã trở về, trong đó tự trở về là 1.237 người và còn 519 người chưa trở về. Hơn 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em và đa số thuộc các dân tộc ít người, thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Cơ quan CSĐT đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can, chiếm 97,3% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý. Công tác xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người đảm bảo kịp thời, nghiêm minh.

Trình bày dự thảo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Pha lưu ý về những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Đó là việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân.

Một số nơi, các đối tượng phạm tội đã tìm đến các phiên chợ vùng cao, cổng trường học, nhất là trường dân tộc nội trú khu vực biên giới để tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh, xin số điện thoại, kết bạn qua zalo, facebook, tán tỉnh, giả vờ yêu đương, rủ rê đi chơi, đi làm thuê thu nhập cao, sau đó lừa các em gái đưa về thành phố bán vào nhà hàng, quán karaoke… để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi hoặc móc nối với đối tượng người nước ngoài đưa nạn nhân qua biên giới, vào sâu trong nội địa để bán.

Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha, một số nơi xuất hiện hiện tượng các đối tượng phạm tội giả danh lực lượng chức năng để lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân (đối tượng dùng tên, hình ảnh đại diện giả trên facebook, mặc lễ phục Bộ đội Biên phòng làm quen, kết bạn và lừa bán nạn nhân...).

Tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ: Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn. Kể cả khi đã tố giác, báo tin tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng. 

Đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới được phát hiện, khi đó đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài nên không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại hoặc người nhà nạn nhân.

Một số ý kiến cho rằng, việc xử lý tội phạm mua bán người còn nhiều bất cập, nhận thức của nạn nhân hạn chế nên bị đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người. Đồng thời, công tác tuyên truyền, hỗ trợ của địa phương chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bởi một số địa phương chưa quan tâm đúng mức vấn đề này. 

Bên cạnh đó, cần tập trung giảm nghèo bền vững, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn đào tạo nghề, tạo sinh kế, việc làm ổn định cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; chấn chỉnh lại việc đưa lao động đi nước ngoài…

Phan Phương
.
.
.