Nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người của lực lượng Biên phòng

Thứ Tư, 31/10/2018, 19:08
Chiều 31-10, nhân kỷ niệm 1 năm thành lập Phòng phòng chống mua bán người, Cục phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người của lực lượng Bộ đội Biên phòng”.


Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục PCMT&TP , chủ trì buổi Tọa đàm.  

Tại buổi Tọa đàm, Thượng tá Nguyễn Văn Mận, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục PCMT&TP đã thông tin về tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam. 

Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm chủ trì Tọa đàm
Thượng tá Đinh Văn Trình phát biểu tại Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự đã có nhiều đóng góp sâu sắc. Các tham luận đã chỉ ra được kỹ năng điều tra, thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm mua bán người; công tác phối hợp tuyên truyền phòng ngừa tội phạm mua bán người; công tác kiểm sát, điều tra vụ án mua bán người và giải cứu, xác minh, hỗ trợ và giải cứu nạn nhân... 

Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an chia sẻ “ Kỹ năng điều tra, thu thập chứng cứ, chứng minh hành tội phạm mua bán người; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp”. 

Theo đó, Bộ Luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) ra đời nhưng chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện một số điều luật nên nhận thức của các cơ quan phòng chống tội phạm chưa thống nhất. Bên cạnh đó, nạn nhân sau khi bị lừa bán từ nước ngoài trở về Việt Nam không đến cơ quan Công an trình báo, tố giác tội phạm hoặc không hợp tác với cơ quan Công an trong công tác điều tra, xử lý, dẫn tới công tác xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ, xử lý đối tượng phạm tội gặp rất nhiều khó khăn...

Từ những vướng mắc được nêu, đại diện Cục Cảnh sát hình sự đã đưa ra nhiều giải pháp như làm tốt công tác tâm lý, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp giữa Biên phòng và Công an, Viện kiểm sát trong việc xử lý và đánh giá chứng cứ, xác định những vấn đề cần chứng minh trong vụ án mua bán người trong luật mới. Đồng thời, làm tốt công tác hợp tác với các đơn vị tổ chức có chức năng hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân và hợp tác quốc tế....

Từ phương thức phạm tội mới của tội phạm, Đại tá Hoàng Anh Đức đã đưa ra kinh nghiệm phối hợp giải cứu nạn nhân bị lừa bán. Ngoài việc nắm chắc lai lịch, nhân thân của nạn nhân, cần phải làm tốt công tác phối hợp với lực lượng Công an Biên phòng của Trung Quốc...

Đề cập đến một lĩnh vực rất mới là “Công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người lợi dụng môi giới lao động trên các tàu đánh bắt hải sản; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp”, tham luận của Trung tá Hồ Chính Hữu, Phó trưởng phòng phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Đà Nẵng đã chỉ rõ tính chất phức tạp của loại tội phạm này. 

Tại buổi Tọa đàm, đã có 8/23 tham luận được trình bày. Nội dung các bài tham luận của các đơn vị tham gia đã đánh giá đúng thực trạng tình hình công tác phòng, chống mua bán người tại địa phương, địa bàn quản lý của đơn vị mình hoặc liên quan đến trách nhiệm của ngành mình, đơn vị mình. 

Các tham luận đã tập trung làm rõ đặc điểm, tình hình có liên quan và những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người trong thời gian qua; thực trạng áp dụng pháp luật trong đấu tranh với tội phạm mua bán người, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật ảnh hưởng đến việc thu nhập củng cố chứng chứng minh hành vi phạm tội; công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật và các biện pháp phòng ngừa tội phạm và thực trạng công tác phối hợp giải cứu, xác minh, bảo vệ.

Xuân Mai
.
.