Thực tiễn sống động tại Quảng Ninh - “quán quân” cải cách hành chính - Bài 1

Thứ Ba, 14/08/2018, 08:22
Mới đây, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chính thức công bố chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành. Ngôi vị quán quân trong chỉ số này thuộc về tỉnh Quảng Ninh.


Vì sao Quảng Ninh đạt và giữ được ngôi vị trên? Những chuyển động tại địa phương được khởi xướng và hiện thực hóa ra sao? Kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra?... Nhóm phóng viên chúng tôi đã có cuộc đi thực tế tại một số điểm CCHC ở Quảng Ninh, quan sát, gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và người dân để cung cấp tới bạn đọc cách nhìn đa chiều... 

Cận cảnh Trung tâm hành chính công Một thẩm định, một phê duyệt

Trụ sở liên cơ quan tỉnh Quảng Ninh được xây dựng khá khang trang trên đường Hồng Hà, TP Hạ Long. Trung tâm hành chính công (HCC) được bố trí ngay tầng 1 tòa nhà. Tại đây, lần lượt các khu được ngăn ra bởi vách gỗ, tường và kính, phân định các bộ phận xử lý thủ tục hành chính (TTHC) về nhà đất, xây dựng, y tế, giáo dục, hộ khẩu, hộ chiếu, lao động xã hội... 

Ngay cửa ra vào, có bảng chỉ dẫn người dân làm thủ tục và các quy định có liên quan. Tại đây, người dân cũng có thể tra cứu nội dung phần việc của mình ở máy tính kết nối mạng được đặt tại một số vị trí, có hướng dẫn giống như hành khách khi vào sân bay, nhà ga tra cứu và in vé điện tử. 

Hôm chúng tôi đến vào giữa tuần, trời mưa khiến lượng người đến giải quyết thủ tục không quá đông. Rất nhiều ghế đặt ở các sảnh chờ vẫn còn trống, những người lấy số thứ tự cũng chỉ cần chờ trong ít phút là được gọi đến lượt... 

Đảo qua một lượt, điều chúng tôi ấn tượng chính là không gian sạch, thoáng, quy củ, không khí làm việc rất khẩn trương và tác phong nhanh nhạy của cán bộ, nhân viên tại trung tâm. Tất cả đều mặc đồng phục thống nhất (riêng khối An ninh mặc trang phục của ngành) cùng việc giao tiếp linh hoạt, nhẹ nhàng khiến tại trung tâm dù có khoảng dăm chục cán bộ, nhân viên và hàng trăm người dân đến giao dịch nhưng không ồn ào, căng thẳng...

Công an tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo một số cơ quan báo chí thăm Trung tâm hành chính công.

Với quy mô như thế này và với sự quan sát hoạt động tại sảnh của trung tâm, hẳn nhiều người nghĩ “thế đã thấm gì, giờ nhiều tỉnh cũng đã có trung tâm HCC và thậm chí quy mô còn hoành tráng, khang trang hơn”! 

Tuy nhiên, phải ngược lại quá trình hình thành, hoạt động và đi sâu vào hiệu quả hoạt động mới thấy rõ tại sao lại là Quảng Ninh chứ không phải địa phương nào khác trở thành địa phương tiên phong và giữ ngôi vị số 1 trong lĩnh vực này. 

Còn nhớ, hơn 4 năm trước, ngày 26-3-2014, tại đây đã diễn ra lễ khai trương Trung tâm HCC tỉnh. Thời điểm này, dường như các tỉnh, thành phố khác còn lạ lẫm với khái niệm HCC. Trung tâm ra đời theo Quyết định số 1648/QĐ-UBND, ngày 28-6-2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Đây là một mô hình hoàn toàn mới trong cả nước và làm việc với phương châm “Công khai – Minh bạch – Chính xác – Đúng pháp luật”. 

Trung tâm HCC tỉnh là nơi giải quyết TTHC theo quy trình “một thẩm định, một phê duyệt” và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường mạng máy tính. Theo Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 24-3-2014 của UBND tỉnh, bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành được thực hiện tại Trung tâm tỉnh giai đoạn 1 là 457/1.385 thủ tục.

Trung tâm ban đầu thuộc Văn phòng UBND tỉnh, chính điều này khiến vị thế và khả năng giải quyết còn hạn chế. Sau hơn 1 năm thử nghiệm, tới ngày 28-10-2015, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho phép thí điểm thành lập Trung tâm HCC tỉnh Quảng Ninh trực thuộc UBND tỉnh. Việc đặt trung tâm trực thuộc UBND tỉnh tạo vị thế mới và được Quảng Ninh xác định “là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị”. 

Để tạo động lực thực hiện, ngay năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Ninh đặt ra là “Nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công”; năm 2017 “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”. Để tạo sự liên thông, các huyện, xã cũng lần lượt lập ban chỉ đạo và chính quyền điện tử, phân công lãnh đạo UBND phụ trách.

Trung tâm thực hiện 18 nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có các nhiệm vụ như: đảm bảo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, môi trường làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin để các cơ quan, đơn vị thực hiện và tiếp nhận giải quyết TTHC, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng các quy định TTHC, mức thu lệ phí (nếu có). Kiểm tra, giám sát, theo dõi việc giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, hỗ trợ, tư vấn cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết hồ sơ… 

Theo anh Tô Xuân Thao, Giám đốc Trung tâm HCC, với quy định chức năng, nhiệm vụ như trên là không chồng chéo với các cơ quan, đơn vị khác, đồng thời vẫn bảo đảm sự kết nối, phối hợp dưới sự theo dõi, giám sát của trung tâm. 

“Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh kiểm soát được toàn bộ công tác cải cách TTHC và việc giải quyết của các cơ quan, đơn vị cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong toàn tỉnh” – anh  đánh giá. 

Không coi là áp lực

Với vai trò đầu mối và là nơi để các cơ quan, đơn vị cử công chức, viên chức đến thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân, trung tâm không giải quyết thay cho các cơ quan, đơn vị nhưng cán bộ trung tâm được bố trí tham gia ở một số khâu trong quy trình giải quyết. 

Với vị trí là cơ quan đặc thù trực thuộc UBND tỉnh, Giám đốc trung tâm có đủ thẩm quyền để trực tiếp trao đổi, làm việc với các thủ trưởng cơ quan chuyên môn (giám đốc các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố) trong việc xử lý, giải quyết các nội dung công việc liên quan. 

Cùng với đó, Giám đốc trung tâm có thể kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Còn cán bộ làm nhiệm vụ tại trung tâm thì sao, họ phải tuân thủ những gì và cơ chế nào để kéo họ nhiệt huyết với công việc? Những cán bộ được các sở, ngành cử vào làm việc tại trung tâm HCC không những phải đạt về năng lực mà còn tác phong giao tiếp, khả năng xử lý công việc. Họ phải ở cấp độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn để thực hiện được nguyên tắc 4 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả” ngay tại trung tâm gắn với thời gian rút ngắn. 

Do đó, yêu cầu của tỉnh là các sở phải cử những cán bộ ngoài có đủ trình độ, kỹ năng như nêu trên còn phải có thẩm quyền giải quyết (từ phó phòng trở lên), không cử cán bộ làm việc kiểu văn thư, đánh máy… 

Thời hạn cán bộ làm việc ở trung tâm ít nhất 12 tháng. Giám đốc trung tâm cũng được giao quyền quản lý với các quy định, chế tài rõ ràng. Dù cán bộ thuộc sở, ngành nào thì khi đầu quân về trung tâm, cán bộ đó phải tuân thủ quy chế làm việc tại đây và sự quản lý của Ban giám đốc trung tâm. 

Việc đánh giá, nhận xét cán bộ được thực hiện với các tiêu chí như chấp hành kỷ luật, kỷ cương, văn hoá công sở, thái độ giao tiếp, ứng xử, chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, số hồ sơ tồn đọng, quá hạn, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức… Hồ sơ này do lãnh đạo Trung tâm HHC đánh giá, hằng năm gửi về sở, ngành, địa phương nơi có cán bộ được cử đến, làm tiêu chí phân loại cán bộ. 

8 giờ cho mỗi ngày làm việc, không được tuỳ ý di chuyển khỏi vị trí trong thời gian đảm nhận nhiệm vụ (trừ việc giải quyết thông thường như vệ sinh cá nhân, trao đổi, báo cáo văn bản…), rõ ràng áp lực cả về thời gian và tinh thần không hề nhỏ. 

“Vậy liệu có tình trạng vì áp lực mà cán bộ chán nản, xin chuyển việc” – chúng tôi đặt vấn đề. Giám đốc trung tâm Tô Xuân Thao thừa nhận, trước đây từng có cán bộ vì áp lực mà có tâm lý e ngại, muốn di chuyển về chỗ cũ để an nhàn, có thời gian làm việc khác. Tuy nhiên, hiện điều này đã không còn tồn tại. 

“Các cán bộ đến đây đã nhận thức rõ trách nhiệm, bổn phận của mình và đã quen với công việc và không coi đó là áp lực. Với tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ tận tình, ứng xử đúng mực đã tạo niềm tin và sự thân thiện với người dân, doanh nghiệp” – anh đánh giá. Đồng thời, để hỗ trợ cán bộ đảm nhiệm công việc này, tỉnh có chế độ hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng.

Không tồn tại chuyện “dúi phong bì”

Ngay tại phòng làm việc của lãnh đạo trung tâm là hàng chục màn hình được lắp đặt nhằm kiểm soát hoạt động trực tiếp qua camera giám sát. 

Với tính chất công việc của cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc của người dân, tổ chức, hệ thống camera này chính là tai mắt để lãnh đạo trung tâm giám sát hoạt động các cán bộ tại từng cửa, đồng thời là sự giám sát của cơ quan Kiểm tra - Thanh tra tỉnh cùng lãnh đạo sở, ngành chủ quản. 

Do đó, tinh thần, thái độ của cán bộ giải quyết công việc hành chính trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đúng mực, không được cáu gắt, có thái độ thiếu văn hoá, bởi một hành vi ứng xử sai thì cả trăm người đều có thể quan sát được qua camera giám sát chứ chưa cần phải đợi tới phản ứng, tố giác của người dân. 

Tất nhiên, chuyện “dúi phong bì” – một lệ diễn ra ở các nơi giải quyết TTHC thì tại đây không có chỗ tồn tại.

NHÓM PV (còn nữa)
.
.
.