Thí điểm đưa thực tập sinh ngành hộ lý sang Nhật Bản:

Lo ngại lao động bỏ trốn

Thứ Tư, 20/06/2018, 08:24
Theo đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trả lời trong cuộc họp báo chiều ngày 19- 6, việc đưa thực tập sinh ngành hộ lý sang Nhật Bản đang được thí điểm triển khai. Nếu thành công thì có thể sẽ mở ra một cánh cửa giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động Việt Nam. 


Phía Việt Nam và Nhật Bản đang tiến hành đàm phán, tuy nhiên, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, quá trình đàm phán vẫn còn nhiều vướng mắc.

6 doanh nghiệp tham gia làm thí điểm

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) có công văn đồng ý cho 6 doanh nghiệp được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản.

Theo đó, 6 doanh nghiệp được đưa thực tập sinh hộ lý sang thực tập tại Nhật Bản bao gồm: Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD; Công ty CP Phát triển dịch vụ C.E.O; Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long; Công ty CP XKLĐ thương mại và du lịch TTLC; Công ty CP Đầu tư thương mại Thịnh Long; Công ty CP Tập đoàn JVS. Doanh nghiệp chỉ được phép tuyển chọn những đối tượng đã có kinh nghiệm làm công việc hộ lý theo quy định của Nhật Bản để đưa vào đào tạo.

Cụ thể, đối tượng tuyển chọn phải đáp ứng một trong những tiêu chuẩn: Người có kinh nghiệm chăm sóc cuộc sống thường ngày, hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng hay phục hồi sau bệnh tại cơ sở hộ lý hoặc tại nhà… cho người cao tuổi hoặc người khuyết tật; Người đã tốt nghiệp khóa học điều dưỡng hoặc có chứng chỉ điều dưỡng do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Người đã nhận được chứng nhận hộ lý do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Trước khi xuất cảnh phải đạt trình độ tiếng Nhật N4 hoặc tương đương trở lên.

Mức lương tối thiểu không thấp hơn người Nhật làm cùng công việc. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam được phía Nhật Bản hỗ trợ toàn bộ để đảm bảo thực tập sinh tối thiểu đạt trình độ N4 hoặc tương đương trước khi phái cử sang Nhật Bản.

Tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn tại Nhật Bản còn cao.

Ngoài ra, nghiệp đoàn Nhật Bản chi trả phí quản lý cho doanh nghiệp phái cử tối thiểu 10 nghìn yên/TTS/tháng. Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp thông tin với Tổ chức thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) để hai bên rà soát, xem xét có thể áp dụng biện pháp dừng tiếp nhận hồ sơ phái cử thực tập sinh ngành hộ lý đối với những doanh nghiệp và đoàn thể quản lý để xảy ra nhiều phát sinh, có tỷ lệ thực tập sinh hộ lý phải về nước sau 1 năm nhập cảnh hoặc có tỷ lệ thực tập sinh hộ lý bỏ hợp đồng cao.

Ngoài ra, theo yêu cầu đặc biệt của chương trình này, thực tập sinh hộ lý sau 1 năm nhập cảnh phải đạt trình độ tiếng Nhật N3 hoặc tương đương mới đủ điều kiện tiếp tục ở lại làm việc. Vì vậy, để tránh xảy ra các phát sinh không đáng có như sau khi về nước không nhận lại được phí dịch vụ đã đóng của năm 2 và năm 3, Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này cần làm rõ mức phí dịch vụ với công ty phái cử ngay từ trước khi ký hợp đồng.

Nhiều vướng mắc

Không chỉ Hàn Quốc, hiện nay Nhật Bản cũng đang yêu cầu phía Việt Nam phải giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp xuống mức thấp nhất. Đây là một trong những vướng mắc lớn mà phía Việt Nam đang phải đối mặt khi đàm phán ký kết các chương trình đưa lao động đi làm việc ở hai thị trường lớn này, kể cả trong trường hợp đàm phán đưa thực tập sinh ngành hộ lý sang Nhật Bản lần này.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, mới đây Chính phủ Nhật Bản có mở ra ngành thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng sang làm việc tại nước này, tuy nhiên xung quanh câu chuyện đưa thực tập sinh sang Nhật Bản hiện nay cũng đang tồn tại không ít vấn đề. “Vướng mắc lớn nhất hiện nay là tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp khá là cao.

Cao nhất trong số các nước đưa thực tập sinh sang đây. Tỷ lệ thực tập sinh, du học sinh phạm tội như trộm cắp cũng cao nhất. Số lương đi rất nhiều nhưng tình trạng vi phạm pháp luật, cư trú bất hợp pháp của chúng ta cũng rất cao. Vì thế phía Chính phủ Nhật yêu cầu phía Việt Nam phải rà soát việc này”, ông Diệp nói.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, việc thực tập sinh ngành hộ lý, điều dưỡng không thực sự là ngành lôi cuốn được lao động do công việc chủ yếu làm ở các viện dưỡng lão, các bệnh viện để chăm sóc người già, do đó lo ngại nguy cơ các thực tập sinh điều dưỡng và hộ lý có thể chấm dứt hợp đồng, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc sẽ rất cao.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH làm thí điểm. “Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là trước hết dựng ra các tiêu chuẩn để các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi với phía Nhật Bản ràng buộc các trách nhiệm của doanh nghiệp phía Việt Nam, các nghiệp đoàn phía Nhật Bản không để xảy ra các tình huống xấu”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết.                    

Phức tạp tình trạng lừa đảo, thu phí khống của người đi xuất khẩu lao động

Cũng liên quan đến tình hình xuất khẩu lao động, chiều 19-6, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong thời gian qua ở các địa phương xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng làm về xuất khẩu lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã tự đứng ra lập các văn phòng đại diện mạo danh các doanh nghiệp để tuyển chọn thu tiền người lao động. Sau đó cung ứng người lao động cho các doanh nghiệp.

Cũng có những nơi có doanh nghiệp thu tiền của người lao động nhưng phiếu thu không có xác nhận, dấu, chữ ký của người có trách nhiệm, cũng như dấu của doanh nghiệp mà chỉ là các phiếu thu khống, rất khó cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý.

Do đó người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nộp phí cho các doanh nghiệp, tổ chức yêu cầu trên phiếu thu phải có tên của doanh nghiệp, có chữ ký đóng dấu của những người có trách nhiệm. (P.H)

Phan Hoạt
.
.
.