Lại đề xuất "mở cửa" cho thuỷ điện nhỏ

Thứ Bảy, 29/07/2017, 07:47
Ngày 28-7, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị toàn quốc về thuỷ điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã dừng lại, nguồn năng lượng hoá thạch ngày càng cạn kiệt, để đảm bảo an ninh năng lượng, nhiều ý kiến tại hội nghị lại đề xuất "mở cửa" cho thuỷ điện nhỏ, bên cạnh việc phát triển năng lượng tái tạo.


Năm 2020, Việt Nam thiếu hụt 100 tỉ kWh điện

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt 100 tỉ kWh và con số này tăng lên 300 tỉ kWh vào năm 2030, nếu so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Nguồn điện mua từ nước ngoài hiện nay không đáng kể. Do đó cần khai thác các tiềm năng trong nước, đặc biệt là các thuỷ điện vừa và nhỏ cũng như nguồn năng lượng tái tạo.

Theo ông Ngãi, phong trào xây dựng thủy điện đã diễn ra ồ ạt những năm 2010 – 2014 làm nảy sinh một số bất cập, có một số dự án làm ảnh hưởng tới môi trường và xả lũ không đúng quy trình. Do đó Quốc hội đã loại ra khỏi quy hoạch trên 400 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát 158 dự án...

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan trên 300 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng, hiệu quả kinh tế của chúng là không thể phủ nhận khi đóng góp công suất khoảng 3.000 MW, đạt khoảng 10 tỷ kWh điện mỗi năm. Đến nay, nhiều dự án đã hoạt động ổn định, trồng lại rừng, không ảnh hưởng đến tái định cư và đời sống nhân dân vùng thượng lưu và hạ du, quy trình xả lũ đã theo đúng với quy trình.

Thuỷ điện nhỏ lại được đề xuất cho xây dựng. Ảnh minh họa

Ông Ngãi đề xuất nên xem xét lại các dự án còn có khả năng đầu tư tiếp (dự án có hiệu quả kinh tế, có công suất điện trên 30 MW) để cung cấp điện cho các địa phương vùng sâu, vùng xa... với điều kiện đảm bảo quy trình lập đề án, hạn chế tối đa phá rừng.

"Theo tính toán của chúng tôi, nếu cho khai thác thêm 300 - 400 dự án thủy điện vừa và nhỏ nữa thì tổng công suất điện của nguồn thủy điện này sẽ đạt khoảng 3.000 MW đến 4.000 MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, hàng năm cung cấp khoảng 20 tỷ kWh điện, góp thêm phần điện năng thiếu hụt" - ông Ngãi nói.

Ông Phan Duy Phú – Phó Vụ trưởng Vụ Thuỷ điện (Tổng cục Năng lượng) cho biết, tiềm năng thuỷ điện của nước ta khá lớn với tổng công suất lắp máy khoảng 35.000 MW và điện lượng bình quân năm khoảng 300 tỉ kWh.

Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, kĩ thuật và môi trường thì chỉ có thể khai thác khoảng 26.000 MW, đạt khoảng 100 tỉ kWh. Đến nay, trong quy hoạch có tổng cộng 824 thuỷ điện, đạt tới 95,3% về công suất so với tiềm năng kinh tế. Trong đó đã vận hành khai thác 343 dự án với tổng công suất 17.987 MW; đang thi công xây dựng 165 dự án với tổng công suất 3.348 MW; đang nghiên cứu xây dựng 260 dự án với tổng công suất 3.050 MW; còn lại 56 dự án chưa có chủ trương đầu tư. Hiện các nhà máy thuỷ điện nhỏ đã vận hành đang đóng góp khoảng 6,6% công suất lắp máy và 5,4% điện lượng cho hệ thống điện quốc gia.

Ưu tiên năng lượng tái tạo

Ông Phạm Trọng Thực – Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng) cho biết: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã nêu rõ, sẽ tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% vào năm 2020 và tăng lên trên 10% vào năm 2030.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học VEA khẳng định, đã đến lúc Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. "Chúng ta không thể đảm bảo an ninh năng lượng bằng bất cứ giá nào. Các dự án đầu tư phải đảm bảo hai yếu tố: Hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Lượng khí thải CO2 của hệ thống năng lượng Việt Nam đang bị chi phối bởi nguồn nguyên liệu hoá thạch.

Năm 2015, lượng phát thải CO2 do sử dụng than chiếm gần 50% tổng lượng phát thải. Sử dụng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hoá thạch đang ngày càng phổ biến ở các quốc gia trên thế giới nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Năng lượng tái tạo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường do không thải ra khí và nước độc hại, không gây hiệu ứng nhà kính".

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong cơ cấu nguồn điện năm 2016, thuỷ điện vẫn chiếm 38,3%, nhiệt điện than 34,6%, trong khi đó điện gió mới chiếm 0,3%, điện sinh khối 0,1%. Quy hoạch điện VII điều chỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-3-2016 đã nêu rõ, tổng công suất năng lượng tái tạo giai đoạn 2016-2030 sẽ đạt 25.000 MW, trong đó giai đoạn 2016-2020 đưa vào vận hành 3.603 MW, giai đoạn 2021-2025 là 6.290 MW và giai đoạn 2026-2030 là 15.190 MW. Hiện EVN và các đơn vị thành viên đang tiến hành bước quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án năng lượng tái tạo, trong đó có 4 dự án điện mặt trời với tổng công suất 575 MW.

Với chiều dài bờ biển hơn 3.260km, gió biển thổi vào đất liền quanh năm, Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh này để phát triển điện gió. Bằng công nghệ hiện đại như ngày nay thì chỉ cần tốc độ gió 5m/s trở lên, tua bin đã có thể phát ra điện. 

Nếu lắp đặt hệ thống tua bin dọc bờ biển có thể tạo ra hàng ngàn MW điện mỗi năm. Trong khi đó, bức xạ mặt trời khắp cả nước đều vào loại tốt, mức độ năng lượng mặt trời trong khoảng 3-5kWh//m2/ngày, số giờ nắng trung bình hàng năm lên tới 2.500-3000 giờ. Với các tấm pin năng lượng mặt trời, trung bình cứ khoảng 1 ha thì cho ra 1 MW điện.

Khánh Vy
.
.
.