Cần có lộ trình dừng hoạt động các thủy điện nhỏ

Chủ Nhật, 23/10/2016, 07:11
Sự việc thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ gây tổn thất lớn cho nhân dân một lần nữa lại khiến chúng ta phải suy ngẫm về tính hiệu quả của thủy điện nhỏ. Việc phát triển thuỷ điện nhỏ một cách ồ ạt trong thời gian qua đang dần bộc lộ những sai lầm.

Thuỷ điện nhỏ có tuổi thọ ngắn, hiệu quả kinh tế không cao trong khi rủi ro lớn. Để hiểu rõ hơn câu chuyện phát triển thuỷ điện nhỏ, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam:

PV: Thưa GS, câu chuyện thuỷ điện Hố Hô bất ngờ xả nước gây lũ chồng lũ cho bài học gì về việc phát triển thuỷ điện hiện nay?

GS Vũ Trọng Hồng: Bài học lớn nhất là về quy hoạch thuỷ điện. Chúng ta phát triển thuỷ điện quá nhanh. Năm 1990 bắt đầu đưa ra quy hoạch thì đến nay đã có hàng nghìn thuỷ điện các loại.

Quảng Nam từ chỗ không có thuỷ điện đã mọc ra 40 nhà máy. Ban đầu chúng ta chỉ dự định làm thuỷ điện bậc thang trên sông Đà. Thế nhưng, sau 20 năm, các dòng sông đều làm bậc thang hết. Rõ ràng quy hoạch này không hợp lí. Không chỉ vậy, chúng ta phát triển quá nhiều thuỷ điện nhỏ.

Có những cái chỉ 2-3MW. Trên thế giới, người ta chỉ dùng loại thuỷ điện đó cho gia đình, một xóm dân cư, một trang trại, chứ không phải để đóng góp cho điện năng quốc gia.

Thuỷ điện nhỏ có nhược điểm là tổn hao điện năng rất lớn. Chúng ta phát triển thuỷ điện nhỏ trên 3.000 dòng sông, suối nên khảo sát không kĩ. Bộc lộ rõ nhất là ở Tây Nguyên, có thuỷ điện làm xong không có nước.

GS Vũ Trọng Hồng.

Sông Tranh 2 thì thường xuyên động đất và gần đây nhất là Sông Bung 2. Sông Bung 2 là bài học lớn nhất. Chưa có công trình nào nghiệm thu rồi mà công trình bị vỡ. Điều này chứng tỏ việc khảo sát, thiết kế, thi công kém.

Chúng ta có mấy trăm thuỷ điện nhỏ, cái nào rủi ro, không ai biết. Lẽ ra thuỷ điện phải do Nhà nước quản lí thì nay rất nhiều tư nhân làm thuỷ điện. Bây giờ chỉ cần hơn chục tỉ đồng là có thể làm được. Nhiều người không có chút kiến thức gì trong lĩnh vực này cũng đầu tư xây nhà máy.

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, quy trình vận hành các hồ chứa hiện nay đang "có vấn đề" nên không phát huy được hiệu quả. Ông nghĩ sao?

GS Vũ Trọng Hồng: Rõ ràng là quy trình vận hành không ổn. Trong trường hợp thuỷ điện Hố Hô, khi mở cửa tràn, hồ chứa vẫn chưa đầy. Hố Hô liên tục tăng lưu lượng xả từ 400m3/s đến 1.800m3/s, lớn gần bằng thuỷ điện Hoà Bình (thời điểm cao nhất Hoà Bình xả 2.000m3/s).

Nguyên tắc điều tiết xả lũ là khi nước lũ về quá nhanh, hồ chứa đầy thì phải mở cửa tràn để bảo vệ đập. Nhưng ở đây, nước trong hồ chưa đến mực nước chết. Nhưng cái đập này đang nứt, sợ bị vỡ nên người ta phải xả vội vàng. Nghĩa là trước mùa lũ cái đập này không được khảo sát, đánh giá cẩn thận.

Bản thân việc xây dựng đập Hố Hô cũng "có vấn đề". Không ai đặt tổ máy sau khu sạt trượt. Khu vực đặt nhà máy có địa chất là đất sét khô, khi khô thì rất cứng nhưng nếu ngấm nước lâu sẽ mủn ra. Đó là lí do vai đập đang bị nứt.

PV: Vậy các quy trình vận hành hồ chứa cần phải điều chỉnh theo hướng nào, thưa ông?

GS Vũ Trọng Hồng: Quy trình vận hành tối ưu là phải đảm bảo được đập nhưng không gây thiệt hại cho hạ du. Nếu dự báo của khí tượng thuỷ văn không chính xác thì dựa vào quy trình này vẫn vận hành hồ an toàn. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các quy trình vận hành đều lạc hậu, không phù hợp.

Nguyên tắc chung trong vận hành hồ chứa là không được để mực nước hồ vượt mực nước dâng bình thường (tức là mực nước thiết kế), nếu vượt quá có thể vỡ đập hoặc bị nứt, bị thấm.

Như thế phải tính toán kĩ lưỡng mối quan hệ giữa lưu lượng và thời gian, phân chia đường biểu diễn thành 3 vùng: vùng không an toàn, vùng an toàn, vùng an toàn cao. Nếu không biết số liệu thuỷ văn ở đầu nguồn, chỉ cần dựa vào dữ liệu mực nước trong hồ cũng có thể tự xử lí.

Nếu mực nước đang ở vùng an toàn thì không phải mở cửa tràn, còn nếu ở vùng không an toàn (nghĩa là hồ chứa đã đầy) thì phải mở. Dựa vào dữ liệu này sẽ xả ngay, chứ không cần chờ thông báo lũ. Khi đang trong mùa lũ, các hồ chứa đều không được chứa đầy.

PV: Tỉnh Hoà Bình đang xin xây thêm 3 thuỷ điện nhỏ. Ông nghĩ sao về điều này?

GS Vũ Trọng Hồng: Tôi không ủng hộ điều này. Các thuỷ điện này công suất rất nhỏ, không có ý nghĩa gì. Chúng lại được xây dựng trên các dòng suối vốn là nguồn sống của người dân vùng núi.

Hiện nay, tất cả các dòng suối đều không nên làm thuỷ điện nữa. Thuỷ điện Hoà Bình vẫn còn tiềm năng, có thể nâng công suất để bù đắp lại.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các thuỷ điện nhỏ?

GS Vũ Trọng Hồng: Không đáng kể gì, các thuỷ điện nhỏ chỉ đóng góp khoảng trên 10% cho nguồn điện năng quốc gia, tuổi thọ lại thấp, rủi ro nhiều.

Thuỷ điện nhỏ không có chức năng phòng lũ cho hạ du, chủ yếu chỉ phát điện. Thế giới đang phá bỏ dần các thuỷ điện nhỏ, đặc biệt là tại Mỹ. Chúng ta nên có lộ trình để chấm dứt hoạt động của các thuỷ điện nhỏ.

PV: Lộ trình ấy nên thực hiện như thế nào, thưa ông?

GS Vũ Trọng Hồng: Lộ trình này phải được thực hiện từ từ, không nên quá vội vàng bởi lẽ các thuỷ điện nhỏ hầu hết được đầu tư bởi tư nhân theo chủ trương xã hội hoá của Nhà nước. Tuổi thọ thuỷ điện nhỏ tính theo thu hồi vốn vào khoảng 30 năm, có những nơi chỉ 20-25 năm.

Trước mắt, chúng ta phải sớm công bố lộ trình dừng hoạt động thuỷ điện nhỏ, không cho phép cái nào vượt quá 30 năm. Khi đó, các doanh nghiệp phải cố gắng kinh doanh, sẽ không mở rộng phát triển, chỉ tập trung thu hồi vốn.

Trong trường hợp doanh nghiệp không thể hồi vốn, bị phá sản thì Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ, chia sẻ rủi ro bằng cách giảm thuế, giảm lãi suất, gia hạn thời gian vay tín dụng...

PV: Ông vừa nói hiệu quả hoạt động của các thuỷ điện nhỏ là không lớn, vậy tại sao các địa phương vẫn xin làm?

GS Vũ Trọng Hồng: Vì chúng ta chưa đưa ra chủ trương dừng hoạt động nên các địa phương nghĩ rằng Chính phủ vẫn khuyến khích. Thuỷ điện rất rẻ, công nghệ làm thuỷ điện nhỏ lại rất đơn giản. Lợi nhuận từ thuỷ điện rất lớn vì đây là nguồn năng lượng không mất tiền, thuế tài nguyên nước rất rẻ.

PV: Nếu chấm dứt hoàn toàn các thuỷ điện nhỏ, an ninh năng lượng quốc gia liệu có đảm bảo?

GS Vũ Trọng Hồng: Thế giới đã bày cho chúng ta kinh nghiệm. Đối với các nước Bắc Âu, nguồn nước để phát triển thuỷ điện rất dồi dào vì họ không làm nông nghiệp. Còn Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan làm nông nghiệp nên phải rất cẩn thận với thuỷ điện.

Nguồn nước đó làm lợi cho thuỷ điện nhưng rất có hại cho nông nghiệp. Chúng ta buộc phải lựa chọn. Nếu vẫn làm nông nghiệp thì phải bỏ thuỷ  điện. Chúng ta không sợ thiếu điện nếu dừng hoạt động các thuỷ điện nhỏ bởi lẽ hơn 80% nguồn điện năng do các thủy điện lớn cung cấp, phần còn lại có thể sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, thuỷ triều...

 PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Khánh Vy (thực hiện)
.
.
.